Hắt hiu nghề đan lát

Đường về làng Bắc (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông) giờ đã rộng dài, thẳng tắp nhưng chẳng còn ồn ã, tấp nập kẻ bán người mua như thuở nghề đan lát còn hưng thịnh. Ngôi làng lưu giữ nét văn hóa nghề truyền thống qua bao thập kỷ đang từng ngày biến động. Thế hệ người già dần xa vắng, người trẻ không ai còn mặn mà bám nghề...

Thợ thủ công làng nghề khu Bắc, Hiền Quan hầu hết là người cao tuổi, đan lát khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Vàng son một thời
Ngày trước, dọc theo con đường chạy thẳng vào làng Bắc (nay là khu 7, 8, 9 xã Hiền Quan) xanh bóng tre. Tre từng là “mạch nguồn” giúp nghề đan lát nơi đây hưng thịnh, giữ kế mưu sinh cho hàng trăm hộ dân suốt nhiều thập kỷ. Già làng Phạm Thị Dậu bộc bạch: “Nhớ thuở đó, tre là hồn cốt của làng. Nhờ những rặng tre xanh tốt, cứng cáp, dẻo dai mà thế hệ cư dân làng quê nghèo đã làm nên những chiếc thúng, sàng, mủng, nong, nia, dí… nuôi nấng bao phận đời. Người làng trân quý sẽ đẵn những thân tre già, chắc khỏe nhất tặng nhau như món quà vô giá đan lát nên chiếc thúng, nia bền, đẹp nhất vùng”. Không ai nhớ gốc tích làng nghề từ đâu. Chỉ biết, vào thời bom đạn, đàn ông cầm súng xông pha, phụ nữ trong làng tảo tần sớm hôm đan lát phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dần dà, sản phẩm thủ công làng Bắc tiếng lành đồn xa, mọi người quần tụ lại, cần mẫn, miệt mài phát triển nghề mây tre đan nơi đây.

Vót nan, đan phên là những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận nhất trong quá trình làm thúng tre, nong, nia.
Là nghề cha truyền con nối trên đất Hiền Quan, chục năm về trước, làng Bắc có tới 80% hộ dân theo nghề, tổng doanh thu làng nghề đạt hơn 4 tỉ đồng/năm. Cô Trần Thị Nghị, tay thợ đan lát nức tiếng nhất làng cho biết: “Muốn đan được loại thúng bền đẹp, khâu chọn tre rất quan trọng. Tre phải già, chắc, dai để dễ uốn cong. Khi mua tre về, phải ngâm dưới ao để giữ tươi, chống mọt, giữ độ bền chắc. Tre ngâm sau khi vớt lên phải trải qua các công đoạn như chẻ nan, vót, róc vành, lượm, uốn cạp... mới hoàn thành sản phẩm. Tùy thuộc vào kích thước, cấu tạo mà thời gian hoàn thành sản phẩm thường từ 3-6 tiếng”. Ngoài thúng to, thúng bé đã “trứ danh” khắp vùng, làng Bắc còn đan lát các loại rổ rá, nia, nong, dí nơm, rọ, bu… phục vụ nhu cầu sử dụng chủ yếu tại các trang trại, nhà hàng lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.
“Tôi vẫn còn nhớ những ngày làng nghề đắt mối, đầu làng cuối xóm vang tiếng chẻ tre, vót nan suốt đêm ngày. Đôi bàn tay lúc nào cũng chi chít sẹo. Sẹo cũ chưa kịp lành đã có những vết cứa, vết nứt mới. Mặc dù công việc vất vả, nhưng ai nấy đều say nghề. Vậy mà giờ đây, sản phẩm làng nghề ế ẩm, bí đầu ra. Lao động lành nghề cũng thưa dần rồi vắng bóng. Những người từng tấm tắc mãi về thủ công làng Bắc đã lâu không còn ghé tới. Làng nghề đan lát nay chỉ còn là vàng son của ngày cũ”, cô Nghị thở dài tiếc nuối.Khắc khoải làng nghề
Bây giờ, ghé đến làng Bắc, Hiền Quan sẽ chẳng ai còn được thấy những rặng tre xanh rì từng ăn đời ở kiếp với người dân nơi đây. Những sản phẩm thủ công vang danh một thời nay đã cũ, mục ruỗng và đen đúa, được chất chồng, dồn gọn trong góc bếp. Công nghệ chế biến đồ dùng phát triển, các mặt hàng túi nhựa, túi nilon trở nên tiện ích, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với đồ đan lát thủ công, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, các sản phẩm, đồ dùng đan lát thủ công ngày càng được cải tiến với diện mạo bắt mắt, chất liệu bền đẹp, dẻo dai và có tính ứng dụng cao hơn mây tre. Vô tình, một bộ phận người làm nghề đan lát truyền thống đang dần trở nên “lạc hậu”.

Những thân tre già, chắc, dẻo dai được người dân khu Bắc, Hiền Quan dùng để đan thúng.
Ông Phạm Văn Nghĩa- Trưởng làng nghề đan lát khu Bắc, xã Hiền Quan cho biết: “Những năm gần đây số hộ dân làng nghề giảm đi đáng kể. Hiện làng chỉ còn khoảng 120 hộ tham gia sản xuất, tổng doanh thu năm 2020, 2021 chỉ đạt khoảng một tỉ/năm. Hầu hết, thợ thủ công đều là người cao tuổi, tranh thủ đan lát khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Tiền bán sản phẩm không thấm vào đâu so với công sức tạo ra thành phẩm nên nhiều người không mặn mà giữ nghề. Một thời gian dài, những người làm nghề buộc phải bỏ ngang để tìm sinh kế mới, người ở làng lập nghiệp, người lên phố mưu sinh. Một số hộ làm nghề than thở, đan cả ngày được đôi thúng bé, cố gắng lắm cũng chỉ kiếm chừng 150 nghìn đồng/chiếc, khi có khi không. Thế hệ trẻ làng Bắc càng không rành nghề đan, cách đan thì làm sao mà giữ lửa nghề truyền thống?”.
Câu chuyện về làng nghề khu Bắc, xã Hiền Quan cũng là nỗi niềm chung của nhiều làng nghề đan lát truyền thống trên địa bàn tỉnh. Dẫu đã có khá nhiều giải pháp được địa phương và ngành chức năng đưa ra để khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo các điểm đến trải nghiệm, hấp dẫn du khách nhưng hiện thực làng nghề nay vẫn còn nhiều rào cản. Những người làm nghề tâm huyết như cụ Dậu, cô Nghị vẫn đang chờ đợi những cơ hội sản phẩm làng nghề được chỉnh trang, phô bày. Bởi lẽ, thứ họ mong mỏi không chỉ là phục dựng cái nghề, mà điều to lớn hơn là không gian văn hóa, tinh thần cộng đồng làng nghề.Về làng Bắc, Hiền Quan lần tới, chắc chúng tôi sẽ khó có thể để chiêm ngưỡng những người thợ lành nghề đang thong dong đan lát trước hiên nhà. Dù vậy, nhưng khi kể lại cách thức làm nghề, họ vẫn sẽ vanh vách đến từng chi tiết. Chừng đó ít nhiều cũng đã phần nào lưu giữ được ngón nghề từng hình thành nên văn hóa làng quê Việt.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202204/hat-hiu-nghe-dan-lat-183763