Hát trống quân trước nguy cơ bị lãng quên

Hát trống quân từ lâu đã được biết đến là một loại thức của dân ca có mặt tương đối phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ.

Các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá, trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nước ta không thể thiếu bộ môn nghệ thuật này.

Thực trạng không quá bi quan?

Có tài liệu cho rằng hát trống quân là lối hát ví von, đối đáp giao duyên phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của âm nhạc dân gian, là lối hát đối đáp giao duyên, thuộc loại hình diễn xướng, mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc, lại vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ. Lời hát phong phú được chắt lọc từ chính phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, triết lý nhân sinh...

Ở Hà Nội, di sản hát trống quân hiện còn lưu truyền ở ba huyện: Phú Xuyên, Thường Tín và Phúc Thọ. Chính vì vậy, từ năm 2015 đến nay, Sở VHTT Hà Nội đã đưa di sản vào danh mục các di sản cần bảo vệ khẩn cấp và ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để cứu di sản.

Trống quân là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của âm nhạc dân gian.

Trống quân là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của âm nhạc dân gian.

Tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, xã Hát Môn huyện Phúc Thọ và xã Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên, di sản hát trống quân hiện đã thu thập và lưu giữ lại các bài cổ xưa, các bài trình diễn do những nghệ nhân cao tuổi hiện còn nắm giữ; mở các lớp truyền dạy hát trống quân cho nhân dân tại huyện Thường Tín, Phúc Thọ; xây dựng phim về phương pháp truyền dạy hát trống quân nhằm hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và trao truyền di sản.

Theo các nhà nghiên cứu, nội dung các câu hát trống quân là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã và là kho tàng tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa quê hương... Qua đó góp phần làm giàu kho tàng văn học dân gian và nghệ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân.

Ngày nay, hát trống quân đang phát triển ở nhiều nơi và được bảo tồn, lưu giữ khá đầy đủ tại Hưng Yên như các xã: Dạ Trạch, An Vỹ, Hàm Tử (huyện Khoái Châu); Tân Tiến, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang); Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám (huyện Ân Thi); Dị Chế, Hải Triều, Thụy Lôi, Cương Chính (huyện Tiên Lữ); Thọ Vinh, Đức Hợp, Hùng An (huyện Kim Động); Việt Hưng (Văn Lâm). Một số câu lạc bộ ở các xã: Dạ Trạch, Vĩnh Khúc, Đồng Than đã tổ chức truyền dạy hát trống quân cho thế hệ trẻ để lưu giữ cho mai sau. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 6 nghệ nhân hát trống quân đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Riêng nghệ thuật hát trống quân Bùi Xá, xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành), được người dân nơi đây bảo tồn và phát triển đã hàng trăm năm.

Không cầu kỳ như quan họ mà thường nôm na theo kiểu ngẫu hứng phổ theo thơ lục bát, nhưng mỗi đám hát trống quân ngày xưa trong làng Bùi Xá đều khiến các đôi trai gái khắp vùng mê mải, hát thâu đêm tới sáng, tiếng hát trống quân râm ran từ trong làng ra đến ngoài đồng. Theo các bậc cao niên trong làng, hát trống quân của làng đã có từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Thời đó, người Bùi Xá đã từng có những gánh hát trống quân nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long, sánh ngang với các gánh hát ở Bá Đạt (Vĩnh Phú), Dạ Trạch (Hưng Yên). Đến năm 1993, những người tâm huyết với trống quân trong làng đã thành lập câu lạc bộ hát trống quân gồm 5 thành viên. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 20 người, giúp cho các làn điệu trống quân tiếp tục được gìn giữ, lan tỏa. Các thành viên câu lạc bộ đã sưu tầm được hơn 100 bài hát trống quân cổ, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn môn nghệ thuật trình diễn độc đáo trên quê hương Kinh Bắc.

Theo các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát trống quân Bùi Xá có bản sắc riêng vì được thực hiện theo lối văn thập cửu (10/9) nhưng vẫn giữ được tiết tấu lục bát của trống quân. Khi tham gia hát trống quân phải tuân thủ đúng nguyên tắc chung là chào, mừng, chúc, hỏi, giao duyên, giã bạn.

Không gian biểu diễn bị thu hẹp

Được lưu truyền rộng rãi nhưng không gian (lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn...) để trống quân hoạt động ngày càng bị thu hẹp. Việc tham gia biểu diễn loại hình nghệ thuật này trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ do các cơ quan, tổ chức, đơn vị biểu diễn cũng còn quá ít. Quả thực, trước sự biến thiên của đời sống xã hội đương đại, giới trẻ ngày nay không quan tâm lắm đến cách tỏ tình và giao duyên như hát trống quân. Đã vậy, môi trường diễn xướng của di sản này những năm gần đây cũng gần như biến mất. Trong các lễ hội hay trong các dịp Trung thu, hiếu hỉ... hát trống quân cũng không còn được diễn xướng như một hoạt động truyền thống không thể thiếu như nó vốn có thời xa xưa.

Một nghệ nhân cao tuổi cho biết, hát trống quân dễ truyền dạy, dễ hát, chỉ cần chỉ bảo khoảng 30 phút thì các bạn trẻ có thể hát theo ngay được. Nhưng cái khó là hát trống quân vốn là lối hát giao duyên nên phải có hai nhóm hát nam và nữ để đối đáp. Đã vậy, lời bài hát theo thể lục bát không chỉ cần gieo vần cho khéo mà người hát còn phải tự ứng khẩu lời hát sao cho mộc mạc, cao thượng mà quyến rũ người nghe...

Theo giới chuyên môn, trước mắt là cần nắm bắt, nhận diện được ở địa phương này còn có những ai biết hát và biết đến mức độ nào về giá trị, kỹ năng trình diễn... di sản. Thứ nữa là nhanh chóng ghi âm, thu hình các kiến thức, kỹ năng trình diễn... của các nghệ nhân này để từ đó có cơ sở để bảo tồn hay phát huy giá trị di sản.

Có thể nói, với một xã hội có sự thay đổi chóng mặt như hiện nay, sự tác động, làm thay đổi di sản văn hóa cũng liên tục diễn ra. Chính vì vậy, các nhà quản lý văn hóa cần khẩn trương tính đến việc bảo vệ sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có trống quân.

Nam Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hat-trong-quan-truoc-nguy-co-bi-lang-quen-n168037.html