Hậu đại dịch COVID-19: Việt Nam sẽ phải đối mặt với 'bão' lạm phát?

Trước những diễn biến gần đây về tình trạng hàng loạt nguyên liệu đầu vào thiết lập mức giá mới, một số chuyên gia lo ngại, hậu đại dịch, Việt Nam sẽ phải đương đầu với 'cơn bão' lạm phát.

CPI thấp nhất trong 5 năm qua

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam (CPI) trong năm 2021 ghi nhận ở mức thấp kể từ năm 2016. Theo đó, CPI bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2021.

Nhận định về con số này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: Có 2 nguyên nhân khiến chỉ số CPI năm 2021 ghi nhận ở mức rất thấp.

CPI thấp nhất trong 5 năm qua.

Thứ nhất, tình hình đại dịch phức tạp đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng của người dân, ngay cả những mặt hàng thiết yếu, phục vụ trong quá trình giãn cách xã hội cũng ghi nhận tình trạng giảm giá.

Trong đó, tổng mức bán lẻ của cả năm 2021 đã ghi nhận mức giảm 3,8% so với năm 2020. Đặc biệt, là thịt lợn là sản phẩm có mức giảm sâu nhất, khoảng 10,92%.

Bên cạnh đó, cũng do tác động của đại dịch, các ngành dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, giao thông cũng giảm rất mạnh, đã kiềm chế đà tăng của CPI. Ví dụ, nhóm ngành giao thông đã giảm hơn 21%, du lịch trọn gói giảm sâu hơn nữa lên tới 32%.

Thứ hai, để hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã nhiều lần giảm giá điện, nước và viễn thông. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng miễn giảm học phí trong năm học 2021 - 2022 đối với một số đối tượng khó khăn. Điều này cũng khiến CPI năm 2021 giảm.

Áp lực rất lớn đến từ lạm phát

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, chỉ số lạm phát bình quân ghi nhận ở mức thấp, tăng 0,82% so với năm 2020.

Về cơ bản, chỉ số lạm phát năm nay ghi nhận ở mức thấp, đạt được các mục tiêu của Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm. Thế nhưng, trước những diễn biến gần đây về tình trạng hàng loạt nguyên liệu đầu vào thiết lập mức giá mới, một số chuyên gia lo ngại, hậu đại dịch, Việt Nam sẽ phải đương đầu với “cơn bão” lạm phát.

Một số chuyên gia lo ngại, hậu đại dịch, Việt Nam sẽ phải đương đầu với “cơn bão” lạm phát.

Đồng tình với nhận định này, bà Thu Oanh đánh giá: Nếu trong năm 2022, thế giới và cả Việt Nam có thể kiểm soát được đại dịch, tiến tới việc kết thúc đại dịch, điều này tạo ra áp lực rất lớn cho lạm phát.

“Đặc điểm của kinh tế Việt Nam là hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, mỗi khi giá nguyên liệu đầu vào, như xăng, dầu, vật liệu xây dựng tăng cao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành của nhiều sản phẩm được tiêu thụ trong nước”, bà Oanh nói.

Bên cạnh đó, bà Oanh chia sẻ: Đại dịch đã ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian tương đối dài, doanh nghiệp vẫn phải chịu một số khoản chi phi phí phát sinh, khiến chi phí vận hành doanh nghiệp tăng cao.

Tất cả những yếu tố này sẽ cản trở doanh nghiệp hồi phục trở lại và khiến nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trở nên khan hiếm. Đây cũng là một mối đe dọa về vấn đề lạm phát.

“Giai đoạn hậu đại dịch, chắc chắn nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng lên. Thế nhưng, sự phục hồi của doanh nghiệp lại chậm hơn nhu cầu của người dân. Như vậy, tất nhiên lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường sẽ trở lên khan hiếm và giá bán sẽ tăng. Đó là chưa kể, các ngành dịch vụ như ăn uống, du lịch, hàng không cũng sẽ sôi động và tăng giá trở lại”, bà Oanh phân tích.

Tiếp đến, về vấn đề lao động. Hiện nay, để tuyển dụng nguồn lao động mới trong sản xuất sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo, tăng chi phí tuyển dụng lao động. Để tránh lỗ, doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm để bù lại các chi phí đó.

Ngoài các lý do trên, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết thêm: Vì đã được điều chỉnh giảm trong năm 2021, nhiều khả năng, trong năm 2022, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, nước, chi phí cho giáo dục cũng sẽ tăng trở lại và tạo ra áp lực trong công tác kiểm soát lạm phát.

Trước tình trạng này, bà Oanh kiến nghị Chính phủ, cùng các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả trong và ngoài nước, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý lạm phát.

Đồng thời, bà Oanh nhấn mạnh: Chính phủ cùng các địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là trong dịp cận Tết Nguyên đán để kiềm chế lạm phát.

“Xăng dầu giá xăng trong nước đã tăng 20 lần 2021. Do đó, tôi đề nghị các Bộ, ngành phụ trách theo dõi sát sao giá xăng dầu thế giới, kết hợp quỹ bình ổn giá, nhằm kìm cương giá xăng, dầu trong năm 2022”, bà Oanh nói thêm.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hau-dai-dich-covid-19-viet-nam-se-phai-doi-mat-voi-bao-lam-phat-post174952.html