Hậu duệ đời thứ 4 kể về người săn voi bạch tạng ngà đen tặng nhà vua Thái Lan
Sau khi săn được voi bạch tạng có cặp ngà đen nhánh đặc biệt quý hiếm, ông Y Thu K'nul đã tặng cho nhà vua Thái Lan. Ông đã được nhà vua tặng tước hiệu 'vua voi'.

Bà H'Nguă Byă (phải) cùng bức ảnh của cố ngoại Y Thu K'nul. Ảnh: Hải Dương
Người dân ở Tây Nguyên biết đến ông Y Thu K'nul là một huyền thoại về săn và thuần phục voi rừng. Ông đã cùng thanh niên, trai tráng trong bộ tộc của mình rong ruổi khắp những cánh rừng rộng lớn từ vùng Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Campuchia, Lào để săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.
Trong những chuyến rong ruổi đó, nhóm của ông đã săn được con voi bạch tạng có cặp ngà đen quý hiếm. Sau đó ông Y Thu chủ động đưa con voi này tặng cho nhà vua Thái Lan và được nhà vua Thái Lan phong tặng tước hiệu "vua voi".
Câu chuyện về huyền thoại vua voi Y Thu K'nul giống như một bản hùng ca mà các hậu duệ đời sau luôn kể lại với sự kính phục và xem ông như một tấm gương về tính kiên trì, dũng cảm để học tập, noi theo.

Ông Y Thu (phải) thời trẻ được một nhà nhiếp ảnh chụp lại. Ảnh: Hải Dương
Bà H'Nguă Byă (Ami Phương, chắt ngoại của em gái ông Y Thu) kể, ông Y Thu K'nul (sinh năm 1828, mất năm 1938, người dân tộc M'nông). Ông Y Thu có mẹ người gốc Lào, cha ruột người M’Nông, cha nuôi người Lào. Ngay từ lúc mới sinh ra, ông đã được người dân truyền tai nhau là con của thần linh.
Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ông Y Thu cùng nhiều người di cư từ vùng Đắk Nông men theo sông Sêrêpốk đến vùng đất Buôn Đôn, sau đó dừng chân tại khu vực thác bảy nhánh để lập buôn làng cho tộc người mình.
Thời đó, vùng đất này do bà Yă Wăm (người Ê Đê) cai quản. Lúc này, ông Y Thu quyết định mua lại một số đất của bà Yă Wăm từ khu vực suối cạn tới vùng ranh giới giữa Buôn Đôn và Ea Súp. Ông cùng người dân bắt đầu khai khẩn ruộng nương và lấy nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng làm chủ đạo.
Ông cùng cháu mình là Y Thu là ông R'leo bắt được con voi bạch tạng mang cặp ngà đen nhánh quý hiếm. Để thể hiện gắn kết tình cảm giữa 2 dân tộc, ông Y Thu đem con voi này tặng cho nhà vua Thái Lan.
Nhằm đáp lại tấm chân tình và sự ngưỡng mộ đối với ông Y Thu, nhà vua Thái Lan đã tặng ông tước hiệu Khunjunop hay còn gọi là "vua voi".
Cũng nhờ tước hiệu này làm danh tiếng của ông tăng lên rất nhiều và được người Campuchia, Lào rất nể trọng.
Thuần dưỡng hơn 400 con voi rừng

Ngôi nhà của bà Ami Phương có một số hình ảnh của vua voi Y Thu K'nul lúc còn nhỏ. Ảnh: Hải Dương
Theo lời bà Ami Phương, ông Y Thu chỉ có vợ nhưng không có con. Khi em gái ruột của mình sinh được người con trai tên R'leo, ông Y Thu đã đưa người cháu này về nuôi. Sau đó, người này cũng trở thành người săn voi có tiếng trong vùng.
Bà Ami Phương cho biết thêm, Y Thu K’Nul là người đã khai sinh Buôn Đôn, chính ông là người săn bắt, thuần dưỡng trên 400 con voi rừng. Những người kế cận như R’Leo K’Nul được hơn 300 con voi, Ama Kông được 298 con..
"Thời bấy giờ, ông Y Thu là tù trưởng hùng mạnh nhất trên vùng đất Tây Nguyên, ông có rất nhiều của cải, tiền bạc và cũng là người đầu tư tiền của cho những người tài giỏi nhất Buôn Đôn lúc này như R’leo, Y Keo, Ama Kông... vào rừng săn bắt, thuần dưỡng voi rừng", bà Ami Phương thông tin thêm.
Không chỉ là người săn được voi, quyền lực nhất vùng thì ông Y Thu cũng được biết đến là người có tài giao thương, quan hệ rộng.

Mộ của ông Y Thu (trái) và người cháu ruột tên R'leo (phải) tại nghĩa trang dòng họ K'nul. Ảnh: Hải Dương
Ông Y Thu và những người trong bộ tộc thường xuyên đưa hàng hóa, voi rừng săn được sang Lào, Thái Lan… trao đổi, buôn bán nên được người dân trong vùng rất kính nể, tôn sùng.
Đến năm 1938, ông Y Thu qua đời (hưởng thọ 110 tuổi), gia đình đã an táng ông ở gần khu vực Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn. Việc thờ cúng được một người chắt đứng ra đảm nhận.
Hiện tại, khu mộ của ông Y Thu cách tỉnh lộ 1 khoảng 500m, nằm bên cạnh mộ ông là mộ người cháu R'leo K'nul. Đây cũng là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch thập phương tới tham quan.
Còn gia đình Amí Phương hiện cũng đang lưu giữ một số kỷ vật về vua voi Y Thu. Trong đó có nhiều hình ảnh được một người nhà sang tận nước Pháp chụp và gửi lại cho gia đình.