Hậu Giang: Bứt phá tăng trưởng kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang dẫn đầu cả nước. Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm tái lập tỉnh, Hậu Giang đạt được kết quả nổi bật này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh Hậu Giang đã vươn lên đứng đầu cả nước.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng
Nếu như tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của Hậu Giang đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân cả nước, thì năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư toàn quốc.
Đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh Hậu Giang đã vươn lên đứng đầu cả nước khi đạt 14,21%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm (tăng 20,45%).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, để đạt được kết quả đó, địa phương đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ.
Trong đó, Hậu Giang luôn xác định phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng, là hướng đi chính yếu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Đến nay, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 6,39% so đầu nhiệm kỳ, đạt 22,94% trong cơ cấu (trong đó công nghiệp tăng lên 6,44%); khu vực I (nông, lâm, thủy sản) đã giảm được 2,91% so đầu nhiệm kỳ, đạt 24,06% trong cơ cấu.
Công tác quy hoạch, mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp được đặc biệt quan tâm. Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Trong đó, hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý bổ sung 2 khu công nghiệp trên địa bàn Hậu Giang vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, mở rộng không gian phát triển chiến lược của tỉnh trong giai đoạn mới, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp của tỉnh.
Từ một tỉnh thuần nông, Hậu Giang đã vươn lên là địa phương có ngành công nghiệp rất phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, tính đến cuối năm 2022, GRDP lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã tăng 43,86%, khẳng định vị trí hàng đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 13%/năm, trong đó, ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 88,8% trong toàn ngành, tăng 10%/năm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 286%/năm.
Thực hiện chỉ tiêu kêu gọi thành lập mới 1.000 doanh nghiệp, Hậu Giang tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư, với cam kết mạnh mẽ “2 nhanh, 3 tốt”. Đặc biệt, việc tổ chức rất thành công Năm doanh nghiệp 2022, với điểm nhấn là hội nghị xúc tiến đầu tư đã tạo tiếng vang lớn, lan tỏa rộng rãi thông điệp “doanh nghiệp đến Hậu Giang vui” đến đông đảo bạn bè, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
“Tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với 8 nhà đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỷ đồng. Hiện nay, các dự án được trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đều đã và đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo đúng tiến độ cam kết", người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang cho biết.
Triển vọng không gian phát triển mới
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước khác vào Việt Nam; ở trong nước có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ĐBSCL. Như vậy, ĐBSCL vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất nên tỉnh Hậu Giang đang có điều kiện phát triển tốt.
"Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang với chiều dài khoảng 100km. Trong tương lai tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu cũng được quy hoạch đi ngang qua địa bàn tỉnh. Các tuyến cao tốc này sẽ góp phần thúc đẩy giao thương khu vực và mở ra không gian phát triển kinh tế mới cho địa phương", Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đặt kỳ vọng.
Cũng theo ông Thành, định hướng chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho thấy, Hậu Giang xác định công tác thu hút đầu tư vào 4 trụ cột: “Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Du lịch” là một trong những giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cho tỉnh Hậu Giang.
"Mục tiêu cụ thể được địa phương đề ra là phấn đấu đưa tỉnh Hậu Giang là tỉnh phát triển khá của khu vực vào năm 2025; tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Tổng thu ngân sách mỗi năm tăng khoảng 1.000 tỷ đồng, phấn đấu tự cân đối thu, chi vào năm 2030", Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết.
Hậu Giang có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, môi trường đầu tư thuận lợi, quỹ đất dồi dào. Nhờ hội tụ nhiều điều kiện tốt trong thu hút đầu tư nên trong những năm gần đây nhà đầu tư đến với Hậu Giang ngày một nhiều hơn. Về thu hút đầu tư trong nước, tỉnh Hậu Giang đã thu hút 321 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 184.500 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay có 25 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD.Về chuẩn bị “đất sạch” để bố trí cho dự án đầu tư, Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 500ha đã lấp đầy trên 80%. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp với diện tích hơn 2.200ha. Trong đó, có 4 khu công nghiệp tại huyện Châu Thành và Châu Thành A (giáp ranh TP Cần Thơ) sẽ được hoàn thành hạ tầng đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới.