Hậu Giang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập (1/1/2004), tỉnh Hậu Giang đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế-xã hội đến hạ tầng, khẳng định vị thế là điểm sáng phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hậu Giang đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, công nghiệp và đô thị. Với hai tuyến cao tốc đi qua, Hậu Giang có cơ hội trở thành trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Người Lao động)
Tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ vào ngày 1/1/2004, Hậu Giang khi mới thành lập là một trong những địa phương nhiều khó khăn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Với xuất phát điểm thấp về hạ tầng, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp truyền thống và bộ máy hành chính non trẻ, tỉnh đứng trước nhiều thách thức lớn.
Nỗ lực vượt khó
Những năm đầu sau khi thành lập vào ngày 1/1/2004, Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn đặc thù của một tỉnh mới thành lập đó là hạ tầng kỹ thuật yếu kém khi hệ thống giao thông còn lạc hậu, nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện chưa được bê tông hóa.
Kinh tế của Hậu Giang khi đó chủ yếu nông nghiệp, quy mô nhỏ, chưa có công nghiệp hay dịch vụ phát triển. Thu ngân sách của tỉnh thấp, phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Trong khi đó, nguồn nhân lực và bộ máy quản lý những năm mới thành lập của tỉnh rất hạn chế: Đội ngũ cán bộ, công chức còn thiếu và yếu, chưa quen với việc vận hành bộ máy hành chính mới; cơ sở vật chất cho hệ thống chính trị như trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện còn rất sơ sài.
Nhất là tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trên 26%, đời sống người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, thiếu nước sạch, điện sinh hoạt, hệ thống y tế và giáo dục chưa phát triển.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Tuấn Anh, quý I/2025, trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,57%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 13 cả nước. Các chỉ số cải cách cấp tỉnh đều tăng thứ hạng so với năm trước: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 18/63, tăng 1 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 23/63, tăng 20 bậc, trong đó chỉ số thành phần về thủ tục hành chính công, Hậu Giang đứng đầu cả nước.
Sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, Hậu Giang đã chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh nghèo thành một địa phương có nền kinh tế năng động, hạ tầng hiện đại và đời sống người dân được nâng cao.
Hậu Giang đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, công nghiệp và đô thị. Với hai tuyến cao tốc đi qua, tỉnh có cơ hội trở thành trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị nông sản.
Đưa Hậu Giang trở thành nơi phát triển khá
Sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, Hậu Giang đã chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh nghèo thành một địa phương có nền kinh tế năng động, hạ tầng hiện đại và đời sống người dân được nâng cao.
Ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đang phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố Cần Thơ để cung cấp số liệu, dữ liệu (trước khi sáp nhập) hoặc được yêu cầu xây dựng Đề án của từng sở, ban, ngành thành phố (sau khi sáp nhập) theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 3 tỉnh, thành phố “Về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và thành lập Đảng bộ thành phố Cần Thơ sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh” sẽ mở ra không gian phát triển đối với địa bàn Hậu Giang.
Để sớm đưa Hậu Giang trở thành nơi phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, đồng thời chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển ngành công nghiệp với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Sông Hậu (giai đoạn 1) diện tích gần 300 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (giai đoạn 1) có diện tích hơn 200 ha đã có tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%.
Ngoài ra, tỉnh đang triển khai thêm các khu công nghiệp mới như Sông Hậu 2 và Đông Phú 2, với tổng diện tích hơn 600 ha, nhằm thu hút đầu tư và tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp .
Hậu Giang tiếp tục duy trì và phát triển nền nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là cây ăn trái và thủy sản. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Với nền tảng tăng trưởng mạnh, cơ cấu kinh tế hợp lý và chiến lược đầu tư hạ tầng bài bản, kinh tế Hậu Giang năm 2025 tiếp tục chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang trung tâm công nghiệp-logistics-nông nghiệp công nghệ cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.