Hậu Giang còn 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng cho cao tốc trục dọc
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đã giải phóng mặt bằng được 2.056 hộ dân, tổ chức, hiện còn 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Chiều 17-4, UBND tỉnh Hậu Giang có cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện hai dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Đó là cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) và dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đến nay Hậu Giang đã giải phóng mặt bằng 2.056/2.067 hộ dân, tổ chức bàn giao cho dự án, đạt 99,79%. Trong số 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trên địa bàn Phụng Hiệp và Vị Thủy mỗi nơi còn năm hộ, huyện Long Mỹ còn một hộ.
Về tiến độ di dời bảy đường điện cao thế bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, địa phương đã và đang quyết liệt triển khai dự kiến đến 30-6 sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đối với dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết nhà thầu đã triển khai tổng cộng 28 mũi thi công tại hai gói thầu xây lắp.
Hiện đang thực hiện các hạng mục như: đào đất hữu cơ, thi công đường công vụ, tập trung thi công các cầu, tập kết cọc thử vào công trường... Ước tính tổng khối lượng thực hiện của cả hai gói thầu đến nay đạt khoảng 230 tỉ đồng.
Đối với việc còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3 cát, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công tăng cường liên hệ với các địa phương có mỏ cát, như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng để nhờ hỗ trợ.
Tính đến thời điểm này, tình hình cát phục vụ cho dự án bước đầu đã được khai thông. Tuy nhiên với tốc độ khai thác được cấp hiện nay là 3.750m3/ngày sẽ không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Do đó, nhà thầu đang gấp rút tìm kiếm thêm nguồn cát để phục vụ dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh đối với 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, địa phương đã được giải quyết hết các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật.
Mặt khác, đối với một số trường hợp, chính quyền địa phương đã vận dụng một số chính sách khác để đảm bảo quyền lợi cho bà con. Tuy nhiên, còn một số hộ dân đặt ra các yêu cầu nhưng trái quy định hoặc bất hợp lý, do đó không thể chấp nhận được.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ tiếp tục vận động, thuyết phục để bà con bàn giao mặt bằng. Đồng thời, rà soát lại các trình tự thủ tục và trong tháng 5-2025 sẽ tiến hành cưỡng chế trong trường hợp đối thoại bất thành.
Đối với dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương phối hợp đơn vị thi công tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, không để ảnh hưởng tiến độ thi công.
Đối với hai khu tái định cư bố trí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án ông Hòa yêu cầu đến ngày 10-5 phải bàn giao cho các huyện để bố trí nền cho bà con.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng; đi qua địa bàn TP Cần Thơ và bốn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, với hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án khởi công ngày 1-1-2023, được chia thành hai dự án thành phần, trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỉ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.150 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài hơn 36,6km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng.
Điểm đầu của dự án giao với dự án thành phần 2 tại xã Trường Long A, huyện Châu Thành A; điểm cuối giao với dự án thành phần 4 tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp.
CHÂU ANH