Hậu Giang: Dân có thể ngồi nhà nộp hồ sơ, làm các thủ tục khác
Từ 2-10, người dân, doanh nghiệp ở Hậu Giang có thể ngồi nhà và nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh, kiến nghị trực tiếp với chính quyền mà không phải đến các trụ sở cơ quan nhà nước.
Ngày 2-10, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ công bố hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh.
Sau gần chín tháng xây dựng và triển khai, các hệ thống thông tin của hệ thống Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành thí điểm.
Theo đánh giá bước đầu, hệ thống đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể, từ địa chỉ website http://dichvucong.haugiang.gov.vn, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ mà không cần đến các cơ quan hành chính. Đồng thời, có thể theo dõi tiến độ hồ sơ đang được cơ quan nào xử lý, sau đó đến nhận kết quả.
Hiện cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hậu Giang đã được triển khai, liên kết với bộ phận một cửa từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến thời điểm này, đã có 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ ba, bốn, dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ tăng lên khoảng 400 dịch vụ.
Đây là đầu mối kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong xử lý các thủ tục hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân tốt hơn theo mục tiêu: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.
UBND tỉnh cũng đã triển khai ứng dụng tên Hậu Giang trên điện thoại di động thông minh. Ứng dụng có nhiều dịch vụ như: Phản ánh hiện trường, thông tin chính quyền, lịch công tác của các cơ quan trong tỉnh, đặt lịch khám bệnh,...
Trong đó, dịch vụ được người dân quan tâm nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Ở dịch vụ này, người dân có thể phản ánh, kiến nghị trực tiếp với chính quyền, cơ quan chức năng những bất cập trong đời sống xã hội bằng điện thoại thông minh.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh xây dựng thành công chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong đó, lãnh đạo tỉnh xác định năm 2020 là năm phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Từ đó, làm tiền đề cho việc thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
“Mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà một cách bền vững, công bằng, bình đẳng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau” – ông Lê Tiến Châu khẳng định.
Cũng theo ông Lê Tiến Châu, tỉnh Hậu Giang mới chỉ bước những bước đi đầu tiên trong chặng đường dài thực hiện mục tiêu chiến lược về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số.
Do vậy, các sở ban ngành và các địa phương cần nhận thức được tầm quan trọng và thống nhất trong hành động để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.