Hậu Giang - điểm sáng phát huy các nguồn lực kinh tế

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15.01.2019 của Bộ Chính trị Khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, tỉnh Hậu Giang đã trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Nhiều quyết sách phát huy các nguồn lực

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực kinh tế, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều quyết sách cụ thể hóa. Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 8.12.2023, tỉnh Hậu Giang đã đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 46 nghìn hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ảnh: Phước Oanh

Đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 46 nghìn hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ảnh: Phước Oanh

Cụ thể, tỉnh đã tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương; huy động nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp; vận động tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn được quyết định. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực thực hiện chương trình, lồng ghép nguồn vốn của chương trình, dự án, chính sách khác và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Chỉ tính riêng công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh huy động được hơn 5.560 tỷ đồng, trong đó, huy động sức dân đóng góp hơn 900 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư phát triển các dự án khu đô thị mới, nhà ở xã hội và bất động sản. Bước đầu, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn, có tiềm lực như: Vingroup, DIC Corp, Công ty cổ phần Tập đoàn Cát Tường, Công ty TNG Holdings Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam... tham gia đầu tư. Trong đó, đã có nhiều dự án được triển khai và đưa vào khai thác, góp phần thay đổi diện mạo các đô thị theo hướng xanh, sạch và khang trang hơn, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang liên tục tăng cao và trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước: năm 2022, đạt 13,94% - mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ 4 cả nước; năm 2023 đạt 12,27%, vươn lên đứng thứ hai, cao hơn 7,22% so với bình quân cả nước. Trong 5 năm (2019 - 2023), tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của tỉnh là 8,06%; GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 47,99 triệu đồng, đến năm 2023 đạt 80,33 triệu đồng, tăng 67,39% so với năm 2019, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2035, xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm. Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp đóng góp trên 40% GRDP và tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm xuống dưới 15%. Cải thiện mạnh mẽ bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2045, Hậu Giang là tỉnh khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của khu vực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Hậu Giang đề ra nhiều gỉai pháp, bám sát 3 nhiệm vụ chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp; hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập theo chỉ đạo của Chính phủ; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh; hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, xác định quy hoạch tỉnh là kim chỉ nam trong sự phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23.12.2022 về nâng cao hiệu quả triển khai Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo. Triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Chú trọng công tác cập nhật, tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng tài sản công đúng theo quy định.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/hau-giang---diem-sang-phat-huy-cac-nguon-luc-kinh-te-i373023/