Hậu Giang lên kế hoạch kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ
Mục đích việc kiểm tra nhằm giúp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng.
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, thời kỳ kiểm tra là năm 2023; nội dung kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Cạnh đó, xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Thời gian kiểm tra tại các di tích từ ngày 1-1 đến ngày 15-2. Sau đó, các đơn vị tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra gửi về Sở Tài chính hạn chót ngày 15-3. Từ đó, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh và Bộ Tài chính, hạn chót là ngày 25-3.
UBND tỉnh Hậu Giang giao các Sở Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Ngoài ra, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Trong đó thể hiện rõ hai nội dung đó là nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Đồng thời, nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có 17 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng:
Di tích quốc gia đặc biệt:
Chiến thắng Chương Thiện (Chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn Địch của Quân và Dân khu 9), gồm hai địa điểm ở phường 5, TP Vị Thanh và ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.
Tám di tích cấp quốc gia, gồm:
- Hội trường, hầm và nhà làm việc của Tỉnh ủy Cần Thơ tại Căn cứ Bà Bái (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp).
- Cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ (xã Phú Tân, huyện Châu Thành).
- Lưu niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ tại làng Phú Hữu (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành).
- Chiến Thắng Tầm Vu (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A).
- Ủy ban Liên hiệp Đình chiến Nam Bộ (phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy).
- Địa điểm Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào khi lập Khu Trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu (Phường 1, TP Vị Thanh).
- Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ).
- Địa điểm Chiến thắng Vàm Cái Sình (Phường 7, TP Vị Thanh).
Tám di tích cấp tỉnh, gồm: Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (1965-1968); Tòa Thánh Long Châu; Chiến thắng Chày Đạp; Căn cứ Thị xã Ủy Vị Thanh; Địa điểm thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - tỉnh Cần Thơ; Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô; Chùa Phổ Minh và Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo năm 1974.