Hậu Giang quy định thời gian, thành phần đoàn đi ngoài tỉnh không quá 2 lần/năm
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không tổ chức đoàn đi ngoài tỉnh quá 2 lần trong 1 năm. Điểm đến của mỗi nơi không quá 2 ngày. Bố trí tối đa không quá 2 lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị cùng tham gia một đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm…
Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ban hành Quy định về tổ chức và quản lý đoàn đi ngoài tỉnh, đoàn vào tỉnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Quy định áp dụng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; huyện/thị/thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc tỉnh; lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị nêu trên; đoàn công tác của các tỉnh, thành phố khác đến thăm và làm việc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang…
Đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước (đoàn đi ngoài tỉnh) gồm: Cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan thẩm quyền của tỉnh cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước để thực hiện công vụ.
Đoàn của tỉnh, thành phố đến thăm và làm việc trên địa bàn tỉnh (đoàn vào tỉnh) gồm: Các đoàn của các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân ngoài tỉnh đến theo sự giới thiệu của cơ quan trung ương; theo nhu cầu về trao đổi, học tập kinh nghiệm; theo lời mời hoặc được sự đồng ý của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Quy định đề ra các nguyên tắc, trong đó hoạt động tổ chức, quản lý đoàn đi ngoài tỉnh, đoàn vào tỉnh phải chú trọng đến nội dung, hiệu quả, đúng thành phần, tiết kiệm; không làm ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, phục vụ của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không tổ chức đoàn đi ngoài tỉnh quá 2 lần trong 1 năm. Điểm đến của mỗi nơi không quá 2 ngày (không tính thời gian đi và về). Bố trí tối đa không quá 2 lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị cùng tham gia một đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Thành phần đoàn cần tinh gọn, đảm bảo vừa đủ đáp ứng yêu cầu công việc, mỗi đoàn đi không quá 10 người đối với đoàn do người đứng đầu sở, ngành, địa phương làm trưởng đoàn và không quá 7 người đối với đoàn do cấp phó người đứng đầu sở, ngành, địa phương làm trưởng đoàn (trường hợp thật sự cần thiết phải thêm thành phần thì trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định).
Cơ quan, đơn vị thành lập đoàn đi ngoài tỉnh có văn bản xin ý kiến cấp ủy trực tiếp, gửi trước 10 ngày; nội dung văn bản phải nêu rõ mục đích, thành phần, thời gian của chuyến đi, nguồn kinh phí sử dụng. Trưởng đoàn phải gửi báo cáo kết quả, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, đề xuất kiến nghị cho cấp có thẩm quyền sau khi kết thúc chuyến đi trong 10 ngày làm việc.
Đối với việc đón tiếp đoàn vào tỉnh, phải xây dựng kế hoạch, chương trình đón tiếp, nội dung làm việc. Trong đó, nêu rõ lý do mời tiếp đoàn hoặc nhu cầu đoàn vào tỉnh; số lượng, thành phần tham dự; địa điểm, thời gian tiếp. Các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp cơ quan đầu mối triển khai chương trình đón tiếp đảm bảo an toàn, chu đáo, bài bản, chuyên nghiệp, nội dung làm việc đúng trọng tâm, hiệu quả.