Hầu hết quan chức Fed tin rằng lãi suất cơ bản sắp giảm

Các quan chức Fed dự họp vào tháng 6 đã đưa quan điểm khác biệt về việc cắt giảm lãi suất, họ lo ngại về lạm phát do thuế quan trong khi thị trường lao động đã chậm lại đáng kể.

Có thể hạ lãi suất vào cuối tháng này, nhưng mức độ cắt giảm vẫn gây tranh cãi

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phần lớn giữ nguyên quan điểm chờ đợi thêm dữ liệu để ra quyết định lãi suất trong tương lai, biên bản tóm tắt cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 17 - 18/6 được Fed công bố ngày 9/7.

Trụ sở Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP

Trụ sở Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP

Cuộc họp tháng 6 kết thúc với việc các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed) bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất cơ bản trong biên độ từ 4,25% đến 4,5% - mức lãi suất được Fed duy trì kể từ tháng 12/2024.

Tuy nhiên, biên bản tóm tắt cuộc họp cũng ghi nhận sự chia rẽ ngày càng tăng của Fed về cách thức thực hiện chính sách tiền tệ.

"Hầu hết những người tham gia cuộc họp đều đánh giá rằng việc giảm một phần biên độ mục tiêu của lãi suất cơ bản liên bang trong năm nay có thể là phù hợp", biên bản cuộc họp nêu.

Họ nhận thấy áp lực lạm phát do thuế quan gây ra có khả năng chỉ là "tạm thời và khiêm tốn" trong khi tăng trưởng kinh tế và việc làm có thể suy yếu.

Thế nhưng, mức độ cắt giảm lãi suất bao nhiêu vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Ý kiến từ một vài quan chức Fed dự đoán đợt cắt giảm lãi suất sắp tới có thể xảy ra sớm nhất trong tháng này, trong khi một số thành viên khác cho rằng không có đợt cắt giảm nào trong năm nay là phù hợp.

Mặc dù biên bản cuộc họp chính sách không nêu tên, nhưng hai Thống đốc Fed Michelle Bowman và Christopher Waller đã công khai bình luận rằng khả năng cắt giảm lãi suất có thể xảy ra ngay tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 29 - 30/7 nếu lạm phát được kiểm soát.

Trong khi đó, một số quan chức Fed cho biết họ nhận thấy lãi suất cơ bản hiện tại "có thể không còn xa" mức trung lập, nghĩa là chỉ cần một vài đợt cắt giảm trong thời gian tới. Các quan chức này cho rằng, lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% trong bối cảnh nền kinh tế "vững chắc".

Dự kiến 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay

Tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6, các quan chức Fed đã cập nhật triển vọng cắt giảm lãi suất và dự kiến sẽ có 2 đợt cắt giảm trong năm nay, sau đó là 3 đợt cắt giảm nữa trong vài năm tới. Tuy nhiên, "biểu đồ chấm" về triển vọng lãi suất của từng thành viên FOMC cho thấy những quan điểm khác biệt về mức độ cắt giảm lãi suất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Chủ tịch Fed hạ lãi suất cơ bản, đồng thời ông chủ Nhà Trắng cũng gia tăng áp lực lên người đứng đầu Fed và các cộng sự về vấn đề lãi suất.

Trong các tuyên bố công khai và trên trang cá nhân Truth Social của mình, Tổng thống Trump đã chỉ trích ông Powell, thậm chí còn kêu gọi ông từ chức.

Trong khi đó, ông Powell đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không khuất phục trước áp lực chính trị khi thiết lập chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed phần lớn ủng hộ cách tiếp cận thận trọng, khẳng định rằng với một nền kinh tế mạnh mẽ và sự bất ổn về lạm phát, Fed đang ở vị thế tốt để giữ nguyên lãi suất cho đến khi có thêm thông tin.

Biên bản cuộc họp tháng trước cũng phản ánh lập trường rằng chính sách tiền tệ của Fed đang ở vị thế tốt để ứng phó với những biến động của nền kinh tế.

"Những người dự họp đồng ý rằng mặc dù sự bất ổn về lạm phát và triển vọng kinh tế đã giảm bớt, nhưng việc áp dụng cách tiếp cận thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ vẫn là điều phù hợp", biên bản cuộc họp nêu.

Các quan chức Fed xác định rằng họ "có thể phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn nếu lạm phát tăng cao vẫn dai dẳng trong khi triển vọng việc làm suy yếu". Trong trường hợp đó, họ sẽ xem xét chỉ số nào đang xa rời mục tiêu hơn khi ra quyết định chính sách.

Kể từ sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 6, Tổng thống Trump đã tiếp tục đàm phán với các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ. Trong diễn biến mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đầu tuần này cho biết rằng họ đã gửi thư thông báo thuế quan mới cho 14 quốc gia. Các mức thuế mới áp dụng riêng lẻ cho từng quốc gia, trong ngưỡng từ 25 - 40%, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.

Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy mức thuế quan của Tổng thống Trump không tác động nhiều đến giá cả tại Mỹ, ít nhất là trên quy mô lớn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 5. Mặc dù các thước đo lạm phát Mỹ vẫn chủ yếu cao hơn mục tiêu 2%. của Fed, nhưng kết quả các cuộc khảo sát tâm lý gần đây cho thấy công chúng Mỹ đang bớt lo ngại về lạm phát trong tương lai.

"Nhiều người dự họp lưu ý rằng tác động cuối cùng của thuế quan đối với lạm phát có thể sẽ hạn chế hơn nếu các thỏa thuận thương mại sớm được đạt được, nếu các công ty có thể nhanh chóng điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình, hoặc nếu các công ty có thể thực hiện các điều chỉnh khác để giảm thiểu tác động của thuế quan", biên bản của Fed nêu.

Mặt khác, mức tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chậm lại đáng kể, mặc dù tốc độ tăng trưởng bảng lương phi nông nghiệp - một báo cáo khái quát thường kỳ về thị trường lao động Mỹ - liên tục gây bất ngờ cho các nhà kinh tế. Tháng 6 ghi nhận mức tăng 147.000 việc làm, so với dự báo chung là 110.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ giảm xuống còn 4,1%.

Chi tiêu tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại đáng kể, với chi tiêu cá nhân giảm 0,1% trong tháng 5 còn doanh số bán lẻ giảm 0,9%.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hau-het-quan-chuc-fed-tin-rang-lai-suat-co-ban-sap-giam-d327774.html