Hậu kiểm sản phẩm OCOP
Theo quy định, mỗi sản phẩm thuộc Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) sau khi được công nhận sẽ có giá trị trong vòng 36 tháng và cần được đánh giá lại nếu muốn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP (logo, tem, sao) trên bao bì. Do đó, song song với nhiệm vụ đánh giá công nhận, thì công tác hậu kiểm cần được chú trọng, nhất là việc sử dụng logo, tem, sao OCOP, tránh tình trạng trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã hết thời hạn.
Vì niềm tin của người tiêu dùng
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh cho thấy, hiện có 61 sản phẩm OCOP của 36 chủ thể đã hết thời hạn, nhưng đến nay chưa được đánh giá lại. Các chủ thể của những sản phẩm này không được sử dụng logo, tem và sao OCOP trên bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, vì không nắm bắt được thông tin nên khi lưu thông trên thị trường, những sản phẩm này vẫn được người tiêu dùng mặc nhiên là “sản phẩm OCOP”.
Bà Huỳnh Thị Hiền, ở xã Nghĩa Hành bày tỏ, tôi tin tưởng sản phẩm OCOP vì đây là những mặt hàng đã qua sự kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng. Vì vậy, khi mua sản phẩm OCOP, tôi chỉ xem tên, hạn sử dụng chứ không chú ý đến tem, sao OCOP. “Đối với hạn sử dụng của logo, tem và sao OCOP thì chỉ có cơ quan chức năng mới biết, chứ người tiêu dùng khó biết được”, bà Hiền nói.
Thực tế, khi các sản phẩm được cơ quan chức năng đánh giá và công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ được thông tin, quảng bá rộng rãi trên thị trường. Thế nhưng, khi sản phẩm ấy hết thời hạn công nhận thì lại diễn ra âm thầm. Về lâu dài, điều này sẽ khiến người tiêu dùng hoài nghi, dẫn đến mất niềm tin với sản phẩm OCOP. Theo lý giải của Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh, đối với các sản phẩm OCOP hết thời hạn công nhận, Chi cục sẽ gửi thông báo kèm danh mục đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ thể có liên quan. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường (trong đó có sản phẩm OCOP) do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện. Vì vậy, không loại trừ tình trạng sản phẩm đã hết thời hạn công nhận nhưng chủ thể vẫn giới thiệu, sử dụng bao bì mang nhãn hiệu chứng nhận OCOP.

Sản phẩm OCOP 5 sao của Nhà máy Nha Quảng Ngãi (Công ty CP Đường Quảng Ngãi). Ảnh: T.P
Các chủ thể OCOP lại cho rằng, chi phí thực hiện và hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại sản phẩm OCOP rất tốn kém, trong khi ngân sách không hỗ trợ như lần đầu, từ việc thuê đơn vị tư vấn, kiểm nghiệm chất lượng và an toàn thực phẩm, bao bì, mẫu mã... Vì thế, sau 3 năm được gắn sao OCOP, nhiều chủ thể không đầu tư để tái công nhận. “Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu OCOP, mà còn gây nhiễu loạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các chủ thể đầu tư tái đánh giá sản phẩm OCOP theo quy định”, Giám đốc Nhà máy Nha Quảng Ngãi (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) Nguyễn Thuận, chủ thể sản phẩm OCOP 5 sao sản phẩm mạch nha Quảng Ngãi đường mantoza, nhìn nhận.
Kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận OCOP
Cùng với sản phẩm OCOP đã hết thời hạn công nhận, một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng nhập nhằng, thậm chí lạm dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP như logo, tem, sao OCOP để gắn lên những sản phẩm chưa từng được công nhận. Theo đó, chủ thể chỉ có 1 hoặc một số sản phẩm được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận OCOP, thế nhưng khi giới thiệu, trưng bày thì nhiều sản phẩm trong danh mục của chủ thể ấy đều dán bao bì logo OCOP. Tình trạng này rất dễ xảy ra tại các chủ thể sản xuất nhiều sản phẩm, hoặc sản phẩm thuộc nhóm dược liệu, tiểu thủ công nghiệp...
Đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh có 642 sản phẩm OCOP của 96 xã, phường, đặc khu, trong đó xã Măng Đen là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất, với 63 sản phẩm. Trong số 642 sản phẩm OCOP có 2 sản phẩm OCOP 5 sao; 48 sản phẩm OCOP 4 sao và 592 sản phẩm OCOP 3 sao của 319 chủ thể (51 doanh nghiệp, 107 hợp tác xã, 158 cơ sở, hộ kinh doanh và 3 tổ hợp tác). Qua rà soát, hiện có 29 sản phẩm của 16 chủ thể sắp hết hạn, cần thực hiện các thủ tục để tái đánh giá và công nhận lại trước ngày 16/12/2025.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh Nguyễn Quang Hòa cho rằng, tình trạng này không chỉ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và tính minh bạch của sản phẩm OCOP. Bởi nhãn hiệu chứng nhận OCOP chỉ được phép sử dụng cho sản phẩm đã được cấp thẩm quyền ban hành quyết định công nhận và được xác lập mã, lưu hồ sơ rõ ràng. Do đó, thời gian đến, Chi cục sẽ xây dựng và tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường hậu kiểm sản phẩm OCOP không chỉ tại nơi sản xuất, các điểm bán hàng và hội chợ. Đồng thời, kiến nghị bổ sung chế tài xử lý đối với các hành vi liên quan đến việc sử dụng không đúng nhãn hiệu chứng nhận OCOP, nhất là việc gắn logo, tem và sao OCOP trên các sản phẩm đã hết thời hạn công nhận đạt chuẩn OCOP hoặc chưa được đánh giá, công nhận.
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/hau-kiem-san-pham-ocop-54469.htm