Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 3: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…

Giữa thời bình, nhưng người vợ lính Biên phòng vẫn phải chịu cảnh xa chồng, bởi các anh thực hiện nhiệm vụ ở nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc. Vắng các anh, một nửa ở hậu phương phải vất vả hơn nhiều để làm tròn chữ hiếu, làm tròn bổn phận vừa làm mẹ, vừa làm cha.

Hy sinh thầm lặng

Trong những ngày bão số 6 đổ bộ vào miền Trung gây mưa lớn, gây ngập lụt cho Quảng Bình, chị Phạm Thị Hiếu (cán bộ Trạm y tế xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hậu phương của Đại úy Ngô Quang Huy (Nhân viên báo vụ, Đồn Biên phòng Ka Lăng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) tất bật dọn dẹp nhà cửa, kê đồ đạc, rồi đưa bố mẹ, con cái đến nhà người thân tá túc tránh gió bão.

Chồng chị Hiếu công tác ở cuối trời Tây Bắc, cách xa cả nghìn cây số, mỗi năm anh chỉ được nghỉ 2 lần phép. Mọi công việc trong nhà một tay chị lo toan, gói ghém. “Mình là vợ lính, muốn chồng yên tâm công tác, đành phải chấp nhận thiệt thòi, cố gắng chu toàn việc nhà!”, chị Hiếu chia sẻ.

Đại úy Ngô Quang Huy, tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng 2, về công tác tại Lữ đoàn 21 Thông tin, Bộ đội Biên phòng. Năm 2021, anh được điều động lên nhận nhiệm vụ báo vụ ở Đồn Biên phòng Ka Lăng. Đại úy Huy tâm sự, khi còn công tác ở Lữ đoàn Thông tin 21, dù đóng quân giữa Thủ đô, nhưng chẳng mấy khi anh được ở Hà Nội, phần lớn thời gian anh được đơn vị tăng cường đến các tuyến biên giới.

Lên Lai Châu công tác, Huy nhận nhiệm vụ ở đơn vị thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Mỗi lần về phép anh phải đi 3 chặng xe khác nhau và gần 3 ngày mới về đến Quảng Bình. “Quân đội có chính sách cho cán bộ nghỉ tranh thủ mỗi tháng 4 ngày, nhưng do đường sá xa xôi, tôi chỉ về thăm nhà 2 lần phép 40 ngày. Nếu đi tranh thủ trong 4 ngày, bắt xe về chưa đến quê đã phải bắt xe ngược ra đơn vị. Đành chấp nhận xa vợ con, bố mẹ. Mọi việc ở nhà đành nhờ cậy vợ gánh vác”, Đại úy Huy tâm sự.

Cũng vì công tác xa nhà nên anh Huy lập gia đình muộn, 35 tuổi mới lấy vợ. Trong một lần về phép, gặp chị Hiếu ở tiệc sinh nhật con của người bạn, rồi hai người nên duyên. Đến với anh Huy, chị Hiếu cũng xác định lấy chồng bộ đội đóng quân ở xa sẽ không thường xuyên ở bên cạnh mình.

Nhưng khi đã trao “con tim” cho anh rồi, chị phải cố gắng, chịu những thiệt thòi, hy sinh, giúp anh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. “Giữa ồn ào, xô bồ của cuộc sống hiện đại, người vợ lính biên thùy lặng lẽ vượt qua mọi khó khăn, làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác, cùng đồng đội quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, chị Hiếu chia sẻ.

Gần 12 năm về chung một mái nhà, nhưng thời gian ở bên vợ con của anh Huy mỗi năm chừng được một tháng. Xa nhau cả nghìn cây số, nhà có việc anh cũng không thể về, một mình chị quán xuyến. Anh Huy nói rằng, mỗi lần nhớ vợ, thương con ra đầu nguồn sông Đà ngồi trầm tư suy nghĩ. Dù có xa nhau đến cả nghìn cây số, nhưng đó cũng chỉ là “anh ở đầu sông em cuối sông”, dòng sông nào mà không ra biển, suy nghĩ ấy như một sự kết nối trong tâm tưởng khiến nỗi cô đơn vơi bớt vài phần. Thương vợ, anh cố gắng thêm để hoàn thành sự nghiệp người lính biên ải, góp công sức nhỏ bé bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương.

Gia đình hạnh phúc của Đại úy Ngô Quang Huy

Gia đình hạnh phúc của Đại úy Ngô Quang Huy

Vợ chồng anh Huy nhiều năm ở trong ngôi nhà của bố mẹ đã xây dựng mấy chục năm, nay đã xuống cấp, khó che chắn những cơn mưa bão của miền Trung. Tích cóp mãi, cùng với vay mượn họ hàng, vợ chồng anh mới xây cất được ngôi nhà mới để bố mẹ và các con nhỏ yên tâm trong những ngày gió bão. Trong thời gian xây nhà, một mình chị Hiếu quán xuyến, đến ngày khánh thành anh Huy mới cắt được phép về làm lễ nhập trạch.

Thuận vợ, thuận chồng

Là người lính thông tin, mỗi lần nghỉ phép phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, phải báo cáo đơn vị xin cán bộ tăng cường thay mình thực hiện nhiệm vụ, mới nghỉ được. “Cơn bão số 6 đổ vào miền Trung, nhưng tôi không thể về sớm hơn. Người lính thông tin như nuôi “con mọn”, cứ phải có người thay mới được rời đơn vị”, anh Huy cho biết.

Trong trí nhớ của Đại úy Ngô Quang Huy, suốt nhiều năm qua, anh chưa đưa được vợ con đi chơi xa một chuyến. Những ngày phép ngắn ngủi anh đều dành để giải quyết việc gia đình, họ hàng... “Nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng, thương vợ con, nhưng chỉ có thể nói với vợ cảm thông, động viên vợ. Rất may, vợ tôi là người hiểu chuyện, luôn tin tưởng, thấu hiểu và thông cảm cho công việc của tôi”, anh Huy chia sẻ.

Đại úy Ngô Quang Huy và “một nửa” của mình - chị Phạm Thị Hiếu

Đại úy Ngô Quang Huy và “một nửa” của mình - chị Phạm Thị Hiếu

 Đại úy Ngô Quang Huy kiểm tra bài cho con trong dịp về nghỉ phép

Đại úy Ngô Quang Huy kiểm tra bài cho con trong dịp về nghỉ phép

Mỗi ngày anh Huy đều dành thời gian gọi điện trò chuyện với vợ, con. Đại úy Huy tâm sự rằng: “Chúng ta có ca dao “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Cũng như câu ca dao, vợ dành rất nhiều tình yêu cho tôi, luôn chia sẻ, thấu hiểu điều kiện công tác của chồng, mới vượt qua được nhiều gian khổ. Cô ấy luôn tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù khó khăn mấy đi nữa vợ tôi chưa từng ca thán, nặng lời với chồng. Hình như mọi thứ bực tức cô ấy đều kìm nén để tôi yên tâm”.

Ông Ngô Xuân Dục (bố đẻ của Đại úy Ngô Quang Huy) chia sẻ, hai ông bà năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, trái gió trở trời lại đau ốm. Con trai chỉ một năm về nhà vài lần phép. Việc gia đình, chăm lo sức khỏe cho ông bà, các cháu một tay chị Hiếu lo toan. “Vợ chồng tôi may mắn có được người con dâu hiếu thảo. Mọi công việc trong nhà đến tay con dâu. Dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng con dâu chúng tôi cố gắng vun vén, vay mượn thêm tiền để xây dựng ngôi nhà mới để bố mẹ già yên tâm trong những ngày mưa gió. Nhờ con dâu hiếu thảo, vợ chồng tôi sống vui, sống khỏe hơn”, ông Dục chia sẻ.

Khó có thể nói hết những niềm vui, nỗi buồn, trăn trở, lo toan của gia đình người lính. Song vượt lên tất cả, những người lính nơi biên ải vẫn kiên cường, vững tâm thực hiện nhiệm vụ cao quý bảo vệ bờ cõi, bởi sau lưng họ luôn là hậu phương vững chắc. “Khi trận bão vừa qua đổ bộ vào, ngôi nhà mới xây vẫn bộn bề, một mình tôi chằng chống, áo mưa rách tả tơi, người ướt sũng. Trong hoàn cảnh đó, tôi cũng có chút so sánh, tủi hờn... Những lúc khó khăn mình tự động viên bản thân phải cố gắng lên. Làm vợ lính, có chồng đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, đó là niềm tự hào của gia đình. Tôi lấy đó làm động lực vượt qua tất cả!”, chị Hiếu chia sẻ.

Theo chị Hiếu, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai”, sau những mệt nhọc, tối đến cả nhà lại quây quần chờ điện thoại của bố. Khi bố gọi điện về cả nhà trò chuyện, mọi thứ mệt mỏi đều tan biến, cả nhà tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. “Những giây phút đó, tuy ngắn ngủi, nhưng hạnh phúc tràn đầy. Các con còn nhỏ nhưng hình như chúng thấu hiểu công việc bố, mỗi tối chưa thấy bố gọi về hai đứa lại giục mẹ gọi cho bố”, chị Hiếu tâm sự.

(Còn nữa)

Viết Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hau-phuong-nguoi-linh-dieu-chua-ke-ky-3-ai-cung-chon-viec-nhe-nhang-post1696870.tpo