Hậu quả đau lòng từ việc lười khám tầm soát đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, đại trực tràng đang ngày trở nên phổ biến và gia tăng, nhiều người bệnh đến viện khi ở giai đoạn muộn.

Các bác sĩ cảnh báo về u lành tính dạ dày để lâu phát triển thành ung thư, nhưng nếu phát hiện và can thiệp sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.

Phẫu thuật khối u nặng 5kg

Bị viêm dạ dày nhiều năm nhưng điều trị không thường xuyên, thậm chí lâu không đi khám, 6 tháng trước, anh N.V.N (47 tuổi, Hà Nội) thấy đau tức vùng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém. Anh N tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ, dạ dày vẫn đau, đến khi sờ thấy khối ở vùng thượng vị anh N mới đến Bệnh viện Bạch Mai khám.

Sau khi thăm khám và nội soi dạ dày, làm các xét nghiệm, anh được bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán “u mô đệm dạ dày ruột” (GIST dạ dày), tuy nhiên khối u lớn, ở giai đoạn muộn nên đã xâm lấn vào thân đuôi tụy.

Anh N được tiến hành phẫu thuật mổ mở cắt cả khối gồm toàn bộ dạ dày, thân đuôi tụy và lách. Đây là ca mổ phức tạp, tuy diễn ra thành công ngoài mong đợi nhưng chặng đường tiếp theo với anh N sẽ nhiều khó khăn, nguy cơ bệnh dễ tái phát hoặc di căn…

Tương tự, ông N.Q.T, 62 tuổi, có tiền sử viêm dạ dày hơn 10 năm điều trị không thường xuyên. Khoảng 4 năm nay,ông T thấy đau tức thượng vị âm ỉ, nghĩ mình vẫn bị viêm dạ dày nên ông tự ra hiệu thuốc để mua thuốc về uống. Sau khi sử dụng thuốc, triệu chứng có chút thuyên giảm, nhưng không khỏi. Một năm sau, ông T thấy bụng to lên nhưng nghĩ rằng béo bụng do tích mỡ, ông ăn ít hơn để giảm béo, cân nặng không tăng nhưng bụng vẫn to dần.

Cho đến 3 tháng gần đây, ông T cứ ăn vào có cảm giác đầy bụng, khó chịu, sờ bụng có khối cứng kể cả lúc đói nên ông T đã quyết định đi khám tại một bệnh viện tư ở thành phố Sơn La. Tại đây ông được chẩn đoán u ruột non và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để điều trị tiếp. Do đây là trường hợp phức tạp nên bệnh viện đã chuyển ông đến Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi thăm khám, ông T đã được chẩn đoán mắc bệnh GIST dạ dày và được chỉ định phẫu thuật tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy. Sau 3 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt được khối u khổng lồ đường kính hơn 30cm, nặng 5kg cùng gầnnhưtoàn bộ dạ dày của ông T mà không làm tổn thương đến các tạng xung quanh.

Nội soi dạ dày là biện pháp sàng lọc để phát hiện sớm khối u.

Nội soi dạ dày là biện pháp sàng lọc để phát hiện sớm khối u.

Những người có nguy cơ nên tầm soát sớm

Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng hơn 17.000 ca mắc ung thư dạ dày mới. Theo Globocan (Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế), vào năm 2018, Việt Nam có 15.065 người tử vong vì ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp, điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, trong khi đó đa số người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này tại Bệnh viện K ở giai đoạn muộn, đã di căn, gâykhó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.

Theo các bác sĩ, việc phát hiện ung thư dạ dày sớm còn ở tỷ lệ thấp, do người dân chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ để sàng lọc ung thư sớm, nhất là BHYT chưa chi trả cho khám sàng lọc ung thư. Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư như: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng.

Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày; vi khuẩn HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư. Nguyên nhân hay gặp là ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói. Người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường và yếu tố di truyền một số hội chứng di truyền, người thân có mắc bệnh này.

Bên cạnh đó, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai còn cảnh báo người mắc GIST dạ dày để lâu phát triển thành ung thư. GIST dạ dày (hay GIST đường tiêu hóa nói chung) ở giai đoạn sớm đa phần là lành tính. GIST dạ dày là “u mô đệm dạ dày ruột”, là loại u xuất phát từ mô đệm của dạ dày. Do u xuất phát từ lớp giữa của dạ dày nên khối u có thể phát triển vào trong, xuyên qua niêm mạc của dạ dày và gây chảy máu đường tiêu hóa; u cũng có thể phát triển ra bên ngoài, trong trường hợp này, có thể không có triệu chứng sớm, ngoại trừ cơn đau.

GIST thường gặp ở người trẻ tuổi và ở dạ dày nhưng một số ít trường hợp, u có thể ở ruột hoặc thực quản. Người bệnh có thể biểu hiện triệu chứng như đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, nhưng cũng có thể không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Tiên lượng bệnh GIST dạ dày có nguy cơ tăng dần theo kích thước khối u: U nhỏ dưới 2cm có nguy cơ thấp, u kích thước từ 2 - 5cm có nguy cơ trung bình và u kích thước trên 5cm có nguy cơ tiến triển ác tính cao.

Phát hiện u càng sớm khi kích thước u còn nhỏ sẽ giúp cho bệnh nhân có cơ hội điều trị ít xâm lấn và triệt để về mặt ung thư học cao hơn, chẳng hạn khi khối u dưới 5cm, người bệnh có thể được mổ nội soi cắt u, không cần cắt đoạn dạ dày, nhiều trường hợp không cần điều trị hóa chất bổ trợ sau mổ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm khi kích thước u còn nhỏ, chưa có triệu chứng là một việc không dễ.

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, vai trò của sàng lọc và tầm soát ung thư là rất quan trọng. Người dân nếu đi tầm soát ung thư nên đến bệnh viện, cơ sở y tế có uy tín, có chuyên khoa ung bướu.

Người dân cần đi khám tiêu hóa khi có dấu hiệu bất thường như: Chán ăn, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đại tiện phân nhỏ dẹt, phân máu, táo bón hoặc tiêu chảy… Tầm soát ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng) định kỳ ngay cả khi cơ thể không xuất hiện các dấu hiệu nói trên. Đặc biệt, lưu ý là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như người trên 45 tuổi; người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; người viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn…

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu gia đình có người người mắc ung dạ dày, ung thư đại trực tràng, liên quan đến đường ruột, polyp đại trực tràng, người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân thì nên tầm soát phát hiện sớm định kỳ các bệnh lý. Người dân cần có kiến thức về các yếu tố có hại cho sức khỏe để hạn chế ăn thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, thuốc trừ sâu. Nên ăn nhiều rau và hoa quả, tăng cường vận động tập thể dục tránh béo phì.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/hau-qua-dau-long-tu-viec-luoi-kham-tam-soat-duong-tieu-hoa-i653492/