Hậu quả khôn lường nếu liên tục dùng kháng sinh để chữa viêm họng
Một nghiên cứu mới cho thấy nhiều người trên thế giới có mức độ phụ thuộc cao vào thuốc kháng sinh khi điều trị các bệnh hô hấp, đặc biệt là viêm họng, SCMP đưa tin.
Kết quả nghiên cứu Viêm họng và kháng kháng sinh do Hiệp hội Bệnh hô hấp toàn cầu (GRIP) thực hiện hồi tháng 5, khảo sát 12.000 người từ 12 quốc gia (1.000 người/quốc gia) trong độ tuổi 18-64 cho thấy có rất nhiều hiểu lầm về cách trị viêm họng, dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh.
Theo đó, hơn một nửa trong số đó dùng thuốc kháng sinh để điều trị một triệu chứng nhỏ của bệnh hô hấp như đau họng trong vòng nửa năm qua. Thói quen này đặc biệt phổ biến ở những người dưới 35 tuổi. Cụ thể, 45% người trong độ tuổi này cho hay họ không biết cách chữa viêm họng khác ngoài dùng thuốc kháng sinh.
"Thông qua nghiên cứu, chúng ta cần phải giáo dục mọi người cách sử dụng kháng sinh. Đây là loại thuốc khan hiếm và chỉ được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng", Tiến sĩ Martin Duerden - cố vấn y tế tại ĐH Cardiff (Wales), đại diện GRIP phát biểu.
Ông cũng bổ sung rằng khoảng 90% bệnh viêm họng sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc.
Hiện nay, nhiều người không thể chữa bệnh nặng bằng thuốc kháng sinh vì họ đã sử dụng chúng quá nhiều để chữa những bệnh nhẹ. Đây là tình trạng kháng kháng sinh (AMR), đang được quan tâm ngày một nhiều trên toàn cầu.
"Chúng ta không thể điều chế thuốc kháng sinh đủ mạnh để theo kịp với tốc độ sử dụng thuốc kháng sinh trên thế giới. Thuốc kháng sinh hiện giờ gần như không thể điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng mà trước đây có thể chữa khỏi", ông Duerden nhấn mạnh việc kháng kháng sinh khiến các cuộc phẫu thuật đơn giản trở nên rủi ro hơn nhiều.
AMR hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết quốc gia.
Theo một phân tích về ảnh hưởng toàn cầu của AMR, năm 2019, khoảng 4,95 triệu ca tử vong liên quan đến AMR, trong đó, 1,27 triệu ca tử vong do kháng sinh không còn hiệu quả.
Tỷ lệ này cao nhất ở châu Phi hạ Sahara, Nam Á và Đông Âu. Tình trạng này thậm chí ngày một tràn lan ở Trung Quốc.
Ông Duerden cho biết những người trẻ tuổi có xu hướng lạm dụng thuốc kháng sinh vì họ không hiểu rằng hầu hết các bệnh viêm họng là do virus gây ra và chỉ một số ít là do vi khuẩn. Cả 2 loại viêm họng đều có xu hướng tự khỏi trong vòng một tuần.
Mặc dù có những hạn chế trong việc lưu hành thuốc kháng sinh, một số dược sĩ vẫn có thể bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn. Thông thường, thanh thiếu niên, những người không hiểu sự khác biệt giữa virus và vi khuẩn, có xu hướng lạm dụng thuốc kháng sinh nhiều nhất.
"Thế hệ lãnh đạo và lực lượng lao động tương lai đang có cái nhìn sai lệch về kháng sinh. Điều này có thể dẫn đến hệ quả xấu đối với sức khỏe của cá nhân và cộng đồng", bà Sabiha Essack, Giáo sư Khoa học dược phẩm tại ĐH KwaZulu-Natal (Nam Phi), đánh giá. Bà cũng là chuyên gia tư vấn về kháng kháng sinh cho Tổ chức Y tế Thế giới và là chủ tịch nghiên cứu về kháng kháng sinh của GRIP tại Nam Phi.
Tiến sĩ Ming Wai-kit, Trợ lý giáo sư về dịch tễ học và y tế công cộng, ĐH Thành thị Hong Kong cho rằng cần phải giáo dục thanh thiếu niên về thuốc kháng sinh tại các trường học.
"Họ nên biết ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đối với cơ thể của họ nếu sử dụng không đúng cách và quá mức. Bên cạnh thắt chặt luật lưu hành kháng sinh, nhận thức của công chúng cũng là chìa khóa giải quyết vấn đề tình trạng sử dụng kháng sinh bữa bãi", ông nói.
Ngoài ra, TS Duerden cho biết các biện pháp điều trị cảm lạnh cũng có thể áp dụng cho bệnh viêm họng.
“Người bệnh nên được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn mát, mềm. Các biện pháp can thiệp chính khác là thuốc giảm đau đơn giản như paracetamol hoặc ibuprofen. Những loại thuốc này có thể mua không cần đơn", ông nói