Hậu trường giờ mới kể về cuộc thi Trang phục văn hóa dân tộc

Hai ô tô tải chở hơn 30 thiết kế trang phục dân tộc, nhiều bộ trang phục cồng kềnh, có trang phục dài 20m, nặng 100kg để làm rèm. Có tác phẩm phải dùng chất liệu tơ sen với 10.000 - 15.000 cuốn.

Hai ô tô tải lớn vận chuyển trang phục văn hóa dân tộc

Sau đêm thi National Costume (Trang phục văn hóa dân tộc), đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết, chất lượng về mặt trình diễn và thương hiệu trang phục văn hóa dân tộc tại phần thi năm nay được tiếp tục duy trì.

Tác phẩm Trưng Vương với mô hình voi sống động, chân thật 3m đã kỳ công thực hiện.

Tác phẩm Trưng Vương với mô hình voi sống động, chân thật 3m đã kỳ công thực hiện.

"Sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế trẻ cho thấy giới trẻ luôn nhiệt huyết, đam mê trong lĩnh vực thiết kế trang phục đậm chất truyền thống. Tôi vui vì giá trị văn hóa Việt Nam luôn được người trẻ nhớ tới, tôn vinh và ngợi ca", đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói.

Tuy nhiên, đạo diễn chưa thực sự hài lòng vì điều kiện thời tiết chưa được thuận lợi, gây khó khăn cho ban tổ chức và đêm thi. "Dù có gió mạnh, nhưng may mắn trời tạnh mưa khi đêm diễn bắt đầu. Cùng đó là hơn 30 bộ trang phục năm nay phải vận chuyển xa, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng trang phục. Có nhà thiết kế (NTK) sáng tạo nhiều bộ trang phục cồng kềnh, có trang phục dài 20m, nặng vài chục kg.

Lần đầu tổ chức đêm thi ngoài trời, Phan Thiết mưa liên tục, sân khấu ảnh hưởng khá nhiều. "Tôi lo lắng sân khấu không được ấm cúng, không thể biến đêm diễn thành lễ hội về nghệ thuật, sắc đẹp, thời trang. Khối lượng công việc ngoài trời gấp đôi, thậm chí gấp ba khi tổ chức trong không gian kín.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam tại buổi tổng duyệt.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam tại buổi tổng duyệt.

Ban tổ chức tháo lắp đạo cụ, trang phục từ TP.HCM đến Phan Thiết bằng 2 xe tải lớn cho thí sinh, sau đó tiếp tục lắp ráp, gia công. Khối lượng công việc khổng lồ và kỳ công. Trong quá trình vận chuyển, có nhiều vấn đề xảy ra và phải khắc phục.

Trang phục truyền thống có tính biểu diễn cao, không nên phung phí

Nổi tiếng với những BST áo dài được thực hiện thủ công tỉ mỉ cùng những chất liệu chất lượng từ nhiều vùng văn hóa dân tộc Việt Nam, NTK Vũ Lan Anh chia sẻ đội cô sử dụng chất liệu tơ sen với 10.000 - 15.000 cuốn sen được nghệ nhân Phan Thị Thuật dệt trong 2 tháng.

Bên cạnh đó, mỹ nghệ gáo dừa cũng được đưa vào các bài dự thi. Tác phẩm Trưng Vương với mô hình voi sống động, chân thật 3m đã kỳ công thực hiện.

Tác phẩm Trưng Vương.

Tác phẩm Trưng Vương.

NTK Đặng Trọng Minh Châu cũng chia sẻ về các tác phẩm đội mình như Bánh ít lá gai, Mỹ nhân ngư hay Mây tre đều được thực hiện bởi những NTK 16 - 17 tuổi. Hoặc thiết kế Thạch long họa khắc, thí sinh đã sử dụng chất liệu đất sét để tạo nên dáng dấp của tác phẩm. Song, chất liệu vải không gây hại cho môi trường được tác giả của Tiên hạc đặc biệt quan tâm và sử dụng.

Đội của NTK Nguyễn Minh Công đã thành công gặt hái được nhiều màn trình diễn thu hút được lượng quan tâm khủng từ công chúng. Phải kể đến như Tự hào Việt Nam, Mỹ nữ Tứ bình, Gánh mẹ, Cô em Dao Đỏ… Trở lại với mùa giải thứ 3, NTK Nguyễn Minh Công hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tiết mục bùng nổ, hấp dẫn và quyết tâm giành được chiến thắng đầu tiên cho đội.

Năm nay, đội của huấn luyện viên Minh Công sở hữu những thí sinh cùng các tác phẩm vô cùng tiềm năng. Bật mí với người hâm mộ, NTK Nguyễn Minh Công cho biết, các tác phẩm thiết kế bộ rèm cửa bình phong nặng gần 100kg hay có tác phẩm được thực hiện bởi chất liệu cẩm thạch và xà cừ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Trong vai trò trưởng ban cố vấn Miss Grand Vietnam 2024 (MGVN), nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét các bộ trang phục dân tộc năm nay ấn tượng.

"Văn hóa là làm phong phú đời sống, nhận diện dân tộc. Việc thí sinh sáng tạo trang phục dân tộc là nỗ lực lớn của nhà thiết kế trẻ.

Những bộ trang phục góp phần giới thiệu đặc trưng văn hóa Việt, thông qua việc khai thác yếu tố lịch sử từ xa xưa đến hiện đại", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Như năm trước đây, phần thi trang phục văn hóa dân tộc của MGVN 2024 có sự đầu tư lớn. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận thấy trang phục truyền thống có tính biểu diễn cao, không nên phung phí.

"Các thiết kế trên phù hợp với ngôn ngữ nghệ thuật đường phố, nên lưu giữ để những ngày hội, ví dụ ngày hội hóa trang, đô thị tận dụng trang phục và trình diễn cho du khách. Đó là cách nhà đầu tư tiết kiệm, phát triển văn hóa, tạo nét đặc trưng và thu hút du khách", nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm.

An An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hau-truong-gio-moi-ke-ve-cuoc-thi-trang-phuc-van-hoa-dan-toc-192240801185844076.htm