Hậu trường làm đường cửa ngõ đẹp nhất Thủ đô
Xuất phát điểm là một dự án được bổ sung quy hoạch, tuyến đường Võ Nguyên Giáp ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài.
Quyết định bất ngờ
Quá nửa thập kỷ trục giao thông Nhật Tân - Nội Bài được khánh thành, đưa vào khai thác, một góc ký ức của ông Nguyễn Thanh Vân, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) vẫn vẹn nguyên hành trình "căng như dây đàn" để đưa con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đích.
"Đầu tư tuyến đường là một quyết định khá bất ngờ", ông Vân nói và kể, theo phương án ban đầu, phía bờ Bắc cầu Nhật Tân sẽ kết nối với quốc lộ 3 cũ ra thị trấn Đông Anh.
Thế nhưng, sau khi cầu Nhật Tân được triển khai xây dựng, Bộ GTVT nhận thấy phương án kết nối này sẽ khó phát huy hết hiệu quả của cây cầu. Thời điểm ấy, kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay gần như phụ thuộc lớn vào tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.
"Sau nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan với nhiều phương án được "nâng lên đặt xuống", quyết định đầu tư tuyến đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài với mặt cắt ngang 100m, 6 làn xe, có đường gom hai bên, sử dụng vốn ODA Nhật Bản được Chính phủ quyết định đầu tư.
Đáng nói, trước đó quy hoạch của Hà Nội tại khu vực Đông Anh chưa hề có tuyến đường này. Chỉ khi quyết định làm, việc bổ sung quy hoạch để triển khai dự án mới được tiến hành", ông Vân nói và cho biết, với sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, sự đồng thuận cao từ phía Nhật Bản và hành trình thần tốc lập dự án, thiết kế, năm 2011, sau khi cầu Nhật Tân thi công được hai năm, tuyến đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài chính thức được khởi công.
"Cân não" chạy đua hai tháng cuối
Trong vai trò giám đốc điều hành ở thời điểm thi công dự án, ông Vân cho biết, thách thức lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Khoảng ba năm sau khởi công, đến tháng 11/2014, vướng mắc mặt bằng mới cơ bản được giải quyết.
Áp lực tăng lên khi Thủ tướng Nhật Bản khi đó có lịch trình sang thăm Việt Nam. Yêu cầu đặt ra với dự án đường Võ Nguyên Giáp là phải cấp thiết hoàn thành, thông tuyến từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài vào ngày 5/1 cùng với công trình cầu Nhật Tân đã hoàn thành trước đó.
"Trên công trường khi ấy, công tác thảm bê tông nhựa mới chỉ được một số đoạn. Một số vị trí còn phải thi công nền... Khối lượng công việc khổng lồ còn lại phải được gói gọn trong chưa đầy hai tháng. Một nhiệm vụ khiến những cán bộ quản lý dày dạn kinh nghiệm khi ấy không dám tin có thể hoàn thành", ông Vân kể.
Ban QLDA 85 lúc đó đã đưa toàn bộ cán bộ chủ chốt ra dự án. Các kỹ sư, công nhân dồn toàn lực, vừa làm vừa vận động người dân bàn giao mặt bằng. Hai tháng ròng rã, lãnh đạo ban điều hành luôn ở công trường dù đã quá nửa đêm.
Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra đồng thời các dự án cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, nhà ga T2 Nội Bài.
Lúc này, công trường dự án đường Võ Nguyên Giáp đã cơ bản hoàn thành tất cả các hạng mục, thay vì chỉ đưa tuyến chính cán đích như kế hoạch trước đó.
"Nếu không có sự quyết liệt của Bộ GTVT và sự vào cuộc của những lãnh đạo cao nhất của Hà Nội, việc hoàn thành dự án phải mất nửa năm chứ không phải trong quỹ thời gian ngắn ngủi, chưa đầy hai tháng", ông Vân nhìn nhận.
Tham gia thi công hai gói thầu số 1 và số 5 thuộc dự án đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài trong vai trò phó giám đốc điều hành của nhà thầu Tập đoàn Cienco4, ông Nguyễn Phương Vinh (hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4) cho hay, bài toán khó nhất khi ấy của đơn vị chính là gói thầu số 5, là gói thầu lớn nhất dự án.
Đặc thù của gói thầu này là nằm hoàn toàn trong phạm vi nội cảng của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Bài toán đặt ra là vừa thi công, vừa phải đảm bảo khai thác và vận hành của sân bay.
"Chỉ cần sự phối hợp không nhịp nhàng là làm chậm các chuyến bay hoặc có thể dừng khai thác sân bay ngay lập tức", ông Vinh chia sẻ.
Ông Vinh cũng không quên một cuộc họp vô cùng đặc biệt giữa UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT, Ban QLDA 85 và người dân địa phương để giải quyết yêu cầu của người dân về việc bổ sung một hầm bộ hành xuyên qua cao tốc.
Vì vấn đề này mà cả gói thầu số 2 bị người dân ngăn cản thi công, tạo ra một đường găng rất lớn.
Theo ông Vinh, ở vị trí dự kiến làm hầm chui, tuyến chính đã hoàn thành lớp đỉnh của cấp phối đá dăm, chỉ chờ thảm bê tông nhựa. Hai bên hầm lại là điểm xuống dốc của cầu vượt đường sắt và đi dưới gầm cầu vượt Nguyên Khê đã thi công xong. Nếu chấp thuận bổ sung, mục tiêu đưa dự án về đích vào tháng 1/2015 sẽ đối diện rất nhiều rủi ro.
Song, với nguyện vọng chính đáng của người dân, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội vẫn quyết định triển khai bổ sung một hầm dân sinh.
"Chạy đua với thời gian, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) đã xuống tận công trường cùng tư vấn, nhà thầu quyết định phương án thiết kế và ăn ngủ ở công trường để kiểm soát tiến độ.
Đảm nhận thi công công trình này, Cienco4 cũng thần tốc tổng lực triển khai thi công. Trong một tháng ngắn ngủi, công trình được hoàn thành, đáp ứng chất lượng", ông Vinh nhớ lại.
Kỷ niệm thiêng liêng và bài học quý
Nói về kỷ niệm sâu đậm nhất, ông Vinh bùi ngùi nhớ đến mốc thời gian tháng 10/2013, thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ, nhà thầu dự án đường nối sân bay Nội Bài cấp tập chuẩn bị đường đi để đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội Bài.
Khi ấy, việc thi công vẫn dở dang, tuyến bị chia cắt đi vòng tránh nhiều điểm. Từ vị trí Km 12+100 (điểm cuối dự án) tới sân bay Nội Bài khoảng 3km mặt đường vẫn ngổn ngang.
Chỉ trong thời gian 15 giờ, đơn vị đã điều động toàn bộ các thiết bị và nhân lực có thể để triển khai dọn dẹp, san bằng, thảm nhựa tạm tất cả các vị trí không êm thuận để tạo được một đoạn đường chất lượng tốt nhất.
"Đó là trách nhiệm, song cũng là một công việc rất đỗi thiêng liêng, vinh dự", ông Vinh chia sẻ và cũng không khỏi tự hào khi thời điểm hiện tại, tuyến đường mình tham gia thi công vẫn được giới tài xế taxi kể với nhau: "Khách nước ngoài luôn tấm tắc khen đường Võ Nguyên Giáp là tuyến đường cửa ngõ đẹp nhất Thủ đô!".
Nhớ lại khoảng thời gian 15 năm về trước, khu vực bờ Bắc cầu Nhật Tân chỉ là vùng ngoại thành chưa mấy phát triển, theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sự hoang sơ ấy đã thay đổi hoàn toàn sau khi tuyến đường Võ Nguyên Giáp được xây dựng.
"Đó là một quyết định đúng đắn, một dự án được đầu tư bài bản, không chỉ xóa thế độc đạo của tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài nối trung tâm Thủ đô với sân bay mà còn mang đến cho Hà Nội một con đường đối ngoại khang trang, một cửa ngõ hiện đại", ông Thanh nói.
Với ông Nguyễn Thanh Vân, trên cung đường đường Nhật Tân - Nội Bài đã từng có muôn vàn khó khăn, áp lực. Nhưng thách thức cũng chính là cơ hội, bởi theo ông, dự án này đã đem lại cho các cán bộ quản lý của Ban QLDA 85, các kỹ sư nhiều bài học để tự tin và bản lĩnh hơn với các dự án quy mô, đòi hỏi tiến độ gấp rút sau này.
Đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài hơn 12km. Điểm đầu tại nút giao Nam Hồng (đường dẫn phía Bắc cầu Nhật Tân). Điểm cuối là nút giao cắt giữa đường Bắc Thăng Long với quốc lộ 2.
Tuyến đường được thiết kế theo đường đô thị, mặt cắt ngang từ 80-100m với 6 làn xe, vận tốc 80km/h, 2 đường gom. Toàn tuyến có 8 cầu được thiết kế vĩnh cửu theo kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực.