HAWA: Một số khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng
Trước trước việc áp thuế đối ứng của Mỹ, ngành gỗ TP.HCM kiến nghị Chính phủ đàm phán với Mỹ để giảm tối đa mức thuế đối ứng, tư vấn pháp lý và thương mại cho những đơn hàng đang giao, chưa giao để bảo vệ quyền lợi giảm rủi ro.
Hội Mỹ nghệ và Chế Biến Gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, Chính phủ Mỹ quyết định áp mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Mức thuế này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Mỹ, chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu.
HAWA đang làm việc chặt chẽ với Bộ Nông Nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương để đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực đàm phán kết quả cho cả hai bên.
Một số công ty phải đóng cửa nhà máy hoặc ngừng sản xuất
HAWA thực hiện khảo sát mẫu nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu để thông tin và kiến nghị cơ quan chức năng tìm được giải pháp tốt nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, với câu hỏi những khó khăn ngắn hạn mà doanh nghiệp phải đối mặt trước việc áp thuế đối ứng của Mỹ.
Các doanh nghiệp cho biết, khách hàng thông báo ngừng đặt hàng ngay khi thuế đối ứng được công bố. Một số khách hàng yêu cầu dừng xuất khẩu hàng và hoãn giao hàng; Đơn hàng đã ký kết hoặc chuẩn bị giao bị hủy hoặc tạm ngừng.
Ngoài ra, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc giảm số lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân. Một số công ty phải đóng cửa nhà máy hoặc ngừng sản xuất, dẫn đến việc mất việc làm cho công nhân.
Khó khăn trong dài hạn, doanh nghiệp cho biết, do thuế cao nên các sản phẩm từ Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với những quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Mexico.
Khách hàng sẽ chuyển sang các quốc gia khác có thuế nhập khẩu thấp hơn.
Doanh nghiệp phải đối mặt với yêu cầu giảm giá mạnh từ khách hàng, và có thể phải chuyển đổi sản xuất sang những thị trường khác, điều này gây mất ổn định. Lợi nhuận giảm, nhiều công ty có thể đối mặt với nguy cơ phá sản.
Doanh thu giảm mạnh, và Mỹ có thể không còn là thị trường chính cho các công ty xuất khẩu gỗ Việt Nam. Các công ty phải tìm kiếm thị trường thay thế, nhưng sẽ mất thời gian và chi phí.

Khách tham quan gian hàng tại HawaExpo 2025 diễn ra ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Nhiều kiến nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp gỗ
Theo HAWA, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ đàm phán với Mỹ để giảm tối đa mức thuế đối ứng. Mức thuế áp cho Việt Nam phải cạnh tranh hơn với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, và Indonesia.
Đồng thời, có lộ trình giảm thuế hợp lý, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng với thay đổi. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt hàng hóa, giá cả tăng do thuế cao, năng lực sản xuất chưa được xây dựng đủ ở Mỹ nên cần kéo dài thời gian áp dụng thuế thêm ít nhất 45 ngày tới 90 ngày.
Điều này, cũng để doanh nghiệp Mỹ có thể nhập hàng dự trữ cho sắp tới, không bị dính các kiện cáo theo hợp đồng thương mại, mất các khoản cọc đơn hàng. Song song đó, doanh nghiệp Việt Nam đẩy được hàng tồn.
Chính phủ cần đánh giá, kiểm soát việc “sản xuất trá hình” chỉ để lấy xuất xứ từ Việt Nam khiến cho thặng dư thương mại với Mỹ tăng cao. Đặc biệt, có chính sách ưu tiên, bảo vệ doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định, tránh bị liên lụy bởi doanh nghiệp gian lận xuất xứ.
Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các ban ngành có kênh cung cấp nhanh chóng cho doanh nghiệp thông tin chính sách thuế, mức thuế cho từng mã HS cụ thể, mức độ tác động…
Tư vấn pháp lý và thương mại cho những đơn hàng đang giao, chưa giao để bảo vệ quyền lợi giảm rủi ro, tăng kết nối với khách hàng trước biến động.
Doanh nghiệp phụ thuộc thị trường Mỹ chờ thông tin từ Chính phủ
Vậy doanh nghiệp đã có chuẩn bị gì để thích ứng với việc áp thuế đối ứng của Mỹ? Theo kết quả khảo sát HAWA, một số doanh nghiệp đang chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thị trường trong nước, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Các công ty đang tìm kiếm thị trường mới như Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada…
Một số doanh nghiệp cho biết vẫn chưa có sự chuẩn bị cụ thể vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ và đang chờ đợi thông tin chính thức từ Chính phủ hoặc phản hồi từ khách hàng.
Một số khác đang trong quá trình xem xét lợi nhuận để đưa ra phương án giảm giá cho khách hàng và cải tổ các kế hoạch xuất khẩu.
Nhiều công ty cho rằng thuế 46% là quá cao và rất khó để đáp ứng được, ngay cả khi giảm chi phí sản xuất. Do đó, họ cần thời gian để thích ứng và dần chuyển hướng sang thị trường khác.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hawa-mot-so-khach-hang-yeu-cau-hoan-giao-hang-post843253.html