Hãy bỏ tư duy 'lấy bằng cấp, tuổi tác' để chọn nhân tài
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều đồng tình với quan điểm của dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài là cần bỏ tư duy 'lấy bằng cấp, lấy vùng miền, tuổi tác để lựa chọn nhân tài'.
TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, muốn xây dựng được chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, dứt khoát phải thống nhất được khái niệm thế nào là nhân tài, tiêu chí để xác định nhân tài phù hợp với điều kiện chính trị- văn hóa- xã hội ở Việt Nam.
“Nhân tài phải là người có đức, có tài với năng lực vượt trội, có tinh thần cống hiến, giải quyết được các vấn đề nan giải hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngành, lĩnh vực hoặc địa phương, được mọi người và cơ quan, tổ chức công nhận”, ông Tuấn gợi mở.
Tiến sĩ chưa chắc đã là người tài
Trước gợi mở của TS. Trần Anh Tuấn, thế nào là nhân tài, trong một tập thể, một tổ chức để xác định ai là nhân tài thì cần những tiêu chí nào? Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, nhân tài là những người thật sự có tài năng, có cống hiến trong công việc bằng những việc làm đóng góp cụ thể.
Còn tất cả những yếu tố như bằng cấp, giải thưởng,... trên thực tế chưa thể đánh giá được đó là nhân tài. Nhân tài bao trùm trên tất cả lĩnh vực liên quan đời sống xã hội và có những đóng góp được ghi nhận.
“Như tôi là tiến sĩ khi 30 tuổi, trẻ nhất Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhưng không thể coi tôi là nhân tài nếu không có công trình cụ thể”, bà Hương phân tích.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cũng tán thành với nhận định, nhân tài thì đầu tiên phải có tài năng vượt trội chứ không phải chỉ đứng trên tiêu chí bằng cấp.
“Anh là tiến sĩ nhưng chưa chắc đã là người tài, anh là nông dân nhưng có thể là người tài. Chúng ta đã có rất nhiều anh hai lúa phát minh ra những máy móc rất hữu ích cho nông dân. Đấy là người tài”, ông Sỹ nhấn mạnh người tài phải là người có đóng góp thực sự về những công trình, sản phẩm, kết quả trong lao động sản xuất…
Về nguồn nhân tài, ông Sỹ cho rằng nhân tài không loại trừ ai cả, từ ông nông dân đến cậu sinh viên, cho đến ông già bạc tóc đều có thể là nhân tài.
Cứ hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, huynh đệ thì khó hút nhân tài
“Tôi nghĩ là đã dùng người tài thì đừng nghĩ đến sở hữu họ”, TS. Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nêu quan điểm.
Ông Giang cho rằng, cách đặt vấn đề hiện nay đang nặng về việc thu hút vào khu vực công. Chúng ta phải nghĩ rằng nhân tài ở đâu cũng sẽ đóng góp cho hệ thống, phải tạo điều kiện cho họ phát triển và đương nhiên cũng cần có tỷ lệ nhất định người tài trong cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Giang, phải có cơ chế rút ngắn khi sử dụng người tài chứ cứ tuần tự thì rất dễ mất nhân tài.
“Bởi vẫn có những “người không phải nhân tài thì lại rất tài ở những việc khác”, TS. Bùi Trường Giang cảnh báo.
Nhấn mạnh cần có tư duy, biện pháp đột phá trong thu hút, trọng dụng người tài, ông Giang đề xuất phải tạo các trung tâm xuất sắc để nuôi dưỡng người tài, để họ yên tâm làm việc.
Ông Nguyễn Tấn Hưng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Bộ Xây dựng đặc biệt nhấn mạnh đến nhận thức của người đứng đầu và những người làm công tác nhân sự.
“Tôi chứng kiến nhiều trường hợp rất giỏi nhưng không được trọng dụng. Hay như việc ưu tiên tuyển công chức từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thậm chí học ở nước ngoài về nhưng khi về vẫn chịu sự chỉ đạo của những anh chị có trình độ thấp hơn,… làm cho họ không có động lực”, ông nêu thực tế.
Cho nên, ông Hưng nhấn mạnh, nếu không thay đổi nhận thức thì mọi văn bản, nghị quyết đều vô nghĩa. “Cứ hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, huynh đệ thì không có chuyện thu hút nhân tài”.
Theo ông Hưng, nên đặt vấn đề xây dựng cơ chế chính sách phải đi từ trọng dụng, đãi ngộ rồi đến thu hút, rồi mới đến đào tạo phát triển.
“Nếu đã trọng dụng thì không có quy trình. Còn nếu quy trình 5 bước như hiện nay thì không thể trọng dụng được người tài”, ông Hưng nói.
Nhiều chủ tịch tỉnh năng lực “rất chín”, có tài năng nhưng phải về hưu
Lắng nghe các ý kiến về thu hút và trọng dụng, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng giữa thu hút và trọng dụng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Thu hút để trọng dụng và trọng dụng để thúc đẩy thu hút.
Trọng dụng và thu hút, đãi ngộ phải gắn với nhau, cái này làm nền và tạo đà cho cái kia. Thu hút, đãi ngộ chỉ phát huy được tác dụng, ý nghĩa khi mà trọng dụng cũng được thực hiện và ngược lại. Khi nhân tài được trọng dụng, theo phương châm “tuyển đúng, dùng hay”, thì trọng dụng lại là tiền đề để phát huy chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Chia sẻ thêm với VietNamNet, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tán thành, cần phải bám sát chủ trương của Đảng và thay đổi tư duy về vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong đó xác định rõ: Nhân tài không phân biệt đảng viên và người ngoài đảng; người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
Khi tìm tòi, phát hiện, tiến cử thì phải tìm nhân tài trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài.
Một quan điểm nữa cũng được TS. Trần Anh Tuấn khẳng định: “Không phải cứ có bằng cấp mới là người tài giỏi; không phải cứ có bằng cấp cao là có thành tích vượt trội; nhưng thường những người tài giỏi là người có năng lực vượt trội”.
Trường học thì cấp bằng nhưng trường đời thì chưa bao giờ cấp bằng cả. Có nhiều nhân tài trưởng thành từ trường đời, từ học anh em bạn bè và tự học, tự rèn luyện.
Cho nên cần bãi bỏ tư duy “chỉ lấy bằng cấp để lựa chọn nhân tài”, “lấy vùng miền, tuổi tác để lựa chọn cán bộ” và không nên giới hạn số lượng nhiệm kỳ giữ chức vụ bầu cử. Cứ người có tài, có đức, có tinh thần cống hiến, có uy tín thì dứt khoát phải được lựa chọn, trọng dụng.
Chẳng hạn như quy định trong bầu cử yêu cầu một người không được giữ một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ, trong khi có những người được xác định là nhân tài, có đức, có tài, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn, nhiều chấm phá trong thời gian giữ chức vụ bầu cử, nhưng do quy định không quá 2 nhiệm kỳ nên phải nghỉ. Rất lãng phí.
"Theo cơ chế bầu cử, ở nhiều địa phương tôi thấy có nhiều chủ tịch tỉnh “rất chín” rồi, có thể làm bí thư tỉnh ủy được nhưng đến do tuổi chỉ quá vài ngày, vài tuần, vài tháng nên đành phải về”, ông Tuấn nêu thực tế.
TS. Trần Anh Tuấn cho biết, thực tế hiện nay có nhiều lĩnh vực, địa phương cần những người có thời gian lăn lộn, rèn luyện nhưng đến khi tuổi “chín” rồi, có cơ hội thì lại không được tiếp tục công tác, không được bầu cử, bổ nhiệm vào các vị trí do giới hạn về tuổi - quá tuổi bổ nhiệm. Vì vậy, công chức thì ở nguyên chỗ, cán bộ thì chờ nghỉ hưu. Đấy là một sự thất thoát, lãng phí lớn về nhân tài.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, hiện chỉ riêng Việt Nam có quy định “nghỉ chờ hưu” trong khi họ đang còn tuổi làm việc nhưng do không đủ tuổi tái cử nên chỉ ngồi đó chờ đến ngày nghỉ hưu.
Những câu chuyện này, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng cần thay đổi tư duy về vấn đề lựa chọn nhân tài. Đã là tìm nhân tài thì không nên dừng lại ở người tuổi trẻ mà phải bao hàm cả người cao tuổi và không nên quá coi trọng bằng cấp.
Bởi theo ông, tuổi không phải là yếu tố quyết định tài năng. Bằng cấp chỉ là một tiêu chí để xác định, tìm kiếm nhân tài, không phải là tất cả. Cán bộ theo cơ chế bầu, nếu là nhân tài phải trọng dụng, cứ có uy tín, có đức, có tài, được tín nhiệm thì vẫn phải “gánh vác”.
Còn công chức, viên chức theo cơ chế tuyển nếu xác định là nhân tài thì phải trọng dụng và nên có quy định kéo dài tuổi làm việc.