Hãy cảnh giác với lợi nhuận gấp ba lãi suất ngân hàng
Dù các cơ quan chức năng và chuyên gia đã nhiều lần khuyến cáo, song vì lợi nhuận quá hấp dẫn, nhiều người vẫn 'sập bẫy' các dự án đầu tư lừa đảo, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội. Vậy, làm thế nào để nhận diện được các dấu hiệu lừa đảo khi được chào mời đầu tư?
Giải pháp nào để ngăn chặn triệt để các thủ đoạn góp vốn đầu tư trá hình? Chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank (MSVN) đã có cuộc chia sẻ, trò chuyện với PV Báo CAND về chủ đề thời sự này.
PV: Thưa ông, việc lừa đảo góp vốn vào các dự án đầu tư hoặc đầu tư online không hề mới, và các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, tại sao nhiều người vẫn bị lừa?
Ông Phan Dũng Khánh: Dù cảnh báo nhiều, nhưng người trước sập bẫy, người sau lại rơi vào đúng cái bẫy đó, bởi vì thủ đoạn của bọn lừa đảo ngày càng tinh vi và lòng tham của con người là vô đáy, rất khó cưỡng. Karl Marx đã phân tích rồi, nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm. Bởi vậy, với mức lợi nhuận câu nhử quá hấp dẫn thì nhiều người sẽ bị mờ mắt, không đủ tỉnh táo để có thể phân biệt đúng sai.
Ví dụ, với đầu tư online, ban đầu, chỉ cần một khoản tiền nhỏ khoảng 1 triệu đồng, thậm chí nếu anh ngần ngừ, họ sẽ cho anh vay 1 triệu đó, sau 1 tuần, trả cho anh 2 triệu. Lúc này, vừa tò mò, vừa trỗi dậy lòng tham, anh sẽ bỏ vào thăm dò 1 triệu, 1 tuần sau, anh lại được trả 2 triệu. Tự dưng lãi 3 triệu trên trời rơi xuống, lúc này, anh sẽ tự cắn câu và cứ thế nộp tiền vào. Đến khi đối tượng lừa đảo đạt được con số kỳ vọng, sẽ đánh sập tài khoản và chặn liên lạc khiến nhà đầu tư mất trắng.
Đáng chú ý là lợi nhuận đưa ra câu nhử cao một cách phi lý nhưng nhà đầu tư vẫn bị mờ mắt không thấy điểm vô lý đó. Có trường hợp nhà đầu tư bị "gạ" đóng 300 triệu với lời hứa sau 3 năm sẽ có 3 nghìn tỷ. Đây là những con số không ai có thể tưởng tượng được.
Song, nhiều người lại đem so sánh với việc mua xổ số Vietlott: Bỏ 10 nghìn có thể trúng 300 tỷ, vậy, nếu chỉ bỏ 300 triệu mà có thể có 3 nghìn tỷ thì sao lại không thể? Biết đâu mình may mắn, không nắm lấy cơ hội này sẽ không bao giờ đổi đời? Với tâm lý này, nhà đầu tư sẽ xuống tiền chấp nhận may rủi kiểu "được ăn cả, ngã về không", và người ta chết vì tâm lý này. Tuy nhiên vé số thì ít nhất cũng có 1 người trúng độc đắc, còn đây ko có ai cả vì đây là lừa đảo nên họ đưa ra con số lợi nhuận mà "muốn bao nhiêu cũng được".
Hay như thủ đoạn tinh vi hơn, bạn bỏ vào 10 triệu có thể thắng 1 tỷ thậm chí là 10 tỷ hoặc hơn (nghĩa là tỷ suất sinh lời có thể x100 lần trong thời gian cực ngắn). Dĩ nhiên bạn sẽ rút tiền ra, khi đó họ báo là phí rút 10% và bạn phải nộp thêm 100 triệu. Sau đó đối tượng sẽ báo là chuyển tiền từ nước ngoài về và phí 10% nữa, khi bạn nộp xong họ sẽ báo phí rút nhanh 10% nữa rồi khi bạn vẫn nộp, họ sẽ tiếp tục có lý do để báo bạn phải nộp thêm một loại phí nào đó cho đến lúc bạn nhận ra mình bị lừa và ngưng nộp thêm thì họ cũng biến mất. Do đó, hình thức này rất khó tránh vì số tiền ban đầu rất nhỏ, thậm chí được đối tượng cho mượn luôn. Và bạn thấy thắng lớn quá nên việc "nhả" lại 10%-20% cho những khoản phí có vẻ hợp lý để sau đó, bạn sẽ bị lừa số tiền lớn hơn.
PV: Có lẽ các đối tượng lừa đảo đang "thao túng tâm lý" người dân chăng, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Có thể nói như vậy. Lừa đảo tài chính vốn là loại lừa đảo đẳng cấp cao nhất trong các loại lừa đảo, vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, thậm chí am hiểu tâm lý học giúp đánh giá "con mồi" chính xác để một khi đã ra chiêu thì gần như không ai từ chối được. Các tay lừa đảo đều là bậc thầy về PR, marketing và rất giỏi đánh vào lòng tham của người khác, thậm chí kể cả những người dày dặn kinh nghiệm như giám đốc quỹ đầu tư, lãnh đạo ngân hàng cũng đã có những người bị lừa.
PV: Những vụ lừa đảo đầu tư mới đây, ví dụ như vụ Công ty Nhật Nam lừa đầu tư vào bất động sản sinh lãi khủng dù thị trường khó khăn, hay thậm chí là dự án trồng rau má, có vẻ vô lý nhưng sao vẫn có người nghe và đổ tiền vào?
Ông Phan Dũng Khánh: Với những vụ lừa đảo bằng hình thức đầu tư trực tiếp, những dự án nghe có vẻ rất chắc chắn về mặt pháp lý và tiềm năng sinh lời thì các đối tượng lại có cách thức khác, đó là dựa vào uy tín của một cá nhân nào đó để "lùa gà". Song mấu chốt vấn đề vẫn là mức lợi nhuận được các đối tượng câu nhử quá hấp dẫn, còn hình thức lừa thì có nhiều kiểu, thậm chí biến đổi qua các thời kỳ để tránh đi theo lối mòn, để làm cho mọi người chưa kịp cảnh giác với cái cũ đã đón nhận cách thức mới. Các hình thức này trải dài trên mọi lĩnh vực từ kinh doanh thông thường, khởi nghiệp, bảo hiểm, đầu tư tài chính như CK, FX, tiền số, tài sản vô hình lẫn hữu hình đều có.
PV: Ông có thể chỉ rõ hơn về các dấu hiệu để nhận biết "chiêu" lừa đảo?
Ông Phan Dũng Khánh: Các đối tượng sẽ kêu gọi góp vốn vào một lĩnh vực tiềm năng nào đó trên nhiều lĩnh vực, nhưng thường khách hàng không hiểu, hoặc có chuyên môn cũng sẽ không hiểu do đối tượng cố tình trình bày phức tạp. Ngoài ra, họ tổ chức các buổi roadshow hoành tráng, mời các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đồng thời úp mở đánh lận trắng đen là các người nổi tiếng này cũng tham gia chung với họ, bên ngoài thì thuê siêu xe dựng đầy đường để mọi người tập trung selfie PR luôn. Thế nhưng lý lịch của những người đứng đầu những dự án rất mơ hồ, hoặc người nổi tiếng nhưng không có các thông tin cá nhân rõ ràng; ban tư vấn thì hoành tráng nhưng nhiều người trong đó thậm chí còn không biết tên tuổi.
Bên cạnh đó, kiểu đầu tư này luôn có những gói đầu tư theo các mức, bậc thang, cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, lợi nhuận ổn định bất kể điều kiện thị trường. Các hình thức kinh doanh đầu tư của họ không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền, chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư đều được giữ bí mật, hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp; người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ và không được biết họ làm gì ra tiền để trả lãi cho bạn…
PV: Vậy, nhà đầu tư sẽ phải làm gì để không bị mờ mắt, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Hãy cho mình suy nghĩ trong vòng 24h. Đây là nguyên tắc quan trọng khi được chào mời đầu tư vào những lĩnh vực nào đó. Đừng ngay lập tức rút ví, giống như đứng trước 1 món hàng, nếu khách hàng có thời gian suy nghĩ, có thể quyết định mua sẽ không được đưa ra. Nguyên tắc thứ 2: Miếng phô mai ngon chỉ có trong bẫy chuột. Nếu mức lợi nhuận đưa ra quá cao thì phải xem xét. Con số thống kê toàn cầu được các nhà đầu tư lấy làm kim chỉ nam đó là nếu lợi nhuận đưa ra cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng, thì tới 99% là lừa đảo, bởi đơn giản, một tổ chức tài chính lớn, vững mạnh như ngân hàng mà chỉ có thể trả được lợi nhuận bằng 1/3 thì không có phép thuật nào giúp cho dự án hoặc mô hình kinh doanh nào đạt được lợi nhuận cao như thế cả.
Ngoài 2 nguyên tắc trên, nhà đầu tư phải đặt cho mình các câu hỏi như: Dự án, hay mô hình kinh doanh đang chào mời đó làm gì mà có thể đạt mức lợi nhuận cao như thế? Nếu không trả lời được thì rõ ràng là lừa đảo. Tất nhiên bây giờ, lừa đảo ngày càng tinh vi nên các đối tượng sẽ chuẩn bị sẵn một kịch bản để tạo lòng tin. Thứ nhất, họ sẽ bảo đây là bí mật kinh doanh, không thể tiết lộ, vì nếu tiết lộ sẽ mất cơ hội kinh doanh. Điều này đánh vào tâm lý của khách hàng, cũng khá hiệu quả. Thứ 2 là sẽ gửi cho bạn 1 tập tài liệu khoảng… 10 nghìn trang, với những vấn đề, điều khoản cực kỳ "cao siêu", vượt tầm hiểu biết của tất cả mọi người, kể cả là chuyên gia trong lĩnh vực đó cũng sẽ không hiểu.
Chưa kể cũng sẽ chẳng có ai đủ kiên nhẫn để đọc 10 nghìn trang tài liệu. Tuy nhiên, hình thức lừa đảo này chỉ có những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp tầm quốc tế, và đối tượng mà chúng nhắm đến cũng là những nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, còn với đại đa số những nhà đầu tư khác thì khẩu ngữ "bí mật" là chìa khóa để chúng áp dụng.
Mặt khác, cần phải đặt ra yêu cầu được xem giấy phép kinh doanh. Nếu giấy phép được trưng ra thì đa số là không ở Việt Nam, mà được nước ngoài cấp phép, bằng tiếng Anh, hay tiếng một nước nào đó rất khó để hiểu, và thường thì lĩnh vực kinh doanh cũng rất "ất ơ", không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh đang được chào mời. Nếu khách hàng đảm bảo 4 nguyên tắc này thì 99,9% sẽ không bị lừa.
PV: Trở lại với những vụ lừa đảo đầu tư tai tiếng mới đây như Công ty Nhật Nam hay Công ty Sen Tài Thu, rõ ràng ngành nghề kinh doanh có, giấy phép có, thậm chí có tài sản thực, có cả hoạt động kinh doanh thực nên nhà đầu tư sẽ rất khó để phân biệt…
Ông Phan Dũng Khánh: Thì lúc này nguyên tắc thứ 2 sẽ phải áp dụng tuyệt đối: Không thể có lợi nhuận cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng, nhất là trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, kinh doanh khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, những "ông lớn" còn bị ngã ngựa, không thể một công ty nhỏ có thể che cả bầu trời như thế. Tất nhiên, ở đây tôi cũng muốn bổ sung thêm là không phải tất cả việc huy động vốn đều lừa đảo, vì có những doanh nghiệp cần vốn thật, nhưng do kinh tế khó khăn, tài sản đóng băng, không có dòng tiền nên họ phải tìm cách huy động bằng mọi giá, chấp nhận đẩy lợi nhuận lên cao để câu nhử. Họ không có mục đích lừa đảo, nhưng lại tạo ra rủi ro cao, điều này nhà đầu tư cũng cần phải cảnh giác cao độ để không sập bẫy.
P.V: Phải chăng, do kinh tế khó khăn, lãi suất tiết kiệm thấp, dòng tiền "lúng túng" không biết đi đâu nên nhà đầu tư mới bị "dính bẫy"? Là chuyên gia về đầu tư, theo ông, thời điểm này, nên đầu tư vào đâu?
Ông Phan Dũng Khánh: Đầu tư có 3 yếu tố quan trọng là an toàn, sinh lời và thanh khoản. Tôi điểm danh 3 kênh đầu tư nổi bật nhất trong thời điểm hiện nay là gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán và mua bất động sản. Năm ngoài thì lãi suất ngân hàng là hấp dẫn nhất, sinh lời tốt nhất và an toàn nhất, nhưng từ đầu năm đến nay, lãi suất liên tục hạ, chứng khoán là kênh sinh lợi tốt hơn cả khi nhiều cổ phiếu thậm chí tăng bằng lần. Tuy nhiên, từ giờ đến hết năm và dài hạn sang cả năm sau thì chứng khoán sẽ khó có thể lập lại kỳ tích trên khi vùng giá hiện tại cao hơn vùng đáy khá nhiều, song nếu chọn những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng, có tiềm năng sẽ vẫn là danh mục đầu tư tốt. Theo lịch sử chứng minh, không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam mà cả thị trường thế giới về dài hạn sẽ luôn tăng điểm.
Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp, do những tai tiếng của các doanh nghiệp làm ăn ẩu dẫn đến bị kỳ thị, chứ thực ra, đối với các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp tiềm năng, nhà đầu tư vẫn có thể tham gia với mức sinh lời có thể cao hơn lãi suất ngân hàng, an toàn và ổn định. Riêng với bất động sản, theo tôi vẫn có thể cân nhắc ở tầm nhìn dài hạn hơn, vì ngay cả khi đạt đáy cũng khó đi lên nhanh được, chưa kể đây là kênh có tính thanh khoản kém xa các kênh khác nên một khi vào "mùa đông" thì bạn có thể ngồi trên một đống đất (tài sản) nhưng lại không có tiền vì không thể bán cho ai được.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!