Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của người Việt
Tối 24/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra đêm thơ 'Bản hòa âm đất nước' trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.
Đến dự đêm thơ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo các nhà thơ, nhà văn, bạn yêu thơ ở mọi miền đất nước.
Mở màn chương trình, NSND Thúy Mùi đã ngâm bài thơ “Rằm tháng Giêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai hội đêm thơ, thay mặt Ban tổ chức, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ và thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy. Các nhà thơ có mặt trong đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” - đại diện cho 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S – đã mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong đêm thơ Rằm tháng Giêng này, gió rét và mưa bay như một thách thức của thi ca nhưng với dân tộc Việt Nam càng trong thách thức, khổ đau và mất mát, những “đóa hoa” của trái tim, của mỗi gương mặt được mở ra. Đó chính là bản chất của dân tộc Việt Nam và khiến cho dân tộc Việt Nam trở thành cái tên khác biệt trong toàn bộ lịch sử thế giới.
“Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của người Việt. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên “Bản hòa âm đất nước”. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thơ ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Chương trình đêm thơ gồm 5 chương. Trong chương 1 “Thơ và tác giả dân tộc vùng núi phía Bắc”, nhà thơ Nguyễn Minh Cường trình bày bài thơ “Người Tân Trào” (tác giả Nông Quốc Chấn), nhà thơ Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí) trình bày bài thơ “Con trai người Pa Dí”…
Trong chương 2 “Thơ và các tác giả dân tộc miền Bắc”, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành trình bày bài thơ “Giấc mơ sông Thương”, nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) trình bày bài thơ “Khúc hát mùa xuân”…
Trong chương 3 “Thơ và tác giả quốc tế”, nhà thơ Jeon-Min (Hàn Quốc) trình bày bài thơ “Có một Vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội”, nhà thơ Bành Thế Đoàn (Trung Quốc) trình bày bài thơ “Chuyến đi Việt Bắc”...
Trong chương 4 “Thơ và tác giả miền Trung và Nam Trung bộ”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trình bày đoạn trích trường ca “Đẻ đất đẻ nước” (sử thi dân tộc Mường), nhà thơ Kiều Maily (dân tộc Chăm) trình bày bài thơ “Hồn du mục”…
Trong chương 5 “Thơ và tác giả Nam bộ và Tây Nguyên”, nhà thơ Thái Hồng (dân tộc Hoa ở Vĩnh Long) trình bày bài thơ “Nhắn người phương ấy ghé chơi”, nhà thơ Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer ở Bạc Liêu) trình bày bài thơ “Mời bạn về với chúng tôi”…