HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua 38 nghị quyết quan trọng

Trong các ngày từ 15 đến 17-7, các đại biểu dự kỳ họp thứ mười bảy HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Ảnh: Việt Dũng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Ảnh: Việt Dũng.

Phát biểu bế mạc kỳ họp trưa ngày 17-7, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ thông tin, kỳ họp đã thông qua 38 nghị quyết. Trong đó, 33 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đô thị, dự án đầu tư công, tổ chức bộ máy sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và các nghị quyết trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ cuộc sống. 3 nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2025.

HĐND đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh đề ra giải pháp thiết thực, trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất 18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh chủ yếu năm 2024 theo nghị quyết của HĐND. Trong đó, có chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 từ 7,5% - 8%.

Một số vấn đề đáng chú ý đã được các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp 6 tháng cuối năm. Nổi bật là giải ngân vốn đầu tư công, tính hết tháng 6-2024, thành phố mới đạt tỷ lệ 14,5%, chậm hơn mục tiêu đề ra. Hiện, có tới 189 vấn đề tồn tại cần tháo gỡ để đẩy nhanh việc giải ngân, liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, bồi thường, tái định cư đến thủ tục dự án, quyết toán…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong hơn 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân năm 2024, thành phố có 28.000 tỷ đồng các dự án mới, phải có thời gian chuẩn bị dự án cộng với vướng về quy hoạch, đất đai nên chậm giải ngân. Bên cạnh đó, có 22.000 tỷ đồng là vốn giải phóng mặt bằng, do Luật Đất đai điều chỉnh thời gian áp dụng từ ngày 1-8, với nhiều chính sách mới nên nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân muốn chờ thực hiện. Tuy nhiên, thành phố vẫn đặt mục tiêu giải ngân khoảng 95% vốn đầu tư công trong năm 2024.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5% - 8% năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh ước tính phải huy động vốn đầu tư xã hội khoảng 394.000 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn khác. Cùng với đó, áp dụng nhiều giải pháp kích thích tiêu dùng, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Về chuyển đổi số, thành phố đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh; vận hành thống nhất hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính trực tuyến được giải quyết trên hệ thống này với 98 thủ tục hành chính trực tuyến có mức phí 0 đồng; ban hành 45 cơ sở dữ liệu dùng chung và 91 cơ sở dữ liệu mở; cấp tài khoản định danh điện tử cho hơn 9 triệu người dân…

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025 có 70% hồ sơ được giải quyết trên nền tảng số. Cùng với đó, triển khai các nền tảng thực thi, hệ thống thông tin chuyên ngành như hệ thống quản lý đất đai, học bạ điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử…

Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng.

Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua tờ trình về Quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và các cơ sở giáo dục thường xuyên... từ năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo.

Đặc biệt, trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025, được hưởng từ ngày 1-9-2024. Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026, được hưởng từ ngày 1-9-2025. Mức thu học phí học trực tuyến (học online) bằng 50% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.

Đáng chú ý, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND về Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hộ nghèo có thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng/người/năm. Chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/người/năm. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-10-2024.

6 tháng đầu năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với quy mô 610 căn hộ, tổng diện tích sàn 50.831m2. Thành phố có 6 dự án NƠXH đang thi công, trong đó, 5 dự án NƠXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ. Theo Sở Xây dựng, việc phát triển NƠXH tại thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các bước thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp... nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2030 đầu tư xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn NƠXH.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hdnd-thanh-pho-ho-chi-minh-thong-qua-38-nghi-quyet-quan-trong-672307.html