Hé lộ bức tranh sáng - tối lợi nhuận ngân hàng 2023
Trước các thách thức vĩ mô được dự báo trong năm 2023, nhiều ngân hàng thận trọng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn năm trước, trong khi một số khác khá lạc quan với triển vọng kinh doanh năm 2023.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2023
Theo số liệu của VNDirect, đã có 15 ngân hàng thương mại công bố kế hoạch kinh doanh 2023, trong đó 10 ngân hàng đưa ra kế hoạch thận trọng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2023 thấp hơn năm 2022. Ở chiều ngược lại, vẫn có một số ngân hàng đưa ra các kế hoạch kinh doanh có phần tham vọng, cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành được dự báo sẽ chậm lại thời gian tới.
Đặt trong bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn như xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất chậm lại kéo theo xu hướng tiêu dùng thắt chặt hơn. Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại khi thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, trong khi các doanh nghiệp vẫn cẩn trọng với việc mở rộng sản xuất - kinh doanh khi mặt bằng lãi suất còn cao.
3 ngân hàng thương mại quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 từ 10 - 15%. Các ngân hàng thương mại cổ phần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10-17% trong năm 2023, dù năm trước có thể đạt mức 30-40%.
Trong khi đó, theo tài liệu gửi cổ đông, VPBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng LNTT ở mức 13% cho năm 2023, nếu tính trên các hoạt động cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận này tương đương 53%, một mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên hệ thống ngân hàng hiện nay.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng
Việc đặt ra những mục tiêu kinh doanh tham vọng và có nền tảng để thực hiện những mục tiêu đó của các ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng sinh lời dài hạn của những mã cổ phiếu này.
Lấy ví dụ VPBank, đợt phát hành riêng lẻ gần đây của ngân hàng này cho đối tác Nhật Bản đã góp phần củng cố bộ đệm vốn thông qua CAR tăng mạnh. Cùng với đó, việc tăng vốn chủ sở hữu (mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1) còn có một hệ quả tự nhiên rất được giới đầu tư quan tâm, là tác động vào định giá thông qua giá trị sổ sách.
Nếu lợi nhuận 2023 đạt kế hoạch đã đề ra, vốn chủ sở hữu VPBank không bao gồm lợi ích cổ đông thiểu số (dự phóng) sẽ ở mức 153 nghìn tỷ, tương đương với giá trị sổ sách (dự phóng) sẽ đạt khoảng 19,300 đồng/cổ phiếu, thị giá trên giá sổ sách (P/B) dự phóng đạt 1.07 lần.
Trong hơn 5 năm gần nhất (từ 2018) vùng định giá P/B 1 lần chính là vùng đáy và vùng giá này sẽ có lực cầu bắt đáy mạnh. Theo đó, thị giá có xu hướng quay về mức trung bình ở mức 1.75 lần sổ sách, tương đương mức giá 33.800 đồng/cổ phiếu (tương ứng mức tăng 63% so với thị giá ngày 12/04/2023).
Với cơ sở vững chắc để thực hiện kế hoạch, định giá của cổ phiếu VPBank được kỳ vọng sẽ mang lại quả ngọt cho các cổ đông kiên định của ngân hàng.