Hé lộ lai lịch 'tàu cổ' ở bờ biển Cẩm An
Cuối năm 2023, ven bờ biển Thịnh Mỹ, sát khu vực Resort Boutique Hoi An (thuộc phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), sóng biển đánh làm xuất lộ một phần tàu gỗ lớn chôn vùi trong lớp cát biển, người dân địa phương đã nhanh chóng thông báo phát hiện này cho các cấp chính quyền. Thời gian sau đó, một phần bên trên cấu trúc con tàu xuất lộ rõ hơn. Lúc này, con tàu có chiều rộng đo được là 4,7m và chiều dài là 16,15m.

Một số hình ảnh ghi nhận từ tàu Cẩm An.
Người dân địa phương cho biết, vị trí con tàu xuất lộ trước đây là con dốc rất cao (nỗng đất), nằm sát bên con đường cái được làm từ thời Pháp, cách xa bờ biển và thuộc đất vườn nhà ông Trùm Đủ sống từ thời thuộc Pháp. Khu vực này còn được gọi là Bến Chim. Tuy nhiên, do bờ biển sạt lở mạnh vào đất liền, lấn sâu hàng trăm mét nên người dân buộc phải di dời. Người dân cũng cho biết thêm, những năm gần đây thỉnh thoảng sóng biển đánh vào khu vực này cũng làm xuất lộ trên bãi biển nhiều mảnh gốm sứ như tô, chén nguồn gốc Trung Quốc có niên đại khoảng thế kỷ XVIII-XIX.

Một phần tàu Cẩm An được phát hiện vào cuối năm 2023.
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, được sự thống nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức thực hiện khảo sát và lấy mẫu phân tích ban đầu về địa điểm phát hiện di vật tàu cổ ở bờ biển phường Cẩm An (gọi tắt là tàu Cẩm An).
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, từ kết quả các đợt khảo sát cùng việc làm xuất lộ 1 phần thân tàu phục vụ công tác lấy mẫu phân tích cho thấy, con tàu về cơ bản được bảo tồn tốt, các liên kết của cấu trúc thân tàu còn rất chặt chẽ. Quan sát trực quan bước đầu xác định, con tàu cơ bản được xây dựng từ 3 loại gỗ khác nhau: loại thứ nhất dùng làm giang, loại thứ hai dùng làm ván be và loại thứ ba dùng làm sa quạ, vách ngang tạo khoang.
Gỗ tàu phần phía trên tuy bị phân hủy nhiều song xuống dưới sâu, nhất là từ độ sâu 1,8m – 2m so với bề mặt cát bờ biển, gỗ kết cấu tốt và rất cứng chắc. Điều này là một tín hiệu đáng mừng cho việc triển khai công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị con tàu trong tương lai, mặt khác cũng là thách thức cho công tác lấy mẫu gỗ phục vụ cho phân tích niên đại và chủng loại gỗ cấu tạo nên con tàu.

Vị trí phát hiện tàu Cẩm An trên ảnh vệ tinh.
Về cấu trúc tàu Cẩm An thể hiện một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Đông Nam Á, như: lô mũi (sống mũi) thuyền có nhiều lớp ván be (ít nhất 2 lớp), ván be bao lô mũi, gỗ nhiệt đới làm cấu trúc chính của vỏ và khung xương thuyền như gỗ bằng lăng (săng lẻ) làm giang và gỗ kiền kiền làm ván be. Bên cạnh là một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Trung Quốc, như: vách ngang, sàn sa quạ, đinh sắt, kỹ thuật đóng đinh sắt xiên rìa cạnh ván và dùng gỗ thông làm vách ngang. Với những đặc điểm này, các nhà khảo sát cho rằng, thực chất tàu Cẩm An thuộc loại tàu truyền thống Biển Đông hay còn gọi là tàu lai.
Tàu truyền thống Biển Đông là kiểu thuyền buồm tích hợp kỹ nghệ đóng tàu truyền thống của Đông Nam Á với các kỹ nghệ đóng tàu truyền thống của Trung Quốc. Tàu có một số đặc điểm sau: cấu trúc chính của thân tàu bao gồm một long cốt (sống chính) làm cho mặt cắt ngang thân tàu hình chữ V giúp điều hướng tốt hơn trên biển động và gió đổi hướng. Trong đó, mặt cắt ngang thân tàu hình chữ V, long cốt, thân nhiều lớp ván be và các mép cạnh bằng chốt gỗ đến từ truyền thống đóng tàu bản địa Đông Nam Á. Việc sử dụng nhiều vách ngăn làm cấu trúc ngang chính cho thân tàu, bánh lái trục, đinh sắt, kỹ thuật đóng đinh sắt xiên ở rìa cạnh và xảm trét bằng hợp chất gốc vôi được coi là đóng góp từ truyền thống đóng tàu Trung Quốc. Kết quả lai ghép 2 truyền thống đóng tàu Đông Nam Á và Trung Quốc là sự kết hợp tuyệt vời giữa sức mạnh và sự nhẹ nhàng cho những con tàu truyền thống Biển Đông, có khả năng thực hiện những chuyến hải trình dài ngày.
Theo các chuyên gia, đến nay ở vùng biển Đông Nam Á đã phát hiện hơn 20 con tàu đắm được xác định là kiểu tàu truyền thống Biển Đông có niên đại giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Đồng thời, tuy còn khác biệt quan điểm về giới hạn niên đại dưới hay thời gian bắt đầu xuất hiện kiểu tàu này vào giữa thế kỷ XIV hoặc thế kỷ XV, song giới hạn niên đại muộn nhất của kiểu tàu này ở Đông Nam Á đều dừng ở thế kỷ XVI. Và như vậy, con tàu Cẩm An có lẽ cũng không nằm ngoài khung niên đại này, nhiều khả năng có niên đại giữa thế kỷ XIV-XV đến thế kỷ XVI.
Do vậy, việc phát hiện sự tồn tại của tàu Cẩm An không chỉ là minh chứng cho một lịch sử hàng hải phát triển sôi động trước khi tiếp xúc với hàng hải phương Tây, mà còn thực sự là “bảo vật” tàu cổ cực kỳ hiếm hoi đến nay còn được bảo tồn khá nguyên vẹn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Đông Nam Á và Đông Á; là một di sản văn hóa biển vô cùng quý giá của Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa tại Hội An – một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Nói thêm về tàu Cẩm An, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, chưa thể khẳng định chắc chắn đây là tàu cổ mà mới chỉ là giả thuyết và chờ báo cáo, kết quả xác định chính thức. “Sở đã giao nhiệm vụ khai quật con tàu này cho TP Hội An, tuy nhiên đến nay vì một số lý do nên cơ quan chức năng đang thận trọng, khi nào có đủ điều kiện thì mới tiến hành khai quật con tàu này. Trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ con tàu; đồng thời cần lập kế hoạch, giải pháp chi tiết cho công tác khai quật và bảo tồn con tàu cùng các hiện vật thu thập được, nhằm đảm bảo tính gốc và nguyên vẹn của con tàu cũng như các hiện vật”- ông Hồng chia sẻ.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/he-lo-lai-lich-tau-co-o-bo-bien-cam-an-post312850.html