Hé lộ 'vũ khí bí mật' giúp Ukraine chống lại Nga

Cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã xác nhận về sự tồn tại của một trung tâm chỉ huy quân sự bí mật tại Wiesbaden, Đức và mô tả đây là một 'vũ khí bí mật' của Kiev.

Ngày 8/4, ông Valerii Zaluzhnyi, đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh và là cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, đã xác nhận sự tồn tại của một trung tâm chỉ huy quân sự bí mật tại Wiesbaden, Đức. Trung tâm này được thành lập vào năm 2022 với sự hợp tác từ các đối tác của Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch các chiến dịch chống lại lực lượng Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Ông Zaluzhnyi mô tả đây là một “vũ khí bí mật” đã giúp Ukraine có thể phối hợp và thực hiện những chiến lược quân sự phức tạp.

Thông tin trên đã hé lộ một yếu tố quan trọng nhưng chưa từng được công khai về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, đồng thời đặt ra câu hỏi về mức độ can dự của Mỹ cũng như tầm quan trọng chiến lược của trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông Valerii Zaluzhnyi gặp các đối tác Anh và Mỹ ở Ukraine tháng 8/2023, khi đó ông vẫn là Tổng tư lệnh quân đội Ukraine. Ảnh: Facebook Valerii Zaluzhnyi

Ông Valerii Zaluzhnyi gặp các đối tác Anh và Mỹ ở Ukraine tháng 8/2023, khi đó ông vẫn là Tổng tư lệnh quân đội Ukraine. Ảnh: Facebook Valerii Zaluzhnyi

“Vũ khí bí mật” của Ukraine

Wiesbaden, một thành phố yên tĩnh ở miền Tây nước Đức vốn nổi tiếng hơn với các suối nước nóng hơn là với tầm quan trọng quân sự của nó, có vẻ như không phải là một lựa chọn lý tưởng cho một chiến dịch quan trọng như vậy. Tuy nhiên, việc chọn Wiesbaden làm trung tâm chỉ huy không phải là sự ngẫu nhiên. Thành phố này là nơi đặt một căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ, Clay Kaserne. Căn cứ này cũng là trụ sở chính của Lực lượng Mỹ ở châu Âu và châu Phi.

Căn cứ Clay Kaserne, cách trung tâm lịch sử của Wiesbaden vài km, từ lâu đã là trung tâm điều hành các hoạt động quân sự của Mỹ tại lục địa châu Âu. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nó càng trở nên quan trọng hơn. Sự hiện diện của Quân đoàn Không vận 18, một lực lượng cơ động nổi tiếng với khả năng linh hoạt và sẵn sàng chiến đấu, càng làm tăng giá trị chiến lược của địa điểm này. Với cơ sở hạ tầng tiên tiến, mạng lưới thông tin an toàn và vị trí gần các đồng minh NATO khác, Clay Kaserne đã trở thành một điểm xuất phát lý tưởng để phối hợp với các lực lượng Ukraine cách đó hàng nghìn km.

Mặc dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công khai, trung tâm chỉ huy này có thể đã sử dụng các hệ thống công nghệ tiên tiến để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Hình ảnh vệ tinh, dữ liệu chiến trường theo thời gian thực và tình báo tín hiệu chắc chắn là những công cụ quan trọng, giúp các nhà lập kế hoạch theo dõi hoạt động di chuyển của quân đội Nga và xác định các mục tiêu quan trọng.

Hoạt động của các hệ thống như HIMARS mà Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine vào giữa năm 2022 có thể đã được lập kế hoạch tại đây. Thông qua việc cung cấp tình báo theo thời gian thực từ Wiesbaden cho các binh sĩ vận hành Ukraine, Mỹ có thể tối đa hóa tác động của hệ thống mà không cần đưa quân vào trận địa.

Việc HIMARS được cung cấp thông tin tình báo gần như ngay lập tức từ một trung tâm như Wiesbaden là lý do ông Zaluzhnyi gọi đây là một “vũ khí bí mật”. Đó không phải là thiết bị cụ thể mà là sự phối hợp hoàn hảo biến dữ liệu thô thành các đòn tấn công có hiệu quả.

Ưu thế công nghệ mà trung tâm ở Wiesbaden mang lại không chỉ giới hạn ở HIMARS. Máy bay không người lái, một nền tảng khác trong kho vũ khí của Ukraine, cũng có thể đã được hưởng lợi từ “đường ống” tình báo của cơ sở này.

Vai trò của trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden không chỉ dừng lại ở đó mà ngày càng mở rộng theo diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, quân đội Ukraine chủ yếu phòng thủ, ngăn chặn cuộc tiến công của Nga vào thủ đô Kiev và giữ vững tuyến phòng thủ ở phía Đông. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, cục diện bắt đầu thay đổi. Các cuộc phản công của Ukraine tại Kharkov và Kherson đã giành lại được nhiều lãnh thổ, nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ từ phương Tây. Trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch này, cung cấp nền tảng hậu cần để chuyển giao tình báo từ vệ tinh và máy bay không người lái đến các chỉ huy ở tiền tuyến trong thời gian gần như tức thì.

Khả năng này đã trở nên vô cùng quan trọng trong chiến dịch đột kích xuyên biên giới táo bạo của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga vào tháng 8/2024, một chiến dịch đã khiến Moscow bất ngờ đồng thời thể hiện sự tinh vi trong chiến thuật của Kiev. Chiến dịch tại Kursk, khi quân đội Ukraine tiến sâu vào lãnh thổ Nga tới 30 km, là bằng chứng cho sự tiến bộ vượt bậc của quân đội Ukraine so với những ngày đầu của cuộc xung đột.

Wiesbaden chỉ là một mảnh ghép?

Cuối tháng 3, báo New York Times của Mỹ đưa tin các sĩ quan Mỹ và Ukraine đã làm việc chặt chẽ với nhau từ Wiesbaden để phối hợp về những chiến dịch tấn công như ở Kursk. Dù các chi tiết cụ thể của mỗi chiến dịch vẫn chưa được công khai, khả năng kết hợp công nghệ Mỹ với sự am hiểu thực tế chiến trường của Ukraine chắc chắn đã giúp Kiev có được sự tự tin để thực hiện chiến dịch táo bạo như vậy.

Ông Zaluzhnyi từng đóng vai trò trung tâm của sự phối hợp giữa Ukraine với Mỹ ở Wiesbaden.

Sự nghiệp quân sự của Zaluzhnyi có thể đưa ra những manh mối về ảnh hưởng của ông đối với chiến dịch Wiesbaden. Trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Anh, ông là Tổng tư lệnh quân đội Ukraine từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2024.

Trong vai trò Tổng tư lệnh, ông Zaluzhnyi đã thúc đẩy việc tích hợp sâu rộng với các hệ thống NATO, kêu gọi trang bị vũ khí hiện đại và đào tạo để hiện đại hóa quân đội Ukraine. Tầm nhìn của ông hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên của Mỹ, khiến ông trở thành đối tác lý tưởng cho các sĩ quan Mỹ đóng tại Đức.

Tướng Viktor Nazarov, cố vấn của ông Zaluzhnyi khi ông còn là Tổng tư lệnh quân đội, sau này tiết lộ rằng, đầu năm 2022 ông Zaluzhnyi đã đề xuất một chiến dịch đột kích xuyên biên giới vào tỉnh Belgorod của Nga – một kế hoạch tương tự như cuộc đột kích vào tỉnh Kursk. Dù ý tưởng đó đã bị gạt bỏ nhưng nó cho thấy một chiến lược có tầm nhìn nh vậy đã góp phần định hình công việc của trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden.

Việc ông tiết lộ về trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden hơn 1 năm sau khi rời vị trí Tổng tư lệnh quân đội Ukraine cho thấy đây là một động thái có chủ ý và được tính toán.

Trong lịch sử, các trung tâm chỉ huy bí mật đã định hình chiến tranh theo những cách không ngờ tới. Trong Thế chiến II, Bletchley Park của Anh đã giải mã được mật mã của Đức, mang lại cho phe Đồng minh lợi thế quyết định. Trong Chiến tranh Lạnh, các trạm do thám của Mỹ ở Tây Đức đã theo dõi các động thái của Liên Xô, âm thầm ngăn chặn sự leo thang.

Wiesbaden cũng tương tự như vậy. Không giống như những trung tâm trước đây được giữ bí mật trong nhiều thập kỷ, vai trò của Wiesbaden được tiết lộ ngay cả khi cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc, khiến nó trở thành tâm điểm chú ý.

Việc tiết lộ thông tin vào thời điểm có những cuộc tranh luận về sự hỗ trợ của phương Tây và chính quyền Mỹ đang thay đổi quan điểm, cũng khiến người ta phải suy nghĩ về mục đích của ông Zaluzhnyi. Liệu đây có phải là một tín hiệu gửi đến Nga, một lời kêu gọi tiếp tục viện trợ, hay là một nỗ lực để củng cố di sản của mình như một nhà lãnh đạo thời chiến?

Dù mục đích là gì, những tiết lộ của ông Zaluzhnyi chỉ lột tả được một phần của cuộc chiến phức tạp. Wiesbaden, với tầm quan trọng chiến lược của nó, có thể chỉ là một mảnh ghép trong một bức tranh lớn hơn - một mạng lưới các căn cứ, cố vấn và hệ thống trải dài khắp châu Âu và xa hơn nữa.

Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ tư và vẫn chưa thấy hồi kết, người ta cũng đặt câu hỏi liệu còn bao nhiêu “vũ khí bí mật” khác đang âm thầm định hình chiến sự?

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgarian Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-lo-vu-khi-bi-mat-giup-ukraine-chong-lai-nga-post1190775.vov