Hệ lụy khi tự ý bổ sung vi chất sai cách cho trẻ
Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho con là nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh, nhưng bổ sung không đúng cách có thể gây hệ lụy khôn lường.
Thực trạng “thừa đa chất, thiếu vi chất”
Được ví như “nạn đói tiềm ẩn” bởi diễn biến âm thầm và không có triệu chứng, thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và là một trong ba gánh nặng về dinh dưỡng Việt Nam đang phải đối mặt. Theo điều tra, tình trạng thiếu vi chất gặp phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành, đặc biệt với trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm.
Song song với thiếu vi chất, trẻ em và học sinh Việt Nam còn phải đối mặt với gánh nặng “kép” về dinh dưỡng là thừa cân, béo phì. Với mong muốn bổ sung đầy đủ chất cho cơ thể, phụ huynh Việt thường nhồi nhét lượng lớn thực phẩm trong khẩu phần ăn cho con trẻ và nghĩ chỉ cần ăn no là nghiễm nhiên cơ thể đã đủ chất. Tuy nhiên, việc ăn uống không theo khoa học, chỉ quan tâm đến việc ăn ngon, ăn no hơn là ăn đủ chất dinh dưỡng đã khiến nhiều trẻ em không những thiếu vi chất mà còn thừa cân, béo phì. Từ đó dẫn đến thực trạng “thừa đa chất, thiếu vi chất” diễn ra ngày càng phổ biến hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, vấn đề thừa cân nhưng thiếu vi chất của trẻ chất xuất phát từ chế độ ăn giàu đạm, đường, mỡ bởi trong khẩu phần ăn trên các thành phần dinh dưỡng thiết yếu khác lại không được cung cấp đủ. Điển hình là thiếu nguyên tố vi lượng, vốn không sinh năng lượng nhưng rất cần cho các chuyển hóa của cơ thể như vitamin và khoáng chất.
Nhìn vào mâm cơm người Việt có thể thấy hầu hết các món ăn thường tập trung nhiều đến đa chất (tinh bột, chất đạm, chất béo), trong khi lại bỏ qua hầu hết 27 vi chất thiết yếu (13 vitamin và 14 khoáng chất) cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng phải được bổ sung bằng nguồn thực phẩm đa dạng nhưng nhiều gia đình ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về dinh dưỡng, ăn nhiều thịt và mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả khiến cho tình trạng thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng diễn ra ngày một nhiều. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sự gia tăng nhanh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua.
Bổ sung vi chất đúng cách
Tại Việt Nam, cùng với tình trạng thừa cân, béo phì, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em vẫn còn cao. Trước tình trạng đó, nhiều phụ huynh có chung áp lực muốn con tăng cân, tăng chiều cao nhanh đã tùy tiện bổ sung vi chất cho trẻ mà không cho đi khám. Phần lớn các phụ huynh thường mua các loại thuốc bổ ngoại nhập theo quảng cáo trên mạng rồi truyền tai nhau về cho con uống mà không biết trẻ thiếu gì, thừa gì để bổ sung cho chính xác. Điển hình như canxi, vitamin D, sắt là những vi chất thường được phụ huynh lựa chọn với mong muốn uống vào con sẽ ăn ngon miệng hơn, cân nặng và chiều cao sẽ được cải thiện.
Nhưng việc tự ý bổ sung các loại vi chất cho trẻ không đúng lại có thể gây nên tình trạng thừa vi chất, thậm chí ngộ độc, gây hại cho sức khỏe. Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trôi nổi, không được nghiên cứu, không dựa trên khuyến cáo dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi… dẫn đến hàm lượng không đáp ứng đủ hoặc vượt quá khuyến nghị. Khi dùng trong thời gian dài, có thể dẫn đến những biến chứng quá liều, hoặc gây rối loạn quá trình trao đổi chất. Chẳng hạn như các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D nếu cho trẻ sử dụng quá liều hoàn toàn có thể gây ngộ độc. Hay thừa canxi gây ra lắng cặn, sỏi ở thận, ở các mô cơ quan, thậm chí là các vấn đề về xơ cứng các thành mạch máu…
Vì vậy, nếu phụ huynh nghi ngờ con có nguy cơ thiếu hụt và có nhu cầu bổ sung thêm vi chất dạng chế phẩm cho con, cần có sự tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng, không nên tự bổ sung theo cảm tính. Đồng thời, phụ huynh cần hiểu đúng về dinh dưỡng, từ đó xây dựng cho trẻ bữa ăn phù hợp theo từng độ tuổi của trẻ, đặc biệt cần chú ý bổ sung đồng đều cả chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng.
Trong thực phẩm ăn hàng ngày có chứa cả chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Nếu như các chất dinh dưỡng vi lượng là những chất cần thiết và cần khẩu phần ít hơn thì các chất dinh dưỡng đa lượng là những chất cần thiết với khẩu phần lớn để phát triển khỏe mạnh. Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng là rất quan trọng để hỗ trợ các chức năng của cơ thể và ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Có thể thấy, sau đại dịch COVID-19, các bậc cha mẹ đã dần tập trung quan tâm đến sức khỏe con trẻ nhiều hơn bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh và tìm kiếm chế độ dinh dưỡng toàn diện. Tuy nhiên, nếu quan tâm không đúng cách, thiếu kiến thức, không những khó dứt điểm “nạn đói tiềm ẩn” mà còn có thể gây hệ lụy khôn lường tới sức khỏe con trẻ.
Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Ngày Vi chất dinh dưỡng 1 - 2/6, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em từ ngày 1/6. Đây là 1 trong 2 đợt Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em được tổ chức hằng năm trên quy mô toàn quốc, trong đó bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao; Bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi tại 32 tỉnh, thành phố còn lại; Kết hợp thực hiện tẩy giun cho trẻ em từ 24 tháng đến 59 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố khó khăn.