Hè này đến Lai Châu trekking xuyên rừng, ăn phở nhắng thái tay

Lai Châu được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hoang sơ và khí hậu mát mẻ. Hè này, du khách có thể trekking các đỉnh núi cao, khám phá hang động và thăm các bản làng cộng đồng.

Cách Hà Nội 380 km, sức hút của Lai Châu đến từ khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, biển mây bồng bềnh và những cánh đồng lúa bát ngát. Ngoài thưởng cảnh, du khách đến đây còn có dịp thưởng thức tinh túy ẩm thực núi rừng và hòa mình vào cuộc sống của các dân tộc Thái, Giáy, Mông, Dao…

Lai Châu mang khí hậu và văn hóa Tây Bắc đặc trưng. Tháng 1-3, các loài hoa như đào, ban bung nở rực rỡ. Tháng 4-5 bước vào mùa nước đổ, các con thác rầm rì cả ngày lẫn đêm. Tháng 6-8, Lai Châu xuất hiện mưa rào, du khách cần soạn hành lý và sắp xếp lịch trình phù hợp. Tháng 9-10 là lúc đồng lúa chín rộ, nhuộm màu vàng tươi cho bức ảnh của du khách.

Znews gợi ý những điểm đến, trải nghiệm đáng thử khi đến Lai Châu vào mùa hè năm nay.

Tham quan đèo Ô Quy Hồ

Ô Quy Hồ là một trong tứ đại đỉnh đèo ở vùng Tây Bắc, nổi bật với cung đường ngoằn ngoèo trên quốc lộ 4D, chiều dài gần 50 km. Năm 2015, đèo được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Nằm ở độ cao 2.350 m, khí hậu đèo được phân định rõ nét tại khu vực Cổng Trời. Mùa đông, phía huyện Tam Đường ấm áp và phía giáp Sa Pa gió lạnh, cả ngày sương mù bao phủ. Ngược lại, phía giáp Sa Pa mát mẻ và phía huyện Tam Đường khô hanh vào mùa hè. Để lên đỉnh đèo, du khách có thể đặt vé cáp treo tại nhà ga Fansipan (Sa Pa), sau đó di chuyển từ đỉnh Fansipan đến Trạm Tôn, đi thêm 4-5 km dọc theo quốc lộ 4D là đến nơi.

Đừng từ Cổng Trời hoặc cây cô đơn, du khách có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đèo Ô Quy Hồ, ngắm trời đất bao la, núi rừng trùng điệp và hít thở bầu không khí trong lành.

Đèo Ô Quy Hồ sở hữu cung đường uốn lượn trên quốc lộ 4D. Ảnh: Phan Bá Lộc, Lạc.

Đèo Ô Quy Hồ sở hữu cung đường uốn lượn trên quốc lộ 4D. Ảnh: Phan Bá Lộc, Lạc.

Chinh phục các đỉnh núi cao

▸ Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quang San) nằm giữa 2 xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) và Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai) với độ cao 3.046 m. Xét về cấp độ, ngọn núi này đứng thứ 3 trong danh sách những ngọn núi khó chinh phục ở Việt Nam.

Chặng đường trekking Bạch Mộc Lương Tử tương đối dài, địa hình hiểm trở do có nhiều vách đá và sống núi. Di chuyển từ chân núi lên đỉnh, du khách sẽ băng qua nhiều con suối và rừng rậm nguyên sinh. Khi đến đỉnh, hiện ra trước mắt là khung cảnh núi non bạt ngàn, bầu trời xanh biếc và biển mây đặc quánh, vờn quanh chóp núi.

Để đảm bảo sức khỏe, đa số du khách chọn lịch trình trekking 3 ngày 2 đêm. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, du khách nên đặt tour từ các đơn vị uy tín để porter (người hướng dẫn) hỗ trợ vận chuyển hành lý và dẫn đường lên núi.

Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi hấp dẫn các du khách yêu thích cảm giác chinh phục. Ảnh: Nguyễn Duy, Hoàng Gia.

Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi hấp dẫn các du khách yêu thích cảm giác chinh phục. Ảnh: Nguyễn Duy, Hoàng Gia.

▸ Pu Ta Leng

Núi Pu Ta Leng (huyện Tam Đường) sở hữu độ cao 3.049 m, thu hút du khách đến trekking bởi rừng nguyên sinh đẹp, vườn thảo quả tự nhiên được người dân vun trồng và rừng hoa đỗ quyên bừng sắc mỗi mùa xuân về.

Chinh phục Pu Ta Leng, du khách được trải qua cảm giác vượt suối đá, băng rừng rêu, đi xuyên những vòm trúc mọc không hàng lối hay chìm trong sương mù của dãy Hoàng Liên Sơn. Lên đến đỉnh núi, cảm giác mệt mỏi dần tan biến theo những áng mây trắng phau, đỉnh núi phủ cây xanh mướt và bầu không khí trong lành, sạch bụi.

Với độ khó ở cấp độ 3, chặng đường trekking tương đối thách thức, đòi hỏi sức khỏe ổn định và kinh nghiệm leo núi dày dặn. Lần đầu chinh phục, du khách nên tham gia tour trekking để đảm bảo an toàn.

Núi Pu Ta Leng thu hút du khách đến trekking bởi khung cảnh đẹp, thảm thực vật phong phú. Ảnh: La Mộc, Ma Trần Mỹ Hạnh.

Núi Pu Ta Leng thu hút du khách đến trekking bởi khung cảnh đẹp, thảm thực vật phong phú. Ảnh: La Mộc, Ma Trần Mỹ Hạnh.

Thăm bản du lịch Sin Suối Hồ

Bản Sin Suối Hồ nằm dưới chân núi Sơn Bạc Mây, thuộc địa phận huyện Phong Thổ, cách TP Lai Châu khoảng 30 km. Năm 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, thu hút du khách nhờ không gian thông thoáng, cách làm du lịch mới mẻ. Trong bản có đủ homestay và các dịch vụ, du khách có thể thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh hoặc đăng ký hướng dẫn viên người Mông để tìm hiểu tường tận về phong tục và kiến trúc nhà trình tường của bản.

Trên rẻo cao, bản Sin Suối Hồ còn được tô điểm bằng những thửa ruộng bậc thang đặc trưng. Đến đây, du khách có dịp ngắm mặt trời khuất dần sau những ngọn núi, cảm nhận vẻ đẹp riêng biệt của vùng sơn cước hoang vu.

Trong bản còn có các chợ phiên nhỏ, bán đặc sản núi rừng và đồ thổ cẩm dệt thủ công. Ngoài ra, du khách có thể nhâm nhi cà phê tại quán Sha Coffee, tận hưởng nhịp sống chậm rãi hoặc tìm những góc chụp ảnh ấn tượng.

Thăm làng du lịch cộng động là cách tìm hiểu cặn kẽ văn hóa địa phương. Ảnh: Thảo Nguyên, Diệu Nhi.

Thăm làng du lịch cộng động là cách tìm hiểu cặn kẽ văn hóa địa phương. Ảnh: Thảo Nguyên, Diệu Nhi.

Khám phá quần thể hang động Pu Sam Cap

Pu Sam Cap là quần thể hang động nổi tiếng của Lai Châu với 3 hang động chính là Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh, cùng 7 hang động nhỏ. Nơi đây chứa đựng vẻ đẹp huyền bí, đủ sức hấp dẫn những du khách mê khám phá thiên nhiên.

Di chuyển theo bậc đá từ chân núi, điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Pu Sam Cap là hang động Thiên Môn. Đứng trong lòng hang, du khách như bước vào thế giới của những tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên tạo dựng. Các cột thạch nhũ đa dạng hình thù, tủa từ trần hang xuống và đâm thẳng từ dưới lòng đất lên.

Tiếp đến là động Thiên Đường, nơi được ví như bồng lai tiên cảnh. Đến gần cửa hang, du khách sẽ bắt gặp khối nhũ đá hình sư tử với dáng ngồi oai vệ. Trong lòng hang còn có một hồ nước trong vắt, giữa hồ là cột tháp ngọc được tạo thành từ nhũ đá. Trên vách hang là nhũ đá xếp thành từng tầng, nhìn như những thửa ruộng bậc thang.

Cùng với động Thiên Môn, Thiên Đường còn có động Thủy Tinh. Tuy nhiên, hang động này vẫn chưa được khai thác do địa hình hiểm trở.

Với hệ thống hang động hùng vĩ, Pu Sam Cap được mệnh danh là Tây Bắc đệ nhất động. Ảnh: Nguyễn Xuân Lộc.

Với hệ thống hang động hùng vĩ, Pu Sam Cap được mệnh danh là Tây Bắc đệ nhất động. Ảnh: Nguyễn Xuân Lộc.

Thưởng thức ẩm thực tại chợ đêm San Thàng

Chợ đêm San Thàng tọa lạc tại xã San Thàng (TP Lai Châu), thường họp vào tối thứ 7 mỗi tuần, thời điểm nhộn nhịp nhất là 20-22h. Ngoài các nông sản, vật phẩm địa phương, phiên chợ còn tập trung nhiều gian hàng ẩm thực, bày bán các món ăn đặc sản của Lai Châu do chính tay các hộ dân tộc chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên.

▸ Xôi tím nương

Điểm khác biệt của xôi tím Lai Châu là nấu bằng gạo nếp nương trồng trên các thửa ruộng bậc thang, chọn lọc những hạt mẩy, đều và to để xôi khi chín tỏa hương thơm và đạt độ dẻo ưng ý. Màu tím của xôi được tạo ra từ cây khẩu cắm - loại cây rừng đặc trưng chỉ có tại Lai Châu. Khi nấu, người đồng bào sẽ trộn thêm dừa nạo, muối, đường và ủ trong gùi để hạt xôi bóng bẩy, giữ được độ nóng.

Xôi tím thường ăn cùng cá nướng, thịt trâu gác bếp hoặc thịt heo nướng, đôi khi kết hợp với rượu cần hay khế chua. Ngoài ra, du khách có thể chấm với muối vừng để cân bằng vị mặn và ngọt.

 Xôi tím Lai Châu có mùi thơm và độ dẻo riêng biệt. Ảnh: Ẩm thực Tây Bắc.

Xôi tím Lai Châu có mùi thơm và độ dẻo riêng biệt. Ảnh: Ẩm thực Tây Bắc.

▸ Phở nhắng

Trước mỗi phiên chợ, các gia đình dân tộc Giáy đều nuôi lợn đen thả rông và tự mổ lấy thịt để đảm bảo hương vị riêng cho phở nhắng. Bánh phở được tráng tay và thái sợi tại chỗ, nước phở cũng được ninh từ xương lợn cùng nhiều loại gia vị Tây Bắc trên bếp củi. Tương ớt chấm cũng làm thủ công từ ớt sừng xay nhuyễn, ngâm 3 tháng trong lọ nên mang vị cay nồng khó cưỡng.

Trong tiết trời se lạnh, thưởng thức sợi phở mềm, nước dùng ngọt thanh quyện cùng vị cay của ớt, vị thơm của rau húng và vị ngai ngái của rau ngót khiến du khách không thể dừng đũa.

▸ Lam nhọ

Lam nhọ là món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái, được làm từ thịt trâu hoặc bò thái theo thớ mỏng, trộn cùng mắc khén, ớt, tỏi, gừng, cà rừng, rau bí và bí non. Sau thời gian tẩm ướp, thịt và rau củ được cho vào ống tre và nướng chín đều. Khi các thớ thịt săn lại, người đồng bào dùng đũa dằm tơi thịt, nướng lần cuối cho chín nhừ.

Lam nhọ khi ăn kết dính, thịt mềm nhừ và có vị ngọt đậm. Nếu muốn tăng thêm hương vị, thực khách nên dùng cùng rượu ngô.

 Lam nhọ là món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái, thể hiện tinh túy gia vị Tây Bắc. Ảnh: Ẩm thực Tây Bắc.

Lam nhọ là món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái, thể hiện tinh túy gia vị Tây Bắc. Ảnh: Ẩm thực Tây Bắc.

▸ Bánh dày

Theo quan niệm của người Mông, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời nên khâu chế biến rất kì công. Loại gạo nếp được chọn phải thơm và dẻo, sau đó ngâm gạo trong vòng một ngày và đồ chín kĩ. Tiếp đến cho xôi ra cối để giã tay, đến khi nhuyễn mịn và quyện thành một khối. Cuối cùng là nặn thành từng bánh tròn trên lá, phủ đều một lớp bột đậu.

Bánh dày Lai Châu không có nhân, không nêm nếm gia vị, nhưng khi ăn lại có mùi thơm và vị ngọt tự nhiên của gạo nếp nương. Thực khách có thể kẹp bánh dày cùng thịt nướng hoặc chả tùy theo sở thích.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/he-nay-den-lai-chau-trekking-xuyen-rung-an-pho-nhang-thai-tay-post1481903.html