Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc

Các khoản đầu tư khổng lồ đã giúp Trung Quốc thống trị thị trường năng lượng mặt trời toàn cầu. Tuy nhiên, vị trí này đang phải đối mặt với những thách thức về kinh tế do sản xuất quá mức, chiến tranh thương mại và căng thẳng nội bộ.

Những ngọn đồi được phủ đầy tấm pin mặt trời ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Những ngọn đồi được phủ đầy tấm pin mặt trời ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Trung Quốc củng cố vị thế dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng mặt trời nhờ vào các khoản đầu tư lớn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nước này chiếm 80% sản lượng pin mặt trời toàn cầu vào năm 2023. Theo báo cáo của Wood Mackenzie, tám trong số mười nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là đến từ Trung Quốc, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 45 tỷ euro trong năm ngoái. Điều này thể hiện qua năng lực sản xuất gần gấp đôi so với tổng công suất của tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đi kèm với những hệ quả. Mỹ và Liên minh châu Âu cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh do trợ cấp quá mức và chiến lược "dư thừa công suất" nhằm làm bão hòa thị trường quốc tế. Gần đây, Washington đã tăng gấp đôi thuế hải quan đối với việc nhập khẩu pin mặt trời của Trung Quốc, lên mức 50%. Trong khi đó, EU đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp bất hợp pháp.

Trợ cấp từ chính phủ đóng vai trò quan trọng

Sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn trợ cấp nhà nước, lực lượng lao động dồi dào, và nguồn nguyên liệu giá rẻ. Trong giai đoạn 2011-2022, chính phủ Trung Quốc đã rót hơn 46 tỷ euro để xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời. Lauri Myllyvirta, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, cho rằng các yếu tố này đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc đạt được khả năng cạnh tranh vượt trội về chi phí sản xuất, tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp mạnh mẽ khó có thể sao chép.

Căng thẳng gia tăng với các nước phương Tây

Sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường thế giới khiến các nước phương Tây lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng phương thức sản xuất quá mức để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, hầu hết các tấm pin mặt trời mà Mỹ nhập khẩu là đến từ Đông Nam Á, nơi các công ty Trung Quốc đã xây dựng nhà máy để tránh thuế hải quan của Mỹ.

Tại châu Âu, Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ lượng pin mặt trời nhập khẩu bên ngoài EU. Đối mặt với sự phụ thuộc này, Brussels đang xem xét siết chặt các quy định để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và ngăn chặn sự méo mó của thị trường.

Nợ nần và cuộc chiến giá cả ở thị trường nội địa

Tại Trung Quốc, sự bùng nổ theo cấp số nhân của ngành năng lượng mặt trời đã tạo ra cuộc chạy đua khốc liệt, dẫn đến tình trạng nợ lan rộng của các doanh nghiệp trong ngành này. Đồng thời, cuộc chiến giá giữa các nhà sản xuất lớn ngày càng gay gắt. Theo hiệp hội ngành, số dự án năng lượng mặt trời mới đã giảm hơn 75% trong nửa đầu năm 2024. Mặc dù xuất khẩu đạt mức kỷ lục nhưng doanh thu từ các hoạt động bán hàng này lại giảm, áp lực đè nặng lên giá cả.

David Fishman, nhà phân tích tại Lantau Group, ví tình hình này như “một con rắn tự nuốt đuôi mình”. Ông cho rằng nhiều công ty có thể phải đóng cửa do sự cạnh tranh khốc liệt và thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng do sản xuất quá mức.

Hạ tầng điện quá tải

Song song với đó, cơ sở hạ tầng năng lượng của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc hấp thụ lượng điện năng tái tạo khổng lồ được tạo ra bởi sự mở rộng năng lượng mặt trời và gió. Hệ thống thường xuyên quá tải buộc chính quyền phải tạm dừng đấu nối một số dự án để tránh tình trạng quá tải điện. Trong quý đầu tiên của năm 2024, việc cắt giảm công suất — biện pháp hạn chế sản xuất để ổn định hệ thống — đã tăng 4%, theo Fitch Ratings.

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ sẽ phải sớm ngừng phê duyệt các dự án mới hoặc hạn chế quyền truy cập vào mạng lưới đối với các cơ sở hiện có.

Tìm kiếm thị trường quốc tế mới

Để giảm bớt áp lực lên thị trường nội địa, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Năm 2023, xuất khẩu tấm pin của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng 187%, theo tổ chức tư vấn Ember, mặc dù châu Âu vẫn là khách hàng chính. Chiến lược này có thể giúp Trung Quốc giảm thiểu rủi ro do sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây và tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình.

Các vấn đề chiến lược đối với Trung Quốc

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là liệu vị thế này có bền vững hay không? Nếu Trung Quốc không giải quyết được tình trạng sản xuất dư thừa và điều chỉnh chiến lược phát triển của mình, ngành năng lượng mặt trời có thể trở thành nạn nhân từ chính sự thành công của nó. Kết quả phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng cải cách mô hình kinh tế của Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ sụp đổ của các công ty yếu kém và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/he-qua-tu-su-phat-trien-qua-nong-cua-nang-luong-mat-troi-o-trung-quoc-719418.html