'Hệ sinh thái' Píc-cồ-bôn làng tôi
Rồi thì câu chuyện Píc-cồ-bôn ở làng tôi dần dà đi vào quỹ đạo. Không biết làng khác thế nào, chứ Píc-cồ-bôn ở làng tôi không còn là một môn thể thao mà hình thành cả một 'hệ sinh thái'.
Nguồn: Internet.
Sau cùng thì, ai đánh xe trâu cứ đánh, ai hoạn lợn cứ hoạn, ai xay xát cứ xay,... và ai chơi Píc-cồ-bôn cứ mặc sức chơi - sau cái vụ đón tiếp một câu lạc bộ Píc-cồ-bôn, nghe nói là nổi tiếng lắm trên thành phố về giao lưu, làm nhốn nháo cả làng.
Mọt Sách thế mà đầu tư sân Píc-cồ-bôn thật, từ nguồn vốn vay ưu đãi do Chi hội Nông dân, Chi đoàn hỗ trợ kết nối và nguồn đóng góp của nhóm thanh niên khởi nghiệp. Một cụm 4 sân nằm gọn giữa bốn bên là cây trái của trang trại, chẳng cần mái che, lưới vây chắn gió. Sau những lần livestream, bạn bè của Mọt Sách từ phố huyện tìm về chơi, rồi ngày càng nhiều thành viên các câu lạc bộ ở tận thành phố tìm về trải nghiệm. Các “Píc thủ” có sẵn nước dừa, trái cây để giải khát, nhâm nhi lúc giải lao; lại có thể mang theo cần câu để câu cá khi chờ đến “lốt”. Mọt Sách còn cung cấp luôn cả dịch vụ ăn uống, liên hoan với nguồn thực phẩm “cây nhà lá vườn” lúc nào cũng dồi dào. Nhóm thanh niên cùng chung vốn, góp sức làm trang trại với Mọt Sách, từ dạo có Píc-cồ-bôn cũng nhiều việc hơn, đứa lo tiếp khách, đứa lo bếp núc, đứa làm truyền thông,... Cái Mỡ làng bên, trước đây ỏng ẹo chê Mọt Sách là... mọt sách, thì nay bám riết lấy trang trại không rời, quán xuyến công việc đâu ra đấy. Khỏi nói cũng biết bà Niễng vui thế nào, đi đâu cũng khoe “dâu tương lai nhà tôi đấy, đảm đang đáo để!”.
Anh Dế ở gần nhà Mọt Sách thì san gạt khu vườn tạp làm dịch vụ rửa xe, ngày ít thì vài ba, ngày nhiều lên đến cả chục cái ô tô. Anh Dế nhẩm ra, thu nhập phải gấp mấy lần nghề xay xát, mà chẳng phải chịu bụi bặm hay tiếng ồn gì.
Có cầu thì ắt có cung, nhà anh Cà Cuống ở đầu làng, kinh doanh tạp hóa nhiều vốn, thì nhập thêm nào bóng, nào vợt rồi trang phục, phụ kiện chơi Píc-cồ-bôn... phục vụ các “Píc thủ”. Cứ nghe chị Cà Cuống khoe chồng ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, sức khỏe hơn thì đủ biết việc buôn bán thuận lợi thế nào.
May nhất là cuối cùng thì thằng Huyếnh cháu tôi - “nhà báo” đang tập sự ở Đài truyền thanh xã, trên hành trình miệt mài tìm hiếm cái phóng sự “làm chấn động làng báo cả nước” - như tôi đã kể trong chuyện “Giá không có muỗi” trước đó - đã có một công việc ra hồn. Với khả năng “chém gió” không cần qua đào tạo, Huyếnh nhận làm bình luận viên cho các trận Píc-cồ-bôn “phủi” cả ở sân khu văn hóa - thể thao của làng đến Cụm sân Píc-cồ-bôn Sinh thái ở trang trại nhà Mọt Sách. Dần dà, nó còn nhận làm livestrem các trận đấu, giải đấu, làm highlight phát trên Youtube, Tiktok..., chụp ảnh, quay phim tư liệu. Công việc làm không xuể, nên gần đây Huyếnh còn tuyển chọn và đào tạo thêm được mấy cộng tác viên là thanh thiếu niên của làng cùng tham gia. Nó bảo, đây là giai đoạn “buôn nước bọt, kiếm đô-la để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo lớn”.
Cũng nhờ Píc-cồ-bôn, mà cái xe trâu của tôi được “lên đời”, từ xe trâu “cửu vạn” thành “xe trâu” du lịch. Ấy là do như tôi đã kể nhiều lần, làng tôi là một ngôi làng rất đẹp, có sông, có núi, có đình - đền - chùa, ao cá... nên các “Píc thủ” phương xa đến rất thích thú tham quan, khám phá. Và, còn gì thú vị hơn là ngồi trên chiếc xe trâu sạch sẽ, túc tắc đi dạo trên đê làng, ngắm khung cảnh bình yên mỗi sáng sớm, chiều tà... ru hồn về một thời thơ ấu.
Hôm sơ kết tình hình phát triển phong trào thể dục - thể thao trên xã, bác Trưởng làng phấn khởi, tự hào báo cáo: Làng tôi đã hình thành cả một... “hệ sinh thái” Píc-cồ-bôn!.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/he-sinh-thai-pic-co-bon-lang-toi-33262.htm