Hệ thống quản lý và cấp phát tem phiếu thời bao cấp
Việc cấp phát và quản lý tem phiếu đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành: Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Nội thương, Bộ Lương thực, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chủ quản đương sự, công an, công đoàn, có khi cả Hội Liên hiệp phụ nữ...
Thời bao cấp, những năm 1965-1975 là những năm mở rộng chế độ tem phiếu, cung cấp hàng hóa theo giá bao cấp cho lực lượng vũ trang, cán bộ và nhân dân mà nguyên nhân chủ yếu do cung cầu mất cân đối, trong khi phải giữ giá cả ổn định, phải thực hiện nhiều chính sách đối với nhiều loại đối tượng phục vụ…
Đối với chế độ tem phiếu, bản thân tem phiếu mang chức năng và giá trị của tiền tệ nên việc in, phát hành và quản lý chúng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc như đối với tiền giấy. Ngay việc vận chuyển cũng đòi hỏi nghiêm ngặt giống như vận chuyển tiền.
Việc quản lý và cấp phát tem phiếu trong thời bao cấp là một việc làm vô cùng phức tạp. Nó càng phức tạp vì thời đó hoàn toàn dùng phương pháp tính toán và thống kê thủ công, tốn nhiều giấy mực và nhân lực.
Hệ thống tem phiếu có rất nhiều chủng loại. Mỗi loại lại có nguyên tắc và chế độ cấp phát khác nhau, cho các đối tượng khác nhau. Có loại tem phiếu căn cứ theo mức lương, chức vụ, cấp bậc lao động, có loại căn cứ theo độ tuổi nhân khẩu, có loại chỉ giới hạn cho cán bộ công nhân viên chức và nhân dân thành thị, có loại lại mở rộng cho toàn thể nhân dân... Mà đối tượng hưởng theo mỗi loại tem phiếu đó lại thường xuyên thay đổi theo xu hướng ngày càng tăng lên.
Cụ thể năm 1965, số dân phi nông nghiệp chỉ là 3,105 triệu người và tổng số công nhân viên chức là 971 nghìn người. Nhưng đến năm 1975, số dân phi nông nghiệp đã tăng lên 5,125 triệu người (tăng 64,5%) và công nhân viên chức là 1,753 triệu người (tăng 80%).
Theo quy định, mỗi năm cấp tem phiếu một lần. Nhưng trong năm lại phát sinh những trường hợp sinh, tử, cưới xin, tăng tuổi, bệnh tật,... nên phải cấp phát và điều chỉnh liên tục.
Chính vì sự phức tạp đó, nên việc cấp phát và quản lý tem phiếu đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành: Bộ Tài chính, Bộ Lao động,Bộ Nội thương, Bộ Lương thực, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chủ quản đương sự, công an, công đoàn, có khi cả Hội Liên hiệp phụ nữ...
Từ đó đã hình thành cả một hệ thống những người làm công việc quản lý và cấp phát tem phiếu từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành lên tới trung ương, từ các cơ quan, xí nghiệp, công trường, trường học lên các sở, bộ...
Hàng hóa do Nhà nước cung cấp thông qua mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán trong tổng số chi của gia đình công nhân viên chức chiếm tỷ trọng rất cao, trên dưới 70% trong suốt thời gian chiến tranh và hòa bình xen kẽ (từ 1965 - 1975). Trong phân bố lao động xã hội của các ngành kinh tế, năm 1965, số lao động hoạt động trong ngành Thương nghiệp, cung ứng vật tư chiếm 2,3%, đến năm 1975 tăng lên 3,1%. Về chỉ số phát triển lao động thường xuyên khu vực nhà nước trong lĩnh vực thương nghiệp, lấy năm 1955 là 1, đến năm 1965 bằng 7,4 lần, năm 1971 bằng 7,8 lần, năm 1975 bằng 11,1 lần. Về vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước ở khu vực thương nghiệp và cung ứng vật tư, lấy bình quân năm của giai đoạn khôi phục 1955 - 1957 là 1, đến giai đoạn 1961 - 1965 là 1,89 lần; giai đoạn 1966 - 1971 đạt 3,82 lần; đến giai đoạn 1972 - 1975 đạt 6,38 lần.
Những số liệu trên cho thấy, xét theo tiêu chí nào thì trong giai đoạn 1965 - 1975, lực lượng thương nghiệp quốc doanh đều có sự phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, tổng giá trị hàng hóa do thương nghiệp quốc doanh thu mua trong nước tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả các quãng thời gian hòa bình và chiến tranh luân phiên.
Nhìn theo Chỉ số phát triển, ta thấy rõ hơn sức thu mua phát triển vượt bậc đối với hàng công nghiệp. Đây là cơ sở để thương nghiệp phục vụ, cung ứng tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu thúc đẩy phát triển sản xuất các ngành kinh tế khác.