HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG NÊN ĐƯỢC GIỮ NGUYÊN THEO QUY ĐỊNH, ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, nhiều đại biểu nêu quan điểm: Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động nên được giữ nguyên theo quy định; đảm bảo máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như không phải sửa đổi Luật Cảnh sát cơ động nhiều lần.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 với việc cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự thảo Luật gồm 05 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động (Điều 13). Theo đó, nhiều đại biểu đồng thuận là nên giữ hệ thống tổ chức nhằm đảm bảo máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như không phải sửa đổi Luật Cảnh sát cơ động nhiều lần. Theo dự án Luật, Chính phủ đề nghị 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Phương án 1: Giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức như dự thảo Luật, theo đó, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân.

Phương án 2: Quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng được kế thừa quy định Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013; bổ sung 2 lực lượng khác nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Phương án này cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân.

Đề cập về Thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với Phương án 2 nhằm xác định rõ mô hình tổ chức, các bộ phận cấu thành lực lượng này, làm nổi bật tính đặc thù của Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ. Hơn nữa, đây là luật liên quan đến lực lượng, do đó cần phải có quy định rõ về cơ cấu, tổ chức của Cảnh sát cơ động. Các ý kiến này cũng cho rằng, nên giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điều này để bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Đóng góp vào hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhất trí với quy định của Phương án 1 vì thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân (Điều 17); đồng thời, quy định này cũng tương tự với quy định về hệ thống tổ chức của một số lực lượng khác như lực lượng Cảnh vệ (Điều 16 của Luật Cảnh vệ), lực lượng Cảnh sát biển (Điều 26 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam), lực lượng Bộ đội Biên phòng (Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam).

Đối với Phương án 2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh làm “phình” tổ chức, bộ máy của Cảnh sát cơ động. Trường hợp cần thiết phải quy định về tổ chức, bộ máy trong Luật, đề nghị Chính phủ cần giải trình, đánh giá tác động chi tiết, đầy đủ chặt chẽ và có báo cáo cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thuận chọn phương án 1, Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm: Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động chỉ cần bao gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân. Một số vấn đề trong tổ chức, bộ máy, cơ cấu lực lượng của Cảnh sát cơ động thuộc danh mục Bảo vệ bí mật Nhà nước. Ngoài ra, việc quy định theo như phương án 1 cũng là để bảo đảm tính ổn định, “tuổi thọ” của Luật khi xảy ra biến động về tổ chức, bộ máy, thành lập mới hoặc sát nhập, giải thể một trong các lực lượng Cảnh sát cơ động dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung Luật gây tốn kém, lãng phí thời gian, công sức, kinh phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ rõ, hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động khác với phương án tổ chức lực lượng cụ thể. Vì vậy, cần cân nhắc trong việc lựa chọn phương án, không nên quy định cụ thể về hệ thống tổ chức của lực lượng Cảnh sát cơ động trong dự thảo Luật. Từ trước đến nay, việc quy định cụ thể đối với các lực lượng, kể cả quân đội hay công an đều giao cho Bộ trưởng. Nếu trong dự thảo Luật quy định hệ thống tổ chức lực lượng Cảnh sát cơ động cụ thể như phương án 2 nhưng nếu sau này khi khoa học, kỹ thuật quân sự phát triển với nhiều hình thức khác nhau, không có lực lượng tương ứng thì khó tránh khỏi phải sửa lại luật. Ngoài ra, cũng cần lưu ý khi tính toán các vấn đề đặc thù bảo đảm cho Cảnh sát cơ động song cũng phải bảo đảm bí mật phương án tác chiến, an ninh quốc gia…

Để đảm bảo cho dự án Luật Cảnh sát cơ động đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu tham dự Phiên họp để tổng hợp lại trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 tới./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59525