Hệ thống văn bia ở Cao Bằng - di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc
Cao Bằng là nơi tập hợp và gìn giữ được một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể phong phú về thể loại. Di sản này bao gồm kho tư liệu văn học dân gian từ văn thơ, văn bia, truyền thuyết, thần tích, thần phả, địa chí, địa bạ đến ca dao, tục ngữ, kho tàng thơ ca Sli, Lượn...
Văn bia là hình thức lưu trữ dữ liệu, thư tịch cổ có tính chất và ý nghĩa xưng tụng, tán dương hoặc đó là sự đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng nào đó. Ở Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng, văn bia được xem như là một phương tiện lưu lại những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.
Về nội dung: Văn bia giống như một “bách khoa thư”, bao gồm: lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, văn hóa nghệ thuật, đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần và tâm linh tín ngưỡng của con người Cao Bằng cũng như của các địa phương khác trên cả nước.
Văn bia chỉ ranh giới, hình thế, núi sông, sản vật, phong thổ, khí hậu, vẻ đẹp của quê hương Cao Bằng như: Bia Câu Thủy bi ký xã Hồng Việt (Hòa An), Văn bia núi Kim Pha, phường Sông Bằng (Thành phố)…
Bia chùa Tổng Phườn, xã Nam Quang (Bảo Lâm).
Chỉ địa lý hành chính cùng với địa danh, tên phố phường, làng xã và một số thay đổi qua các thời đại như: Văn bia triều Minh Mạng thứ 5 (1824), Văn bia triều vua Tự Đức thứ 11 (năm 1859), Văn bia triều vua Tự Đức thứ 29 (năm 1876), Văn bia triều vua Thành Thái thứ 5 (năm 1893)…, hiện nay còn được lưu giữ tại chùa Phố Cũ, phường Hợp Giang (Thành phố).
Văn bia chỉ ra địa danh, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử (các đền, chùa, miếu…) với lai lịch, kiến trúc, lịch sử cùng những biến đổi liên quan như: bia miếu Bách Linh, bia miếu Quan Đế tai huyện Quảng Hòa…
Các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong lịch sử, những nhân vật nổi tiếng, những người có công đóng góp xây dựng các công trình phục vụ nhân dân, các phong tục tập quán ở những thời đại khác nhau như: bia miếu Nà An, xã Cao Chương (Trùng Khánh), bia cầu Tả Cảng (Trùng Khánh), bia thổ công Bản Chao, xã An Lạc (Hạ Lang)… Trong đó, bia Tổng Phườn, xã Nam Quang (Bảo Lâm) là một tấm bia đá bốn mặt (hay còn gọi là bia tứ trụ). Đây là bia tứ trụ duy nhất lần đầu tiên phát hiện trên địa bàn tỉnh. Nội dung khắc trên bia là nguồn sử liệu quan trọng, cung cấp những thông tin chính xác và bổ ích về nhân vật lịch sử của địa phương.
Về mặt hình thức: Văn bia được khắc trên những tấm đá, phiến đá, vách đá mang đậm nét thẩm mỹ của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Nội dung khắc trên văn bia viết theo thể văn vần, thơ…
Thông qua những văn bia Ngườm Cải thuộc huyện Hòa An, với nội dung: “Lập tạo bia cho muôn đời sau: Các chức sắc trong Tổng, Lý trưởng, Hương mục, Đoàn trưởng… ở xã Đại Lai, tổng Tình Oa, huyện Thạch Lâm, phủ Hòa An đã có cuộc hội nghị bàn việc xây thành đá và tính toán tiền công thợ trước sau là 120 quan tiền”. Hay bia cầu Bản Um, xã Tam Kim (Nguyên Bình) viết: “… Nay lấy những tên thơm các vị đã quyên góp tiền của để khắc vào bia đá còn mãi muôn đời sau...” có thể thấy, tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia là một lối sống cao đẹp đã trở thành truyền thống ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân các dân tộc Cao Bằng cho đến tận ngày nay.
Ngoài ra, một số văn bia sưu tầm được đều có ý nghĩa giáo dục con người trên cả 4 phương diện: Trí - đức - thể - mĩ. Rất nhiều trong số những phương thức giáo dục đó không phải là những bài học khô khan mà được tuyền trải dưới những hình thức sinh động, nhẹ nhàng, dễ nhớ. Chẳng hạn: Văn bia ca ngợi tình yêu quê hương, lòng biết ơn tới những vị anh hùng, tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng nhau chung sức xây dựng: cầu, đường, nguồn nước và cả lòng biết ơn tới tổ tiên…
Có thể nói, hệ thống văn bia ở Cao Bằng tồn tại đến ngày nay là một di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất này, nó không chỉ có giá trị về các thông tin riêng lẻ, mà là sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Những sự kiện được ghi khắc trên những tấm bia đá tưởng như là những vật “vô tri, vô giác” ấy đã chứa ẩn, lưu dấu quá trình hình thành, phát triển và đổi thay của đất nước và người dân nơi đây. Qua mỗi dòng chữ được khắc trên từng văn bia, chúng ta có thể phần nào cảm nhận về những thời khắc ông cha ta đã sống, lao động... và cũng qua đó tự soi mình để có lối sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn./.