Hẹn gặp Trường Sa

Tạm biệt đất liền bằng 3 hồi còi dài, tàu Trường Sa 571 chính thức rời quân cảng Cam Ranh, bắt đầu hải trình hướng Đông, đưa chúng tôi đi thăm những cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Giữa biển cả bao la, dõi mắt trông theo những con tàu cá của ngư dân giữa trùng khơi, trước mắt tôi như hiện ra những Hải đội Hoàng Sa năm nào. Những chiến binh không quản cái chết, vượt qua bao sóng gió ra biển Đông xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Viết tiếp trang sử của những hùng binh hơn 300 năm trước, những chiến sĩ Hải quân hôm nay ngày đêm kiên cường bám biển để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tạm biệt đất liền bằng 3 hồi còi dài, tàu Trường Sa 571 chính thức rời quân cảng Cam Ranh, bắt đầu hải trình hướng Đông, đưa chúng tôi đi thăm những cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Giữa biển cả bao la, dõi mắt trông theo những con tàu cá của ngư dân giữa trùng khơi, trước mắt tôi như hiện ra những Hải đội Hoàng Sa năm nào. Những chiến binh không quản cái chết, vượt qua bao sóng gió ra biển Đông xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Viết tiếp trang sử của những hùng binh hơn 300 năm trước, những chiến sĩ Hải quân hôm nay ngày đêm kiên cường bám biển để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Dâng hương Tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây.

Dâng hương Tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây.

Sau hải trình gần 30 giờ, đảo Song Tử Tây hiện rõ dần trong tầm mắt. Ai ai cũng háo hức. Khi những thành viên đầu tiên của đoàn vừa đặt chân lên đảo, cũng là lúc cơn mưa rào bất chợt đổ xuống, như tràng vỗ tay hân hoan đón chào những người con đến từ đất liền, báo hiệu tin vui về một hành trình trọn vẹn và bình an.

Như mong đợi. Trời yên, bể lặng. Từ cái háo hức của ngày đầu được đặt chân đến đảo, từng ngày từng ngày trôi qua, hơn 200 thành viên đến từ mọi miền đất nước đã vượt gần 1.200 hải lý, đến thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ, người dân tại các điểm đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, An Bang, Đá Tây C, Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I/16 Phúc Tần.

Những cuộc gặp gỡ, động viên cán bộ chiến sĩ và người dân các đảo của đoàn công tác đã để lại nhiều tình cảm lắng đọng, nghĩa tình. Nhiều phần quà, chương trình giao lưu văn nghệ, thăm nơi ăn ở, chiến đấu trước đầu sóng, ngọn gió. Tại các điểm đảo, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 của những chỉ huy đảo làm nức lòng người đến từ đất liền, bồi đắp thêm lòng khâm phục tự hào, niềm tin thắng lợi.

Đến Trường Sa, nếm vị mặn của biển, bước chân trên cát, nâng niu những viên đá cuội, ngắm những cơn sóng bạc đầu quấn quýt hôn ôm bờ cát, chạm tay vào những bờ gạch cũ, nghe cán bộ, chiến sĩ canh biển đảo và tăng gia sản xuất, được nhìn những vườn rau quả, mới thấu hiểu những vất vả khó khăn nhọc nhằn của quân dân nơi đảo xa. Giữa bốn bề sóng nước và xi-măng cốt thép, màu xanh trở nên phi thường đến lạ...

* * *

Quân và dân trên đảo Song Tử Tây chờ đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo.

Quân và dân trên đảo Song Tử Tây chờ đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo.

Đã không biết bao lần ngược xuôi trên khắp mọi miền đất nước, nhưng chỉ khi tham gia cùng đoàn công tác số 20 ra với quần đảo Trường Sa thân yêu, tôi mới cảm nhận hết được hai chữ thiêng liêng khi nói về Tổ quốc. Bước chân lên các đảo nổi đảo chìm, nắm chặt bàn tay các chiến sĩ, công dân trên đảo, thăm hỏi trò chuyện và chứng kiến những khó khăn, gian khổ của lính đảo, càng cảm nhận sức sống kiên cường của cỏ cây, hoa lá nơi đây mới thấu hiểu và thêm yêu thương trân trọng, cảm phục những cán bộ chiến sĩ Hải quân và người dân đảo.

Đến Vùng biển Len Đao - Gạc Ma - Cô Lin, các thành viên đoàn công tác được tham gia lễ tưởng niệm trên tàu Trường Sa 571 và thả bè hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lễ tưởng niệm là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong cả chuyến hải trình. Nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi nghĩ về những liệt sĩ đã hy sinh giữa biển khơi, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tiếp bước các anh, từ công sức, mồ hôi và cả xương máu đã đổ xuống, biển đảo Trường Sa đã và đang thay da đổi thịt hằng ngày. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành, các địa phương, người Việt Nam trong và nước ngoài, với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, Trường Sa đã có thêm nhiều công trình mới cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên quần đảo đang được đổi thay từng ngày. Trường Sa đã có nguồn năng lượng sạch, được phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại, đảo đã bừng lên sức sống mới. Trường Sa ngày càng gần với đất liền hơn, vươn lên xứng tầm trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển, là thành trì bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Tuy vậy, Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự được bình yên, vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ. Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vẫn phải căng mình âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình để trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên biển, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

* * *

Trong buổi tổng kết chuyến công tác, Đại tá Đỗ Minh - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa”, các đồng chí đã quên đi hết mệt mỏi, mang đến cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo hơi ấm từ đất Mẹ. Động viên và tạo động lực mới cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Qua thực tế chuyến đi thăm và làm việc trên các đảo và nhà giàn DK1/16, chúng ta thấy rõ hiệu quả to lớn và rất thiết thực các phong trào của cả nước giúp đỡ và ủng hộ Trường Sa thời gian qua”.

Những công dân nhỏ tuổi ở Đảo Song Tử Tây.

Những công dân nhỏ tuổi ở Đảo Song Tử Tây.

Hành trình đến với Trường Sa cũng chính là hành trình từ trái tim mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều mong mỏi 1 lần được đến. Như lời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển khơi vạn dặm dang tay giữ/Đất nước muôn năm vững trị bình” Các thế hệ người Việt Nam dù ở đâu cũng đều một lòng chung tay giữ vững biển trời của đất nước.

Giây phút chia tay sao cảm động bồi hồi. Hình ảnh bà con, chiến sĩ trên cầu cảng vẫy tay chào, tiếng còi tàu ngân vang, con tàu rời cảng... Người trên tàu và người trên đảo như chẳng muốn rời nhau. Những cánh tay vẫy chào. Những tiếng hô lớn “Hẹn gặp Trường Sa” cho đến khi tàu rời xa đảo...

ĐỖ HÙNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hen-gap-truong-sa-post296918.html