Hẹn mùa lễ hội năm sau

Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm của huyện Đồng Xuân được tổ chức hàng năm vào đầu xuân nhưng năm nay do dịch bệnh nên phải tạm dừng. Ảnh: THIÊN LÝ

Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, các lễ hội ở Phú Yên cũng bị ngừng tổ chức để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang bùng phát và diễn biến phức tạp.

Thiếu vắng nhiều lễ hội trong những ngày xuân năm nay, nhiều người không khỏi tiếc nuối, song nét đẹp văn hóa thì không bao giờ mất đi. Chọn cách ứng xử với lễ hội trong tình hình khó khăn do dịch bệnh cũng chính là cách để mỗi người dân thể hiện văn hóa, thái độ, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.

Dừng lễ hội để ngăn chặn dịch bệnh

Trước tình hình bệnh dịch do nCoV diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của Thủ tướng. Bên cạnh đó, các lễ hội đã khai mạc cần giảm quy mô và yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Với thông báo này, nhiều lễ hội lớn sau Tết đã sụt giảm lượng khách hoặc không được tổ chức, chờ đến năm sau.

Tại Phú Yên, Lễ hội Đua ngựa Gò Thì Thùng dự kiến diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng tại Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng, xã An Xuân (huyện Tuy An) nhưng sau khi Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 393 của Bộ VH-TT-DL được ban hành, tỉnh đã quyết định dừng ngay lễ hội này.

Tương tự, Lễ hội Sông nước Đà Nông (huyện Đông Hòa) cũng ngừng khai hội. Đây không chỉ là một trong những lễ hội sông nước truyền thống, mà còn là điểm du xuân đầu năm hấp dẫn của tỉnh. Đến với lễ hội này, du khách được xem người dân trong huyện cùng nhau tranh tài với các môn thi đa dạng. Vì vậy, nhiều người dân địa phương và du khách đã bày tỏ cảm giác buồn và tiếc nuối khi lỡ hẹn với lễ hội xuân này.

Ngoài ra, hàng loạt lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh cũng đều dừng tổ chức, chờ đến mùa xuân sau như: Lễ hội Chùa Từ Quang (huyện Tuy An); Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm (huyện Đồng Xuân); Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 40 và các đêm thơ - nhạc cấp huyện; các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể thao, vui chơi, giải trí khác... Các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong việc dừng tổ chức lễ hội cũng như các hoạt động tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh do nCoV.

Ngày xuân vắng hội, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối nhưng lại thấm thía “Thân, tâm mình an vui thì ở đâu cũng là hội”. Chị Đoàn Thị Thảo ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), có thói quen năm nào cũng tham gia Lễ hội Chùa Từ Quang. Đây là một điểm du xuân để chị cùng bạn bè vãn cảnh chùa, thưởng ngoạn nét đẹp văn hóa độc đáo tại lễ hội này trong những ngày đầu năm mới. Lần đầu tiên đành lỗi hẹn với lễ hội này vì dịch bệnh, chị Thảo nói: “Tôi cảm thấy thiếu vắng khi phải từ bỏ thói quen đã ăn vào máu. Nhưng vì sức khỏe của bản thân và mọi người nên việc tham gia Lễ hội Chùa Từ Quang đành gác lại, hẹn xuân sau”.

Cơ hội chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả lễ hội

Việc dừng tất cả lễ hội để chống dịch cũng là cơ hội để ngành Văn hóa rà soát và chấn chỉnh lễ hội lớn nhỏ trên cả nước nói chung và Phú Yên hiện nay nói riêng. Việc đang lưu giữ và duy trì hoạt động của hơn 40 lễ hội các dân tộc với các loại hình: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo..., cho thấy Phú Yên có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc.

Song thực tế cho thấy, trong thời gian qua một số địa phương tổ chức lễ hội còn rườm rà, tốn kém, phô trương hình thức, chưa có sức hấp dẫn thực sự đối với đông đảo người dân. Mặt khác, việc tổ chức lễ hội chưa có sự kết hợp với các hoạt động thương mại - du lịch, chưa tổ chức được các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch hoặc có tổ chức nhưng còn đơn giản, chưa hấp dẫn du khách...

Theo ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL, từ tình hình thực tế hiện nay, để nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đưa hoạt động lễ hội vào nề nếp, đảm bảo việc tham gia lễ hội trở thành nhu cầu cần thiết của người dân, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, cần thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ VH-TT-DL về công tác quản lý, tổ chức lễ hội và các văn bản pháp luật liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền về di tích, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Đồng thời hướng dẫn người dân địa phương và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội. Ban tổ chức lễ hội tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh...

“Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước...”, ông Nhân nói.

Thực hiện Công điện 463/CĐ-BVHTTDL ngày 6/2/2020 của Bộ VH-TT-DL về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh nCoV trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở VH-TT-DL hướng dẫn dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc. Đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch, bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234925/hen-mua-le-hoi-nam-sau.html