Hết lòng với nông dân!

Tôi gặp thầy Xuân vào cuối năm 2019, trong lễ trao giải thưởng 'Sáng tạo trong tầm tay' do Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học - Công nghệ) tổ chức cho lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Khi ấy, tôi là thí sinh dự thi với giải pháp "Máy sấy năng lượng mặt trời sấy nông sản, thực phẩm, dược liệu", còn thầy là 1 trong 5 giám khảo của cuộc thi. Khác với những giám khảo khác, sau buổi lễ trao thưởng, thầy tìm gặp tôi và nói một câu khiến tôi khắc cốt ghi tâm: "Thầy đã tìm ra được giải pháp để giúp nông dân mình làm giàu rồi Hiệp ơi". Mối lương duyên giữa tôi và thầy bắt đầu từ đó.

ThS Hiệp giới thiệu quy trình sấy khô cá diêu hồng với GS Võ Tòng Xuân

ThS Hiệp giới thiệu quy trình sấy khô cá diêu hồng với GS Võ Tòng Xuân

Năm 2020, Diễn đàn Mekong - Lan Thương tổ chức tại TP HCM, thầy Xuân nhắn tôi đi cùng để thầy giới thiệu về giải pháp công nghệ của tôi với khách mời đến từ 5 nước thuộc tiểu vùng Mekong và Trung Quốc.

Thầy khẳng định chưa có giải pháp chế biến nông sản nào rẻ tiền, hiệu quả và thân thiện như giải pháp của tôi nên cần phải giới thiệu, phổ biến rộng rãi không chỉ trong nước mà còn phải lan tỏa ra nước ngoài.

Thầy bảo rằng: "Tôi sẽ viết thư cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ để giới thiệu về giải pháp công nghệ của em. Nhà nước phải vào cuộc hỗ trợ em lan tỏa giải pháp chế biến này đến với nền nông nghiệp nước nhà. Thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ cho em". Và từ đó, thầy với tôi rong ruổi khắp nơi để thực hiện dự án. Các hội thảo trình diễn công nghệ tổ chức tại Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang,…

Ngày tôi trao đổi với thầy về dự án nông nghiệp sạch - tuần hoàn dự định triển khai tại ĐBSCL, thầy vui mừng hồ hởi và kết nối ngay với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, để xin chủ trương chính sách và quỹ đất triển khai.

Những ngày thầy bạo bệnh, qua điện thoại, tôi nghe rõ giọng thầy rất yếu. Thế nhưng khi tôi báo cáo về kết quả khảo sát đất, nước tại địa điểm triển khai khả quan thì thầy hào hứng nói: "Tốt quá, tốt quá Hiệp ơi".

Sáng nay nhận hung tin về thầy, tôi đau xót như vừa mất đi một người thân yêu trong gia đình. Dẫu biết đời người vô thường hữu hạn nhưng thầy ra đi là mất mát của đất nước này, của hàng triệu nông dân Việt chứ không chỉ là mất mát của riêng tôi.

Thầy ơi! Em sẽ cố gắng thực hiện ước mơ dang dở mà thầy đã tin tưởng gửi gắm nơi em. Vĩnh biệt thầy!

ThS Phan Văn Hiệp, giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường ĐH Văn Hiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/het-long-voi-nong-dan-196240819205031448.htm