Hết 'room' cho vay ký quỹ, công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn

Bên cạnh việc có thêm 'room' cho vay để đảm bảo mức trần quy định, hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt tăng vốn cũng giúp các công ty gia tăng nội lực tài chính.

Dư nợ cho vay chứng khoán ký quỹ (margin) tại thời điểm ngày 30/9 đã đạt kỷ lục khi vượt hơn 228.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối quý trước, theo tổng hợp từ FiinTrade dựa trên báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán hàng đầu.

Việc dư nợ cho vay margin tăng mạnh, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu chưa thể “theo kịp”, đã khiến tỷ lệ dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu của nhiều công ty gần chạm mức trần quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hạn mức cho vay margin còn lại của một số công ty chỉ còn khá ít khiến nhóm này tích cực triển khai các kế hoạch nâng vốn chủ sở hữu.

Yêu cầu về gia tăng nguồn nội lực về vốn ngày càng cấp bách trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng tiến sát tới các mục tiêu nâng hạng thị trường, kỳ vọng chính thức được xét duyệt trong 1-2 năm tới.

Liên tục phát hành tăng vốn

Trong danh sách này, đáng chú ý nhất là trường hợp của công ty chứng khoán MB (MBS) và HSC khi hai đơn vị này gần như chạm sát ngưỡng trần quy định về tỷ lệ cho vay margin với đà tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong nhóm các công ty chứng khoán.

Để giải quyết vấn đề này, trong động thái mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo nhận được hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của MBS. Theo đó, công ty này sẽ có 90 ngày để triển khai đợt phát hành riêng lẻ với mục tiêu sẽ hoàn tất đợt phát hành trên trong năm nay.

Cụ thể, MBS đã lên phương án sẽ phát hành 25,73 triệu cổ phiếu với giá bán 23.040 đồng/cổ phiếu cho bốn nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tổng số tiền thu về là gần 593 tỷ đồng. Trong đó, công ty sẽ phân bổ 492 tỷ đồng cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Đáng chú ý, cuối tháng 9/2024, MBS cũng đã phát hành 109,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó thu về 1.082 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 5.470 tỷ đồng.

Cho vay margin là một trong những mảng kinh doanh chính trong cơ cấu doanh thu của MBS, bên cạnh mảng môi giới truyền thống và dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh này đã có dấu hiệu chững lại khi tiệm cận mốc 10.000 tỷ đồng trong ba quý vừa qua khiến trong quý III, lợi nhuận của MBS giảm tới 17% so với quý liền trước, chấm dứt mạch tăng trưởng sáu quý trước đó.

Chia sẻ tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, ông Phan Anh - Tổng giám đốc MBS cho biết, quy mô vốn nhỏ là một trong những khó khăn của công ty trong triển khai hoạt động kinh doanh cũng như phục vụ khách hàng. Cùng với đó là áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đang cực kỳ gay gắt, trong bối cảnh các công ty chứng khoán lớn, nhỏ đều ồ ạt tăng vốn.

Trong khi đó với trường hợp của công ty chứng khoán HSC, quy mô cho vay margin của “ông lớn” này lên tới gần 19.300 tỷ đồng trong quý III vừa qua và là quý tăng trưởng dư nợ thứ bảy liên tiếp kể từ đầu năm 2023.

Con số này đã gần gấp đôi vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng của công ty, chạm sát ngưỡng “báo động” dù công ty này chỉ vừa mới hoàn thành tăng vốn đáng kể từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 vào tháng 6/2024 (chào bán thành công gần 80%) và phát hành ESOP với tỷ lệ 2,27%.

Do vậy, chỉ vài tháng sau đợt tăng vốn đầu tiên, HSC dự kiến tiếp tục chào bán thêm gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo tài liệu đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 4/12.

Trong một buổi đại hội đồng cổ đông trước đây, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc HSC từng chia sẻ tăng vốn là sống còn đối với HSC.

"Chúng tôi thực sự đau khổ trong các năm qua khi không thể nào tăng vốn kịp với cơ hội mở ra trên thị trường. HSC mất rất nhiều khách hàng, có những khách hàng truyền thống đã đi qua công ty chứng khoán khác vì đơn giản họ tăng vốn nhanh hơn", ông Giang nhấn mạnh.

Cũng ghi nhận cơ cấu doanh thu dịch chuyển mạnh với sự vươn lên của mảng cho vay vượt mức 400 tỷ đồng trong khi nguồn thu môi giới giảm 1/3 còn 134 tỷ đồng trong quý III, công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng áp dụng các giải pháp liên quan đến giảm phí giao dịch, tăng thị phần và tạo tiền đề đẩy mạnh mảng tiềm năng là cho vay margin.

Trong quý III/2024, MAS đứng thứ 8 trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HoSE, với 4,51%.

Nhờ cơ sở khách hàng gia tăng kéo theo mức dư nợ cho vay margin của MAS cũng lên tới gần 17.400 tỷ đồng, tiến sát ngưỡng trần theo quy định. Được biết, vốn chủ sở hữu của công ty hiện là 9.386 tỷ đồng, tương ứng room cho vay margin tối đa là 18.770 tỷ đồng.

Trong một chia sẻ gần đây, bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó giám đốc Khối Quản lý tài sản Mirae Asset Việt Nam cho biết, trong ngắn hạn, công ty sẽ tối ưu hóa nguồn vốn sẵn có. Về dài hạn, công ty luôn sẵn sàng có những kế hoạch tăng vốn cần thiết.

“Việc tăng vốn là không quá khó đối với Mirae Asset, đặc biệt khi có sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc. Cần nhấn mạnh, Mirae Asset hiện là thành viên có quy mô lớn nhất của tập đoàn tại Việt Nam”, bà Yến khẳng định.

Sự cấp thiết gia tăng nguồn lực

Bên cạnh việc có thêm “room” cho vay để giải quyết nhu cầu cấp bách giúp đảm bảo quy định về mức trần của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc các công ty dự kiến thu về hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt chào bán cũng giúp phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ, tự doanh, môi giới và các mảng kinh doanh khác.

Điều này càng được các công ty chứng khoán, đặc biệt những công ty đã và tiệm cận ngưỡng tối đa nguồn lực, đẩy mạnh các giải pháp tăng vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam ngày càng tiến sát tới giai đoạn nâng hạn lên thị trường mới nổi.

Nhìn chung, nếu chỉ phục vụ hoạt động cho vay margin, các công ty chứng khoán chưa quá áp lực về vốn ở thời điểm này. Tuy nhiên, để phục vụ cho tiến trình nâng hạng thị trường với cơ chế cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể không cần ký quỹ 100% trước giao dịch đòi hỏi các đơn vị này có nguồn lực về vốn lớn, đủ đảm bảo vai trò hỗ trợ thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, đa phần các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở các thành viên thị trường dần sẵn sàng với các phương án tài chính, Morgan Stanley cho rằng trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác.

Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới đến năm 2030.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/het-room-margin-cong-ty-chung-khoan-don-dap-tang-von-d38035.html