Hết thời rầm rộ khuyến mại 'vừa bán vừa cho'
Thời điểm này các năm trước, nhiều mặt hàng khuyến mại giảm giá sâu, có những mặt hàng giảm giá lên đến 70% thì năm nay tình trạng này không còn xuất hiện nhiều. Có người cho rằng đây là dấu hiệu của giá cả leo thang, tuy nhiên theo chuyên gia thì đây là hiệu quả của việc áp dụng Nghị định 128/2024/NĐ-CP về khuyến mại.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Tại một số trung tâm thương mại và các đại lý bán hàng tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội đa phần các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng cuối năm chỉ giảm giá chỉ ở mức 30-40% thay vì tình trạng 70-80% như các năm trước. Có những cửa hàng chỉ tặng kèm đồ chứ không áp dụng giảm giá.
Được biết, Nghị định 128/2024/NĐ-CP về khuyến mại có hiệu lực từ ngày 1/12/2024. Khoản 1 Điều 1 của Nghị định 128/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm các trường hợp không bị áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại, mở rộng so với Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Trước đây, Điều 6 của Nghị định 81 chỉ quy định các trường hợp cụ thể như: Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền; Cung cấp hàng mẫu, dịch vụ mẫu miễn phí; Các chương trình khuyến mại mang tính may rủi, khách hàng thường xuyên, hoặc có phiếu dự thi để nhận giải.
Nghị định 128 bổ sung thêm rằng các hình thức khuyến mại khác, nếu được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận, cũng sẽ không bị giới hạn mức tối đa. Đặc biệt, các hoạt động khuyến mại thông qua internet, công nghệ thông tin (quy định tại Điều 15 của Nghị định 81) cũng thuộc nhóm này.
Theo khoản 5 Điều 8 của Nghị định 81, các chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan nhà nước chủ trì chỉ được tổ chức trong khoảng thời gian cố định (theo giờ, ngày, tuần, hoặc tháng). Tuy nhiên, quy định này đã hạn chế tính linh hoạt và hiệu quả kinh tế tại các trung tâm, cửa hàng chuyên tiêu thụ hàng tồn kho, hàng lỗi mốt...
Để khắc phục, Nghị định 128 đã bỏ quy định giới hạn thời gian, cho phép các chương trình khuyến mại tập trung diễn ra linh hoạt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng.
Nghị định 128 đã giảm bớt yêu cầu thông báo khuyến mại với cơ quan nhà nước cho một số hình thức phổ biến như: Cung cấp hàng mẫu miễn phí; Tổ chức chương trình giảm giá hoặc phát hành phiếu mua hàng, sử dụng dịch vụ; Các chương trình khách hàng thường xuyên.
Điều này giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng hành chính, đồng thời thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại.
Nghị định mới đã sửa đổi các quy định liên quan đến công bố trao thưởng. Cụ thể, thời hạn vẫn là 45 ngày kể từ khi kết thúc chương trình, nhưng nay bổ sung ngoại lệ trong các trường hợp bất khả kháng. Một số chương trình không cần thực hiện báo cáo, ví dụ chương trình giảm giá hoặc tặng hàng hóa miễn phí.
Đáng chú ý, với các giải thưởng không có người nhận, thời hạn nộp 50% giá trị giải thưởng vào ngân sách nhà nước được kéo dài từ 15 ngày (Nghị định 81) lên 45 ngày. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị tài chính.
“Nghị định 128/2024/NĐ-CP không chỉ giúp thúc đẩy tiêu dùng và ổn định thị trường mà còn hướng đến môi trường cạnh tranh công bằng. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi và xây dựng chiến lược phù hợp với bối cảnh mới, thay vì phụ thuộc vào các chiêu trò gây nhiễu loạn thị trường”- Luật sư Cấn Hà Sơn, giám đốc công ty Luật Asia nhận định.
Sau nửa tháng nghị định được áp dụng, đi vào cuộc sống đã và đang phát huy vai trò. Tình trạng "thổi giá" rồi khuyến mại, tình trạng loạn giá dịp cuối năm đang thưa dần tại các trung tâm thương mại và các cửa hàng.
Hết thời loạn giá?
Theo nhà nghiên cứu phát triển thị trường thương mại điện tử và chuỗi cung ứng, Tiến sĩ Lê Hải Lý, việc áp dụng Nghị định 128 đã tác động trực tiếp đến cách doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược khuyến mại, đặc biệt với các "ông chủ" từng lợi dụng chính sách để thao túng giá cả.
Trước đây, một số doanh nghiệp nâng giá sản phẩm cao hơn giá trị thực để thực hiện khuyến mại giảm giá sâu, tạo ảo giác "hời" cho người tiêu dùng. Quy định mới, đặc biệt việc bỏ giới hạn giảm giá trong các trường hợp cụ thể, làm giảm tính hiệu quả của hành vi này vì các doanh nghiệp sẽ khó duy trì mức giá ảo khi các đối thủ cạnh tranh linh hoạt hơn trong giảm giá thực chất.
Việc yêu cầu lưu trữ và báo cáo chi tiết các chương trình khuyến mại giúp hạn chế tình trạng quảng cáo sai lệch hoặc lạm dụng khuyến mại để trục lợi. Các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện gian lận. Những công ty thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, chỉ dựa vào "thổi giá" hoặc giảm giá sốc, sẽ gặp khó khăn khi không còn cạnh tranh được với các đơn vị áp dụng khuyến mại hiệu quả hơn, minh bạch hơn
Có thể thấy những thay đổi trong Nghị định 128 không chỉ nâng cao tính minh bạch, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mại hiệu quả và thuận tiện hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/het-thoi-ram-ro-khuyen-mai-vua-ban-vua-cho-10296569.html