Hi vọng cho người đàn ông viêm cột sống dính khớp 40 năm
Một người đàn ông sau 40 năm phải sống trong cảnh tật nguyền, chịu sự đau đớn và tự ti về hình thể, nay đã từng bước hồi phục lại các vận động, dần dần được đứng thẳng như người bình thường. Đây là trường hợp của bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp lâu năm mà BVĐK Nông nghiệp vừa điều trị thành công.
Trong suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Khang (58 tuổi - Thanh Hóa) không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày. Từ năm 20 tuổi ông bị bệnh viêm cột sống, co cứng khớp háng và tiến triển nặng dần không đi lại được. Gia đình đã đưa ông đi chữa trị tại nhiều nơi nhưng tình trạng không đỡ.
Ông Khang chia sẻ: "Nhiều lúc tôi buồn, chán, chán nản cuộc đời, buông xuôi cuộc sống. Nghĩ không bao giờ có cuộc sống trở lại nữa. Lúc đó tôi buồn lắm".
Do cột sống bị biến dạng, đi lại rất khó khăn, ông thường xuyên bị ngã dẫn đến chấn thương. Đến lần thứ 3 bị gãy tay, ông được đưa đến BVĐK Nông nghiệp. Khi nhìn thấy tình trạng của ông, các bác sĩ đã rất thương cảm.
PGS. TS. TTND Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã trực tiếp hội chẩn với các chuyên gia để tìm ra phương hướng phẫu thuật, cải thiện phần nào dáng đi cho người bệnh, giúp ông có thể dần dần tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày.
"Ca này là ca khó nhất mà bệnh viện đã từng triển khai. Phải nói là quá kỳ công, quá trường kỳ và cực kỳ phức tạp ở từng công đoạn.Chúng tôi đã họp, quyết tâm, phối kết hợp cả một tập thể với nhau, từ khoa phẫu thuật, khoa gây mê, chấn thương, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, dinh dưỡng, tham gia để hỗ trợ người bệnh tốt nhất. Hằng ngày chứ không phải hằng tuần, tổ công tác chuyên môn gần như là bám sát người bệnh, hỗ trợ và hội chẩn, đưa ra hướng tốt nhất. Tất nhiên là không có cái gì theo một công thức cả. Đối với bệnh nhân này, chúng tôi thay đổi hằng ngày" - PGS Hà Hữu Tùng chia sẻ.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm mãn tính của hệ thống, thường dễ nhầm lẫn với bệnh khác ở giai đoạn đầu, sau đó tiến triển dần gây dính các đốt sống, khớp háng, dẫn đến tàn phế. Ca bệnh này rất phức tạp vì bệnh nhân bị dính từ cột sống cổ trở xuống, tư thế đã biến dạng hoàn toàn trong một thời gian rất dài, việc phẫu thuật đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa.
Bác sĩ CKII Lê Việt - Trưởng khoa Ngoại chấn thương cho biết: "Riêng khớp háng chúng tôi chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn đầu thay một khớp trước, sau đó đánh giá xem mức độ phục hồi như thế nào, liệu khớp thứ 2 có tốt không, sau 2 tuần mới thay khớp thứ 2. Rất nhiều khó khăn trong quá trình mổ. Khớp cứng ở tư thế khép và gấp nên rất khó khăn trong việc kê đúng tư thế để mổ. Và thứ hai là quá trình quá lâu ngày thì phần báo khớp và phần mềm bị co rút, bệnh nhân trong quá trình hàng ngày không vận động nhiều thì cũng bị loãng xương".
"Bệnh nhân bị dính từ cột sống cổ xuống cho nên tư thế bị gù nên không nằm được. Nằm phải kê 3 cái gối. Cột sống cổ bị biến dạng nên tư thế để đưa đèn nội khí quản vào để tìm 2 dây thanh âm rất là khó. Nên chúng tôi đưa ra chiến lược ngay từ đầu là không đặt đèn nội khí quản thông thường mà đặt ống nội soi mềm." - ThS. Bác sĩ Dương Anh Khoa, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức chia sẻ về quá trình gây mê trước khi phẫu thuật.
Dự trù trong cuộc mổ có thể có diễn biến bất thường nên các bác sĩ đã dự trì 1 lít máu và 4 đơn vị plasma để truyền cho người bệnh.
Việc phục hồi chức năng sau mổ cho người bệnh cũng phải được tính toán từng bài tập phù hợp để tiến tới người bệnh có thể độc lập trong sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ Nguyễn Minh Châu - Khoa Phục hồi chức năng cho biết: "Chúng tôi cho bệnh nhân tập mạnh sức cơ, đánh thức các nhóm cơ đã ngủ quên lâu ngày, tập vận động các khớp, đặc biệt là 2 khớp háng và điều chỉnh tư thế, dáng đi. Ngoài ra các khớp ức sườn, sườn sống gây giảm dung tích lồng ngực thì chúng tôi cũng phải áp dụng các bài tập thở để làm tăng dung tích lồng ngực, đẻ bệnh nhân thở tốt hơn."
Sau 2 tháng với sự nỗ lực của các y bác sĩ và ý chí tập luyện của mình, ông Khang đã có thể tự kiểm soát ngồi dậy trên giường, tự di chuyển độc lập trên giường, và dần dần tập đứng độc lập, tiến tới có thể tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày.
"Sau phẫu thuật, tôi vỡ òa khi cuộc mổ đã thành công. Ai cũng mừng khi thấy tôi thay đổi từng ngày. Tôi đã vận động được, ngồi lên ngồi xuống được, nhấc chân lên được, co duỗi được, tự ngồi dậy vận động. Tương lai sẽ đi lại được bình thường như thưở ban đầu. Bất cứ giá nào tôi cũng cố gắng. Ước mơ của tôi là có thể đi lại bình thường, và được đi trên những con đường ở quê như ngày xưa. Cảm ơn các bác sĩ, y sĩ trong bệnh viện đã giúp đỡ cho tôi trong quá trình điều trị." - ông Khang xúc động chia sẻ.
Trà My
Đài PTTH Hà Nội