Hịch non sông còn vang vọng đến hôm nay
Cách đây 79 năm, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước ta, kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân. Thế nhưng nền độc lập tự do ấy lại bị đe dọa bởi những kẻ thù ngoại bang cấu kết với các phần tử phản động trong nước.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tiếp có những hành động khiêu khích, công khai mưu đồ xâm lược, thiết lập lại nền cai trị thuộc địa đối với nước ta. Tháng 11/1946, chúng ngang nhiên đưa lực lượng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường, chiếm một số trụ sở của Chính phủ cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.
Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: Phát động toàn quốc kháng chiến.
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã tác động đến sâu thẳm lòng yêu nước và ý chí quật cường, trở thành biểu tượng lớn của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả non sông gấm vóc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Sức mạnh chính trị, tinh thần tỏa ra từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đón nhận như một luồng sinh khí mới, nội lực mới và tăng lên gấp bội. Sau khi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được phát đi, toàn quân và dân Thủ đô đã bùng lên khí thế “Hà Nội quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đã gan góc chiến đấu anh dũng, những “cảm tử quân” ôm “bom ba càng” lao vào phá xe tăng địch, chặn bước tiến của quân thù. Những hình ảnh “có một không hai” đó đã thực sự giữ vững niềm tin cho Nhân dân Thủ đô và cả nước chống giặc.
Tỉnh Bắc Kạn hồi ấy đã trở thành căn cứ địa cách mạng, trụ sở của nhiều cơ quan Đảng, Chính phủ và quân đội. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị "Toàn quốc kháng chiến" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh Bắc Kạn đã nhanh chóng triển khai nhiều công việc chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, tiếp tục xây dựng hậu phương căn cứ địa.
Thông qua các cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, Đảng bộ lãnh đạo đồng bào các dân tộc đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm của tỉnh, đóng góp phần mình cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Liên tiếp trong 2 năm 1946 và 1947, lúa mùa bội thu đã tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân.
Để xây dựng lực lượng quân sự, Đảng bộ và chính quyền lãnh đạo củng cố và xây dựng mới lực lượng dân quân tự vệ.
Để phá thế bao vây, cô lập của kẻ thù, quân và dân Bắc Kạn đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh địch. Nhân dân không chỉ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội mà còn góp hàng chục vạn ngày công phá đường, dựng chướng ngại vật ngăn cản bước tiến của địch. Kết quả, đến trung tuần tháng 10/1947, toàn bộ mạng lưới giao thông đã bị phá nát, cản trở việc di chuyển bằng các phương tiện cơ giới của địch.
Tại Chợ Mới, ngày 09/10/1947 quân địch kéo ra cướp phá kho tàng, xí nghiệp của ta ở khu vực xã Yên Đĩnh (nay là thị trấn Đồng Tâm). Bộ đội và du kích lập tức chặn đánh, buộc chúng phải rút. Trong các ngày 12 và 13/10/1947, bộ đội và du kích tổ chức phục kích tại nhiều vị trí hiểm yếu trên quốc lộ số 3.
Đêm 30/11/1947, bộ đội chủ lực phối hợp với trung đội du kích tập trung thị xã Bắc Kạn tiến đánh đồn Phủ Thông, tiêu diệt khoảng 50 tên, thu vũ khí.
Đã 78 năm trôi qua nhưng lời kêu gọi bất hủ có giá trị lịch sử sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định bài học lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/hich-non-song-con-vang-vong-den-hom-nay-post68163.html