Hiếm gặp: Người đàn ông mệt nhoài vì nôn suốt 2 năm

Ông Tá, 59 tuổi, đau bụng, nôn ói hai năm nay, gần đây tăng nặng, bác sĩ phát hiện nang ruột đôi bẩm sinh và xuất huyết trong nang. Nang ruột đôi bẩm sinh do bất thường xảy ra trong quá trình phát triển phôi thai.

Trước đó, ông Cấn Văn Tá, ngụ Đăk Lăk, được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết hang vị dạ dày, uống thuốc không bớt. Tần suất nôn ói dày lên, xuất hiện bất chợt, có khi ói cả đêm, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám vào đầu tháng 1.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy ông Tá có nang to cạnh tá tràng, kích thước 5×10 cm, chèn ép gây hẹp lòng tá tràng và xuất huyết trong nang.

BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết người bệnh có nang ruột đôi bẩm sinh do bất thường xảy ra trong quá trình phát triển phôi thai. Bệnh có thể gặp ở mọi vị trí của đường tiêu hóa, từ hầu họng cho đến hậu môn. Đây là nguyên nhân làm cho thức ăn không thể xuống ruột, khiến bệnh nhân nôn ói suốt thời gian qua.

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Nhật Trường, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết nang đôi tá tràng thường được phát hiện qua siêu âm, cách điều trị duy nhất là phẫu thuật nội soi cắt bỏ đoạn ruột tổn thương. Trường hợp ông Tá đã lớn tuổi, xuất hiện triệu chứng muộn nên quá trình chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn.

Nếu không được phẫu thuật điều trị bệnh dứt điểm, bệnh nhân có thể nôn ói kéo dài, gây mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng. Nguy cơ cao biến chứng như xoắn ruột, thủng nang gây viêm phúc mạc, xuất huyết trong nang, nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Tá được phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ nang cạnh tá tràng, đồng thời nối vị tràng, tái lập lưu thông dạ dày. Sau ba ngày, ông ăn được cháo loãng, uống sữa, sức khỏe ổn định, không còn đau bụng hay nôn ói và xuất viện sau đó 10 ngày.

Theo bác sĩ Bích điều khó khăn của ca bệnh này là quá trình nhận định tổn thương, bên cạnh chụp CT, X-quang, siêu âm bụng, còn phải phối hợp với ê kíp nội soi tiêu hóa để có thể chẩn đoán bệnh chính xác. Nhờ đó, mới có phương pháp điều trị phù hợp.

"Thêm nữa, đây là ca mổ phức tạp, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và lên phương án, cân nhắc kỹ lưỡng. Sau khi mổ, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát sao, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra”, bác sĩ Ngọc Bích cho biết.

Ông Tá (phải) đang được con trai chăm sóc. Ảnh: BVCC

Ông Tá (phải) đang được con trai chăm sóc. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Trường cho biết, nang ruột đôi là tổn thương ở hệ tiêu hóa ít gặp, tần suất 1/4.500, thường xảy ra nhất là ở hồi tràng, hỗng tràng, đại tràng, dạ dày và tá tràng.

Trong đó, tỷ lệ nang ruột đôi ở tá tràng khoảng 5-7%. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Triệu chứng phổ biến là đau bụng do nang tiết dịch và không có đường thoát gây căng to hoặc do viêm nang.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người khi có dấu hiệu bất thường tiêu hóa cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Những bệnh ít gặp như nang đôi ruột chỉ chẩn đoán được khi làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/hiem-gap-nguoi-dan-ong-met-nhoai-vi-non-suot-2-nam-d8764.html