Hiểm họa khi chữa bệnh bằng phương pháp dân gian

Không ít trường hợp gặp biến chứng do chữa bệnh bằng phương pháp dân gian. Các cơ sở chữa bệnh 'chui' tự quảng cáo, giới thiệu chữa được bách bệnh bằng các phương pháp 'thần kỳ' như chích lể, nặn máu độc… được người dân truyền tai nhau ngày càng nhiều.

Nguy kịch do tự chữa bệnh

Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận nam bệnh nhi 10 tuổi bị nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng, ngộ độc thuốc do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể. Mặc dù khi vào viện, các bác sĩ đã nỗ lực nhưng bệnh nhi này đã tử vong.

Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận không ít trẻ gặp biến chứng do cha mẹ tự điều trị cho con bằng phương pháp dân gian. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận không ít trẻ gặp biến chứng do cha mẹ tự điều trị cho con bằng phương pháp dân gian. Ảnh: BVCC.

Tại Phú Thọ, một bệnh nhân nam 66 tuổi bị đột quỵ, gia đình bôi nước gừng, chọc các đầu ngón tay và tai nặn máu dẫn đến nguy kịch. Trường hợp khác là người đàn ông 60 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chẩn đoán đột quỵ do nhồi máu não. Ông được người nhà xử trí sai cách sau khởi phát triệu chứng, bằng cách chích lể máu ở đầu ngón tay chân, gây nhiễm trùng tại vị trí chích máu và kéo dài thời gian đưa đi cấp cứu.

Bệnh viện E cũng từng tiếp nhận nam bệnh nhân (17 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng vết thương chảy mủ, sưng nề, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cơ co cứng, khó vận động ở cẳng tay và bàn tay. Nguyên nhân, do người bệnh sử dụng các biện pháp dân gian “chữa” vào vết thương.

Trước đó, người bệnh bị thương do mảnh kính vỡ rơi vào tay nhưng thay vì đến bệnh viện, người nhà lại áp dụng các phương thức dân gian: nhai, đắp lá cây không rõ nguồn gốc hoặc bôi mật gấu, rượu ngâm… Tuy nhiên, sau khi sử dụng các phương pháp dân gian trên, vết thương không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ

Không chỉ được cho là chữa bách bệnh, nguy hiểm hơn, các bài thuốc dân gian còn được truyền miệng và chia sẻ trên mạng xã hội và hội nhóm tự chữa bệnh, rằng có thể chữa được những bệnh nan y. Điều đó khiến không ít bệnh nhân nặng bỏ qua “giai đoạn vàng” để khám, chữa bệnh. Từ đó, khiến bệnh tình đã nặng lại càng trở nên nguy cấp hơn.

Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) từng tiếp nhận một trường hợp bị kích ứng sau khi uống nước củ ráy. Bệnh nhân T.L. 61 tuổi, trú tại Phú Thọ có tiền sử bị ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật và đang uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Bà được mách uống nước củ ráy tốt cho người ung thư, nên làm thử (thái mỏng củ ráy, đun sôi lấy nước uống). Khoảng một tiếng sau khi uống nước củ ráy, bà bắt đầu có biểu hiện khó thở, đau miệng và cuống họng, tức ngực, mệt mỏi… Sau đó, bà được đưa đi viện cấp cứu trong tình trạng đau vùng miệng, họng, khó nuốt, khó phát âm, cảm giác khó thở, niêm mạc miệng, họng phù nề đỏ, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Nguyên nhân do trong củ ráy có chứa tinh thể canxi oxalat, chất này gây ra tình trạng kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi…

Không chỉ nghe người nhà, bạn bè mách các phương pháp chữa bệnh bằng mẹo, nhiều phụ huynh khi con ốm đã tự điều trị cho con theo cách của các “bác sĩ trên mạng” mà không đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị. Vào các diễn đàn dành cho cha mẹ, không khó để tìm thấy những bài chia sẻ về mẹo dân gian chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ như: Bôi mật ong chữa tưa lưỡi, nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ chữa viêm kết mạc, bôi chanh và lòng trắng trứng để chữa vặn mình ở trẻ sơ sinh, nhỏ nước tỏi vào mũi để trị ngạt mũi...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những phương pháp dân gian này chỉ mang tính chất tham khảo. Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy, những mẹo dân gian mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh cho trẻ. Khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe, điều đầu tiên gia đình cần làm là đưa con tới bệnh viện, phòng khám nhi khoa.

Theo ThS.BS Nguyễn Phú Tiến - khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện E), việc xử lý vết thương tại nhà bằng phương pháp dân gian không kiểm chứng khoa học có thể khiến tổn thương diễn biến nặng và trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là trong trường hợp tổn thương gân, mạch máu, thần kinh bị bỏ sót, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.

Trong khi đó, PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, biện pháp chữa bệnh cho trẻ bằng cách dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu.., để chữa bệnh cho trẻ là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên làm những điều này.

Việc thực hiện phương pháp như vậy vừa không hiệu quả, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Đồng thời, việc làm này làm trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện và mất đi “thời gian vàng” để cứu sống trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chưa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cha mẹ không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phương pháp điều trị bệnh phản khoa học khiến con gặp nhiều biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hiem-hoa-khi-chua-benh-bang-phuong-phap-dan-gian-10299807.html