Hiểm họa ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam
Ngày nay, vi nhựa có ở khắp nơi, từ đỉnh Fansipan đến trầm tích của dòng sông Cửu Long; từ hạt muối đến cá, tôm, sò, vẹm...
Điều này khiến chúng ta tự hỏi, vi nhựa đã xâm nhập vào đời sống bằng cách nào?
Những dòng sông vi nhựa
Thống kê cho thấy, trên toàn cầu, cứ mỗi giây lại có khoảng 160.000 túi nhựa được làm ra, với mỗi phút lại có gần một triệu chai nhựa được bán và lượng chất thải nhựa tương đương sức chứa của hai xe tải được đổ vào đại dương… Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có từ 2,8 - 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được sinh ra.
Dẫu là chất thải nhựa hay vi nhựa - nhựa ở dạng mảnh, sợi hay hạt với kích thước không quá 5mm chúng đều có một đích đến: Đại dương. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích thước đã khiến vi nhựa trở nên nguy hiểm và khó đoán định. Chúng ra đến biển bằng cách nào? Chúng ảnh hưởng như thế nào đến môi trường? Chúng có tác động gì đến sức khỏe?
Giống như các loại ô nhiễm khác, con đường gây ô nhiễm của chất thải nhựa và vi nhựa là một chuỗi hành trình bắt nguồn từ việc sử dụng và xả thải của con người. Khi đó, chúng thường ra sông ra suối, theo dòng chảy qua các vùng đô thị tới vùng duyên hải ven bờ rồi đổ ra biển, đi vào trầm tích hoặc trôi nổi theo các dòng hải lưu.
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với 2.360 con sông dài hơn 10 km, trải dài từ Bắc tới Nam và 112 cửa sông, vô hình trung đã tạo ra các “đường cao tốc” thuận lợi cho việc vận chuyển vi nhựa.
Khi thực hiện dự án COMPOSE từ năm 2019 - 2021, TS Emilie Strady và các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã tìm thấy, cứ 1m3 nước sông Tô Lịch có chứa tới 2.522 hạt vi nhựa (cao nhất trong số các con sông được khảo sát ở cả 3 miền, ví dụ sông Hàn với 3,9 hạt/m3)...
Những hiểu biết mới mà các nhà khoa học đem lại đã cho chúng ta một bức tranh chi tiết hơn về vi nhựa. Dù tồn tại ở đâu, không khí hay đất liền, nước mặt hay trầm tích, sông ngòi, hồ ao hay biển cả, chúng cũng gồm 2 loại: Dạng sơ cấp (primary microplastics) và dạng thứ cấp (secondary microplastics).
Với dạng sơ cấp, chúng được sản xuất làm nguyên liệu cho các sản phẩm thương mại như kem đánh răng, sữa rửa mặt, vải vóc, chất tẩy rửa, sơn tường… Ở dạng thứ cấp, chúng được hình thành từ quá trình xuống cấp, phân rã và phong hóa của các sản phẩm nhựa lớn như chai nước, túi, hộp, ô dù, thiết bị điện tử, ngư cụ...
Quá trình phong hóa và phân hủy theo thời gian của chất thải nhựa thành vi nhựa, thậm chí là nano nhựa, phức tạp không kém quá trình vận chuyển chúng. Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường xung quanh như bức xạ Mặt trời, nhiệt độ, sóng, mưa, gió…
Vi nhựa tồn tại vài trăm năm
Vấn đề phức tạp nhất của nhựa và vi nhựa là chúng tồn tại hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn. Sự bền bỉ - một trong những phẩm chất “tự hào” nhất của nhựa, giờ lại là “lời nguyền” của nó. Bởi điều đó có nghĩa là nhựa sẽ ở lại trong môi trường của chúng ta tới vài trăm năm, thậm chí lâu hơn.
Tại sao thời gian bán rã của chất thải nhựa và vi nhựa lại dài như vậy? Không phải chúng đều là sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên là cây cao su ư? Ồ, không phải như vậy.
Mủ cây cao su là nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cao su tự nhiên, nhưng cao su tự nhiên lại chỉ là 1 dạng polymer có nguồn gốc tự nhiên trong rất nhiều loại polymer tổng hợp từ dầu mỏ hiện nay.
Rác thải nhựa nhìn thấy bằng mắt còn thấy tác hại, vi nhựa thì sao? Chúng có khả năng gây hại cho hệ sinh thái và con người hay không? Và nếu có thì ở mức độ nào? Quá khó để các nhà khoa học, dù quốc tế hay Việt Nam đưa ra được ngay kết luận. Tất cả còn quá mới mẻ và với phần còn lại của câu hỏi này, nói thì dễ hơn là làm. Đó là một quá trình mà mọi thứ mới vừa rời vạch xuất phát.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng vi nhựa quá nhỏ để gây ra điều gì đó với hệ sinh thái nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng hơn về tác động của vi nhựa. Các nhà khoa học đã sử dụng thuật ngữ “plasticsphere” (nhựa quyển) để chỉ các hệ sinh thái đã tiến hóa để sống trong môi trường nhựa do con người tạo ra, đặc biệt là hệ sinh thái biển và các sinh vật đáy.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đang mò mẫm tìm đường bởi các nghiên cứu về vi nhựa rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Vì vậy, chủ yếu các nghiên cứu về vi nhựa mới chỉ dừng lại ở việc xác định hình thái, kích thước, phân bố ban đầu… của vi nhựa trong tự nhiên chứ chưa có những nghiên cứu sâu về cơ chế hấp phụ độc chất hay tác động của vi nhựa lên hệ sinh thái.
Khảo sát của các nhà khoa học tại Huế, Nam Định, Bình Định và Thanh Hóa trên vẹm xanh, loài trai hai mảnh vỏ cho thấy, các loài này có chứa vi nhựa dạng sợi và mật độ của nó vào khoảng từ 1 - 1,7 hay 2,6 gam ướt.
Đặc biệt, cuối năm 2022, dư luận cũng xôn xao khi một nghiên cứu công bố các mẫu muối được khảo sát cũng chứa vi nhựa. Muối ăn hay các loài thủy sinh tích tụ vi nhựa có thể truyền vi nhựa cho người thông qua chuỗi thức ăn. Nhưng sau đó thì sao?
Hiện đã có một số ý tưởng mà các nhà khoa học quốc tế đang theo đuổi: Các bệnh do phơi nhiễm vi nhựa có thể liên quan đến nhiều nhân tố, bao gồm việc hấp phụ mầm bệnh/độc chất và polymer/phụ gia; độc chất hữu cơ/vô cơ trong sản phẩm nhựa có thể chiếm nhiều % trong tổng trọng lượng nhựa; đặc tính hình thái của vi nhựa (hình dạng, kết cấu, kích thước) có thể ảnh hưởng kết khả năng nhiễm độc sinh thái như kiểm soát sự vận chuyển trong mô, cản trở đường tiêu hóa, hoặc kích thích/tổn thương các mô, dẫn đến những bất thường hoặc gia tăng sự nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm.
Câu hỏi về ảnh hưởng của phơi nhiễm vi nhựa vẫn đang thường trực trong đầu các nhà khoa học và họ mong muốn một ngày nào đó có thể trả lời được nó.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hiem-hoa-o-nhiem-vi-nhua-o-viet-nam-post646812.html