Hiểm họa rình rập khi phơi hải sản trên đường giao thông
Mỗi năm, đến mùa cá cơm, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lại bị người dân tận dụng làm sân phơi các loại hải sản. Việc làm này đang gây cản trở giao thông của các phương tiện qua lại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hằng năm thường được ngư dân vùng biển Hà Tĩnh xem là thời gian cao điểm đánh bắt nhiều loại hải sản, trong đó có cá cơm. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều tàu thuyền tại đây thường xuyên bắt gặp các luồng cá cơm trắng với sản lượng lớn. Không chỉ buổi sáng mà buổi chiều, khu vực biển các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) luôn tấp nập tàu thuyền cập bờ vào mua bán loại hải sản này. Ngư dân ở đây cho biết, loại cá cơm trắng thường sống ở tầng nổi, cách bờ hơn 10km đi theo từng đàn và ngư dân dùng lưới mắt nhỏ để đánh bắt. Chỉ cần gặp luồng cá, mỗi tàu thuyền cũng bội thu mà không cần mất nhiều công sức đánh bắt như nhiều loại cá khác.
Hiện nay, cá cơm được bán lẻ với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, nhiều tàu có công suất nhỏ cũng có thể đánh bắt được từ 1-2 tạ. Cá cơm ngoài chế biến thức ăn còn được người dân làng nghề nước mắm truyền thống của các xã: Thạch Kim, Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà); Cương Gián, Xuân Yên... (huyện Nghi Xuân) mua về làm nước mắm. Nhưng phần lớn người dân thường đưa cá về phơi để dự trữ hoặc bán với giá thành cao hơn.
Cũng chính vì lý do này nên tranh thủ những ngày nắng ráo, ngư dân thường trải lưới để phơi cá. Tuy nhiên, nhiều người dân bất chấp an toàn giao thông, phơi cá trên những tuyến huyện lộ, đường giao thông liên xã gây cản trở giao thông cho các phương tiện qua lại. Tình trạng biến mặt đường giao thông thành “sân phơi” cá đã diễn ra tràn lan và tái diễn nhiều năm ở nhiều xã ven biển Hà Tĩnh nhưng vẫn chưa có hình thức xử lý triệt để.
Điển hình, tuyến đường ven biển nối xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) đi xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) vừa thông tuyến đầu năm 2020, được đánh giá là một trong những tuyến đường đẹp ở Hà Tĩnh, giúp người dân rút ngắn khoảng cách và thuận lợi cho việc phát triển giao thương với các địa phương trong tỉnh. Sau khi đưa vào sử dụng, lưu lượng người và phương tiện tại tuyến đường này khá đông đúc.
Tuy nhiên, tận dụng con đường đẹp, bề mặt rộng rãi, các hộ dân sinh sống hai bên đường đã giăng lưới trải hai bên mặt đường để phơi hải sản. Nhiều phương tiện đi qua khu vực này gặp nhiều bất tiện do thường xuyên phải tránh những tấm lưới phơi hải sản của người dân.
Những tấm lưới đã chiếm trọn một làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ, buộc các phương tiện phải đi lấn sang các làn đường khác.
Ngoài ra, người dân còn dùng gạch, đá, gậy gộc để làm vật cản và giữ các tấm lưới tránh bị gió thổi bay. Việc làm này không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, mà còn nguy hiểm cho chính người dân đứng phơi hải sản ngay trên đường.
Chị Nguyễn Thị Yến (31 tuổi, ở xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân) bức xúc nói: “Chỉ mấy ngày trước, trên đường về quê, tôi đi xe máy suýt ngã do đè phải một hòn đá giữ lưới của người dân. Trên xe lúc này có con nhỏ mới 5 tuổi, cũng may đè phải đá nhỏ nên 2 mẹ con chỉ bị loạng choạng. Dù vậy, việc phơi cá trên đường đã thu hẹp làn đường của các phương tiện, khiến chúng tôi mỗi lần qua đây rất bất an”.
Cũng theo chị Yến, gặp lúc trời nắng, người dân ùa ra đường để phơi cá không để ý các phương tiện qua lại. Nhiều người còn băng qua đường khiến các phương tiện khác bị bất ngờ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Trong khi nhiều phương tiện qua lại lo lắng, bất tiện khi gặp phải tình trạng này thì nhiều người dân tỏ ra vô tư, xem việc phơi cá trên đường là điều bình thường. Khi được hỏi vì sao sử dụng lòng, lề đường làm sân phơi thì nhiều người dân biện lý do không có chỗ phơi, chỗ phơi hẹp, sợ trời mưa phơi không kịp khô...
“Sân nhà nhỏ thì phơi ngoài đường chứ biết phơi đâu. Nếu trời nắng to thì chỉ cần một nắng là cá đã ngon, còn trời mát, ít nắng phải mất đến 3 lần mới ưng ý được. Nếu không tận dụng để phơi thì chẳng lẽ để hải sản hư mốc nằm trong nhà. Chúng tôi cũng chỉ phơi bên vệ đường, có phơi giữa đường đâu mà ảnh hưởng giao thông, với lại đã có tai nạn gì đâu?”, bà Nguyễn Thị H, xã Cương Gián chống chế.
Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù chính quyền địa phương đã trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các hộ không phơi nông sản trên các tuyến đường bộ, nhưng nhiều hộ dân vẫn cố tình phớt lờ.
Từ thực trạng trên, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã cần tăng cường kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Mặt khác, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tránh để tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, cho biết: “Việc người dân lấn chiếm lòng đường, đặt các vật cản để phơi hải sản là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại. Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương có văn bản, cử cán bộ tới từng thôn tuyên truyền cho người dân biết. Tuy nhiên, tình trạng này không được giải quyết triệt để, vì người dân cho rằng, chỉ có mấy ngày mùa, họ tranh thủ mang hải sản ra phơi nên rất khó cho việc quản lý, xử phạt”.