Hiểm họa từ dầu ăn 'bẩn'

Dầu ăn - thứ tưởng chừng an toàn và quen thuộc trong mỗi gian bếp - lại đang trở thành mối nguy hại tiềm ẩn khi nhiều sản phẩm dầu 'bẩn', kém chất lượng vẫn ngang nhiên lưu hành trên thị trường.

Vụ việc liên quan đến dầu ăn Ofood mới đây không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan chức năng và hệ thống phân phối trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tràn lan dầu ăn giá rẻ trên mạng

Hiện nay, trên thị trường có hàng chục loại dầu ăn, trong đó nhiều loại dầu có màu vàng sậm, giá rẻ, bán trôi nổi cho quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, nơi sản xuất thực phẩm ăn nhanh hoặc quán bánh rán vỉa hè. Không khó để bắt gặp những loại dầu này được đóng trong những can nhựa màu trắng đục, màu sắc nhờ nhờ rao bán trên chợ mạng hay chợ dân sinh.

Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra số hàng bị tạm giữ tại Công ty TNHH Famimoto Việt Nam.

Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra số hàng bị tạm giữ tại Công ty TNHH Famimoto Việt Nam.

Chỉ cần vài cú nhấp chuột trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt quảng cáo bán dầu ăn “giá rẻ bất ngờ”, chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với giá thị trường. Tuy nhiên, ẩn sau những chai dầu rẻ tiền ấy là mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe, và cả lỗ hổng lớn trong việc quản lý chất lượng thực phẩm trên môi trường mạng.

Cách đây vài năm dư luận đã xôn xao về hiện tượng thu gom dầu ăn đã qua sử dụng (dầu qua chiên rán) từ khách sạn, nhà hàng, về chế biến lại và đóng chai đưa ra thị trường với giá chỉ rẻ bằng một nửa dầu ăn của những thương hiệu nổi tiếng. Sự việc chỉ lắng xuống một thời gian khi báo chí lên tiếng và cơ quan chức năng kiểm tra, sau đó vẫn âm ỉ diễn ra.

Trên shopee, một gian hàng bán dầu ăn giá siêu rẻ, chỉ 180.000 đồng cho 1 can 4,5 lít, đồng thời quảng cáo được tinh luyện từ các loại dầu thực vật cao cấp như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hướng dương. Màu sắc vàng tươi tự nhiên, không chất bảo quản, không cholesterol, an toàn cho sức khỏe, giàu Vitamin A, E giúp tăng cường sức đề kháng và làm đẹp da, thích hợp cho nhiều cách chế biến: chiên, xào, nấu, trộn salad…

Trên mạng xã hội, các hội nhóm mua bán dầu ăn giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn hoạt động sôi nổi. Một facebooker rao bán một can dầu ăn 25l chỉ với giá hơn 800 nghìn đồng, nghĩa là chỉ vào khoảng hơn 30 nghìn đồng một lít. Đồng thời không quên khẳng định chất lượng được nhiều người tin dùng, sử dụng cho bếp, cơ quan, nhà hàng, trường học. Nếu khách mua sỉ sẽ có giá ưu đãi hơn và free ship quanh khu vực TP. Hồ Chí Minh. Còn một facebooker khác lại quảng cáo cung cấp dầu ăn sạch, nguyên chất - ép từ lạc/đậu nành/mè (tùy loại), hoàn toàn không chất bảo quản, không pha tạp, đảm bảo: Giàu dưỡng chất tự nhiên (Omega 3, 6, 9 - Vitamin E); Tốt cho tim mạch, người ăn kiêng, người lớn tuổi; Không tạo khói, không khét, không bọt khi chiên xào; hương thơm dịu nhẹ, món ăn tròn vị. Đặc biệt giá cả rất phải chăng.

Không chỉ rao bán dầu ăn giá rẻ, nhiều thành viên còn thu mua các loại dầu ăn, mỡ động vật… đã qua sử dụng, giá cạnh tranh. Tại các chợ dân sinh, không khó để tìm mua được những can dầu ăn không tên tuổi, giá rẻ gần nửa so với các loại dầu ăn có thương hiệu. Một chủ cửa hàng tạp hóa tại một chợ lớn cho biết, loại dầu này thường dùng cho các nhà hàng, quán ăn, nhưng đều là hàng công ty, chứ không phải là hàng trôi nổi. Quả thật, dạo quanh một vòng các hàng quán ăn ở Hà Nội, đặc biệt là các quán vỉa hè, hàng xiên bẩn, không khó để bắt gặp những can dầu ăn vàng sậm, không nhãn mác được người bán hàng vô tư sử dụng.

Chị Minh Nguyệt (Hà Nội) cho hay, gia đình chị nhiều năm không sử dụng dầu ăn, bởi theo chị, để ép được 1 lít dầu ăn bằng lạc hay đậu nành… thì tiền nguyên liệu phải mất cả trăm nghìn, thậm chí vài trăm. Thế nhưng không hiểu sao thị trường dầu ăn lại khá rẻ, chỉ 30-40 nghìn đồng đã có 1 lít dầu ăn được khẳng định là 100% nguyên chất.

Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành

Thị trường dầu ăn thật, giả đang “vàng thau lẫn lộn”. Theo quy định, các loại mỡ, dầu công nghiệp (dạng axit béo, dầu thô chưa tinh luyện) được nhập về với mục đích làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản... Những sản phẩm này thường chứa tạp chất, dư lượng kim loại nặng và không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm dành cho con người.

Tuy nhiên, một số cơ sở thu mua dầu công nghiệp với giá rẻ từ nước ngoài, sau đó tinh lọc sơ sài hoặc tái chế thủ công, pha trộn hương liệu, rồi đóng gói dưới dạng “dầu ăn thực phẩm” để bán ra thị trường.

Mới đây Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá đường dây buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả với quy mô lớn, bắt giữ ba nghi phạm, thu giữ hơn 1.000 tấn dầu. Cầm đầu là các đối tượng Đỗ Thị Ngọc Mai (42 tuổi, ở An Giang), Nguyễn Trọng Năng (51 tuổi, ở Hà Nội) và Đặng Thị Phương (38 tuổi, ở Hưng Yên).

Để che giấu hành vi của mình, nhóm chủ mưu sử dụng đường ống ngầm bơm dầu từ bồn chứa nguyên liệu dành cho vật nuôi sang bồn chứa dầu dùng cho người. Sau đó, công bố sản phẩm là dầu ăn bổ sung vitamin A, nhưng kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy không hề có thành phần này.

Để hợp thức hóa quy trình, nhóm đối tượng này đã lập ra các công ty bình phong dưới danh nghĩa sản xuất dầu ăn cho người. Thông qua các công ty này, nhóm đối tượng đưa hàng hóa là dầu ăn cho gia súc vào các công ty sản xuất thực phẩm.

Theo đó, Đỗ Thị Ngọc Mai đã thành lập 7 công ty gồm các công ty nhập khẩu dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi, công ty nhập khẩu dầu thực vật dùng làm thực phẩm, công ty sản xuất dầu thực phẩm đóng chai để nhập khẩu, phân phối hàng hóa trong nước và đưa ra nước ngoài. Trong đó, Công ty TNHH thương mại Xuất nhập khẩu An Hưng Phước do Mai đứng tên, các công ty còn lại do Mai nhờ người thân trong gia đình, người quen đứng tên.

Do dầu thực vật dùng để chế biến thực phẩm phải chịu thuế VAT 8%, dầu thực vật dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không phải chịu thuế, Mai sử dụng danh nghĩa các công ty trên nhập khẩu dầu thực vật dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi về tiêu thụ, bán cho nhiều công ty trên khắp cả nước dùng làm nguyên liệu đóng chai dầu thực phẩm bán cho người tiêu dùng.

Giống như Mai, Năng muốn trốn thuế VAT 8% để thu được lợi nhuận cao khi bán hàng và có giá cả cạnh tranh với thị trường, Năng đã nhập khẩu dầu thực vật dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi về tiêu thụ, bán hàng nghìn tấn dầu cho nhiều công ty trên khắp cả nước dùng làm nguyên liệu đóng chai dầu thực phẩm bẩn cho người tiêu dùng.

Đặng Thị Phương là Giám đốc, điều hành Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food chuyên sản xuất, kinh doanh dầu thực vật đóng chai gắn nhãn hiệu Ofood. Do muốn thu được lợi nhuận cao trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Phương thành lập một công ty vệ tinh chuyên nhập khẩu mua dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi, rồi dùng số dầu này để sản xuất dầu thực vật. Ngoài ra Phương còn mua dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi của Mai và Năng để sản xuất dầu thực phẩm gắn nhãn hiệu Ofood bán ra thị trường. Phương cho công bố thành phần của các loại dầu gắn nhãn hiệu Ofood có Vitamin A nhưng do giá thành Vitamin A đắt, Phương không bổ sung Vitamin A hoặc bổ sung lượng Vitamin A rất ít so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Phương đã bán hàng chục nghìn tấn dầu thực vật gắn nhãn hiệu Ofood không đảm bảo chất lượng cho hàng trăm công ty, đại lý phân phối trên toàn quốc để bán cho người tiêu dùng.

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ cũng thu giữ hàng trăm tấn dầu ăn, hạt nêm, bột canh, mì chính… giả do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam sản xuất.

Theo kết quả điều tra, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (do Nguyễn Văn Hưng làm giám đốc) đã đặt mua mì chính, dầu ăn từ một đơn vị tại Hà Nội, sau đó sang chiết, đóng gói và công bố sản phẩm với các thương hiệu như “Dầu ăn Boat Brand”, “Dầu ăn Fami Gold”.

Ngoài ra, công ty này còn trộn phụ gia thực phẩm nhập lậu từ nước ngoài để chế biến thành các loại hạt nêm, bột canh, mì chính mang thương hiệu “Hạt nêm Bếp Hồng Việt”, “Bột canh Hà Nội”... rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Những mặt hàng này được pha trộn, sang chiết từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia rẻ tiền, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe, nhưng lại được đóng gói với mẫu mã bắt mắt, mang thương hiệu quen thuộc, sau đó tung ra thị trường tiêu thụ như hàng thật.

Đáng lo ngại hơn, các đối tượng còn làm giả phiếu kiểm nghiệm chất lượng để “hợp thức hóa” sản phẩm giả, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt nếu không chú ý kỹ.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nếu sử dụng dầu đã qua sử dụng, tức là dầu chiên rán nhiều lần trong nhà hàng, khách sạn, sau đó được thu gom về bán lại vào sử dụng chế biến thực phẩm cho người, thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ về sức khỏe lâu dài như ngộ độc, tổn thương gan, thận, lâu dần là ung thư. Loại dầu thải loại chứa chất độc phát sinh trong quá trình chiên rán ở nhiệt độ cao, nếu dùng tiếp cho người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Ông Thịnh cũng nhấn mạnh rằng, loại dầu thải loại này thường hay được sử dụng trong ngành chăn nuôi, tuy chưa có đánh giá tác hại rõ rệt trên vật nuôi nên vẫn được một số nơi tận dụng.

Nguy hiểm là thế nhưng dường như thị trường dầu ăn vẫn đang bị bỏ ngỏ. Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH Famimoto Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food cho thấy sự thiếu đồng bộ trong khâu cấp phép, hậu kiểm của cơ quan chức năng là cơ hội cho thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái len lỏi.

Theo các quy định về an toàn thực phẩm, về nhập khẩu và sản xuất, tiêu thụ lương thực - thực phẩm, những đơn vị có liên quan là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền địa phương. Nhưng “quả bóng trách nhiệm” đang được đẩy qua đẩy lại và chưa thể làm rõ ai chịu trách nhiệm chính. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi là nguyên liệu thuộc Danh mục quản lý theo Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT, chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Bộ Công Thương chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với doanh nghiệp này.

Về phân cấp quản lý, hiện nay lại giao quyền cho ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện những vụ việc nêu trên đang được cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ Công thương chưa nhận được báo cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan về hành vi sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả nêu trên.

Còn Bộ Y tế thì chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Công thương là chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bao gồm toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh và lưu thông trên thị trường.

Công an tỉnh Hưng Yên làm việc với Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food.

Công an tỉnh Hưng Yên làm việc với Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food.

Điều đáng nói dù Công an tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan thông tin về việc đang tiến hành điều tra vụ án hình sự sản xuất, mua bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm xảy ra tại nhà máy của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food và đề nghị Chi cục An toàn thực phẩm; Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thông báo cho các đại lý phân phối về sản phẩm giả. Đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm của công ty này để đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng các cơ quan chức năng có liên quan không hề có thông báo cảnh báo tới người tiêu dùng.

Trên các sàn thương mại điện tử như Shopee vẫn rao bán dầu ăn Ofood, Ofood Cooking Oil tràn lan. Đến khi thông tin đường dây dầu bẩn bị triệt phá, các sàn thương mại điện tử, các westite mới gỡ bỏ.

Điều này cũng cho thấy sự phối hợp của các cơ quan trong cảnh báo, thực thi chống hàng giả hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành đang tạo điều kiện để tội phạm lợi dụng, khai thác triệt để những kẽ hở của pháp luật để sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn thu lời bất chính.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hiem-hoa-tu-dau-an-ban-i773668/