Hiểm họa từ trào lưu 'săn lùng kẻ ấu dâm'

Các nhóm săn lùng ấu dâm trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ, từ vạch trần tội phạm đến hành vi bạo lực cực đoan, làm dấy lên câu hỏi về đạo đức, pháp lý và an toàn cộng đồng.

Trong gần một thập kỷ qua, phong trào săn lùng ấu dâm đã phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Những người tham gia phong trào này thường giả danh trẻ vị thành niên để dụ dỗ những đối tượng có hành vi đáng ngờ, sau đó công khai danh tính của họ lên mạng.

Lấy cảm hứng từ chương trình truyền hình nổi tiếng "Bắt kẻ săn mồi", nhiều nhóm "thợ săn" đã tự tạo nội dung theo mô-típ tương tự.

Ban đầu, mục đích của các nhóm này được công chúng ủng hộ, khi họ góp phần cảnh báo về nguy cơ lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều nhóm đã chuyển từ việc vạch trần kẻ phạm tội sang thực hiện những hành vi bạo lực nghiêm trọng.

Công lý hay phạm pháp?

Báo cáo từ các cơ quan thực thi pháp luật cho thấy số vụ tấn công liên quan đến các nhóm săn lùng ấu dâm đã tăng đột biến trong năm qua. Tính từ năm 2023, hơn 170 vụ tấn công bạo lực đã được ghi nhận, trong đó nhiều vụ diễn ra ngay trên đường phố hoặc tại nhà riêng của nạn nhân.

 Ahmad Wasfi Al-Azzam, người đứng sau nhân dạng "realjuujika" chuyên sản xuất nội dung xoay quanh việc tấn công những đối tượng bị nghi có hành vi ấu dâm. Ảnh: Sở Cảnh sát West Chester.

Ahmad Wasfi Al-Azzam, người đứng sau nhân dạng "realjuujika" chuyên sản xuất nội dung xoay quanh việc tấn công những đối tượng bị nghi có hành vi ấu dâm. Ảnh: Sở Cảnh sát West Chester.

Một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khi một người đàn ông 73 tuổi bị hành hung tại nhà riêng bởi một "thợ săn" tự xưng là “realjuujika”.

"realjuujika" đã phát trực tiếp vụ tấn công, nhận được sự ủng hộ từ những người theo dõi trên mạng. Theo chuyên gia tội phạm học, đây không còn là hành động bảo vệ trẻ em, mà đã trở thành một hình thức "phán xử" ngoài vòng pháp luật.

"Họ không phải cảnh sát, họ không có quyền thực thi pháp luật nhưng họ lại tự cho mình quyền trừng phạt người khác bằng bạo lực", New York Times dẫn lời công tố viên Christopher L. de Barrena-Sarobe nhận định.

Việc các nhóm săn lùng đối tượng ấu dâm sử dụng bạo lực như một chiến lược thu hút người xem và kiếm tiền từ các nền tảng số đã trở nên hiện hữu. Một số nhóm đã đăng tải nội dung lên các nền tảng ít kiểm duyệt hơn như Locals và Kick, nơi họ có thể kiếm tiền từ quảng cáo, quyên góp và bán hàng hóa mang thương hiệu cá nhân.

 Jay Carnicom, thành viên tổ chức "những ông bố chống kẻ săn mồi" chất vấn một người tình nghi có hành vi ấu dâm trực tuyến ở Monroe, Michigan. Ảnh: Locals.

Jay Carnicom, thành viên tổ chức "những ông bố chống kẻ săn mồi" chất vấn một người tình nghi có hành vi ấu dâm trực tuyến ở Monroe, Michigan. Ảnh: Locals.

Nhóm "những ông bố chống kẻ săn mồi" (DAP) là một ví dụ điển hình. Ban đầu, nhóm này không sử dụng bạo lực, nhưng khi mở rộng hoạt động trên Locals, họ dần chuyển sang thực hiện các vụ hành hung trực tiếp.

"Chúng tôi đã khiến nhiều tên ấu dâm tự tử hơn bất kỳ ai khác", một thành viên của DAP nói.

Tuyên bố nói trên làm dấy lên nhiều tranh cãi về đạo đức và trách nhiệm pháp lý của các nhóm săn lùng.

Công cụ kiếm tiền

Sự gia tăng của các vụ bạo lực không chỉ gây nguy hiểm cho những người bị cáo buộc mà còn đe dọa an toàn của cộng đồng. Các chuyên gia thực thi pháp luật cảnh báo rằng những vụ tấn công không có sự kiểm soát này có thể làm gián đoạn quá trình điều tra chính thức, thậm chí khiến những kẻ phạm tội thực sự trở nên thận trọng và khó bị phát hiện hơn.

Bên cạnh đó, một số nhóm "thợ săn" đã bị chỉ trích vì hành vi buộc tội vô căn cứ. Một số sinh viên đại học cũng tham gia phong trào này, dẫn đến nhiều trường hợp nhầm lẫn hoặc ngụy tạo bằng chứng để có nội dung gây sốc thu hút người xem, theo New York Times.

Dưới áp lực kiểm duyệt từ các nền tảng lớn như YouTube và Facebook, các nhóm săn lùng đã chuyển sang những nền tảng ít kiểm duyệt hơn, nơi nội dung bạo lực có thể dễ dàng lan truyền.

Một ví dụ đáng chú ý là nhà sáng tạo nội dung Youtube Vitaly Zdorovetskiy, người đã thực hiện nhiều buổi phát trực tiếp quá trình săn lùng đối tượng ấu dâm, thậm chí sử dụng cá sấu để đe dọa nạn nhân. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức mà còn đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa nội dung giải trí và bạo lực.

 Vitaly Zdorovetskiy (phải) cùng Youtuber nổi tiếng Adin Ross bắt giữ một người nghi có hành vi ấu dâm trực tuyến. Ảnh: Youtube.

Vitaly Zdorovetskiy (phải) cùng Youtuber nổi tiếng Adin Ross bắt giữ một người nghi có hành vi ấu dâm trực tuyến. Ảnh: Youtube.

Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng này là một dạng "kiếm tiền từ bạo lực", nơi những "thợ săn" xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách khai thác nội dung gây sốc. Họ không còn chỉ tập trung vào việc bảo vệ trẻ em, mà biến việc săn lùng thành một hình thức giải trí trực tuyến.

"Đây không còn là hành động vì công lý, mà đã trở thành một ngành công nghiệp nội dung bạo lực", giáo sư Laurent Gayer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Paris nói với New York Times.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/hiem-hoa-tu-trao-luu-san-lung-ke-au-dam-post1541406.html