Hiện đại hóa công tác dự báo thu ngân sách
Thời gian qua, thông tin về số thu ngân ngân sách nhà nước (NSNN) hàng tháng, hàng năm luôn là những tín hiệu vui cho nền kinh tế. Các chuyên gia đánh giá, công tác dự báo thu NSNN đã kết hợp hài hòa giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại, sửa đổi về quy trình, nhờ đó, đạt độ chính xác cao hơn.
Dự báo sát với thực tế
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự báo thu không chỉ là một công cụ quan trọng trong điều hành NSNN, mà còn là yếu tố cốt lõi giúp nâng cao chất lượng quản lý NSNN. Dự báo thu chính xác giúp Chính phủ có thể xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp, từ đó phân bổ nguồn lực hợp lý cho mọi hoạt động của đất nước, tránh thâm hụt ngân sách hoặc lãng phí nguồn lực. Ngược lại, những dự báo không sát có thể dẫn đến mất cân đối ngân sách, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu dài hạn của quốc gia. Ngoài ra, dự báo thu NSNN còn được sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách, bao gồm đánh giá tác động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Đồng thời, các công cụ dự báo thu cũng được sử dụng như thước đo giúp đánh giá chất lượng quản lý thu và xác định khoảng trống thuế đối với một số sắc thuế.
Để nâng cao độ chính xác trong dự báo thu NSNN, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin về kinh tế vĩ mô và các chính sách tài chính, tiền tệ và các thông tin, dữ liệu khác. Theo đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập Tổ công tác dự báo kinh tế vĩ mô và dự báo thu, bao gồm 25 thành viên từ 11 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức và thực hiện công tác dự báo thu NSNN, bao gồm việc cung cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết, phối hợp với các chuyên gia để nghiên cứu, phát triển và vận hành các mô hình dự báo kinh tế vĩ mô và dự báo thu. Mục tiêu là đưa ra các dự báo sát thực tế, đồng thời xây dựng tài liệu hướng dẫn từ khâu xây dựng cơ sở dữ liệu đến việc xây dựng, vận hành, áp dụng các mô hình dự báo thu, ông Mai Xuân Thành thông tin.
Tuy nhiên, hiện nay chênh lệch giữa dự toán và thực tế thu ở một số khoản thu vẫn còn khá lớn, đặc biệt là những khoản thu chịu tác động mạnh từ các yếu tố bất thường. Bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế) chia sẻ, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhất là năm 2021, 2022 kinh tế có biến động lớn, nhiều yếu tố bất định nằm ngoài dự báo của các tổ chức trong nước và thế giới, lạm phát bùng phát trên toàn cầu, dòng vốn đầu tư dịch chuyển giữa các quốc gia diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn tốc độ tăng trưởng kinh tế so với mục tiêu khi xây dựng dự toán.
Bên cạnh đó, việc dự báo chính xác nguồn thu từ dầu thô là rất khó khăn do giá cả không chỉ phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường, mà còn bị chi phối lớn bởi tình hình chính trị thế giới, nhất là các quốc gia nắm trữ lượng dầu mỏ lớn. Một ví dụ khác là tốc độ tăng thu tiền sử dụng đất bình quân qua các giai đoạn và các năm không đồng đều, có địa bàn diễn biến không theo quy luật, không ổn định và khó dự báo, tập trung ở các địa phương có ưu thế phát triển công nghiệp, logistics, kinh tế, du lịch... Bên cạnh đó, dự toán thu tiền sử dụng đất được xây dựng từ cơ sở với sự tham gia dự báo của nhiều cấp, nhiều ngành nhưng còn chưa chặt chẽ, kịp thời... đã ảnh hưởng đến chất lượng dự báo các khoản thu liên quan đến đất đai, bà Phạm Thị Tuyết Lan cho biết.
Đơn giản hóa quy trình, tăng ứng dụng công nghệ
Để nâng cao chất lượng dự báo, lập dự toán sát với thực tế phát sinh, Tổng cục Thuế cho rằng, cần phải đẩy mạnh phân cấp nguồn thu gắn với phân cấp quản lý thu, bỏ tính lồng ghép. Việc tăng cường trách nhiệm, quyền hạn cho chính quyền các cấp, thể chế hóa trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, phối hợp dự báo, lập dự toán giữa các cơ quan, ban, ngành với cơ quan thu cần phải được cụ thể hóa, cá thể hóa sát thực tế.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa quy trình dự báo, lập dự toán thu ngân sách trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện các phần mềm ứng dụng để tự động hóa việc thu thập dữ liệu, ứng dụng phần mềm tích hợp các thông tin ngoài ngành thuế phục vụ công tác phân tích, dự báo, lập dự toán. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý thông tin, cơ cấu lại thời lượng từng khâu cho phù hợp, bảo đảm dành 20% thời lượng cho công tác thu thập, xử lý thông tin, 80% thời lượng dành cho phân tích, đánh giá, dự báo là hết sức cần thiết.
Để năng cao tính chính xác của công tác dự báo, các chuyên gia đề xuất áp dụng các mô hình dự báo tiên tiến như hồi quy, bảng cân đối liên ngành, và phân tích dữ liệu lớn để xử lý khối lượng thông tin ngày càng phức tạp. Kinh nghiệm từ Đức và các quốc gia châu Âu cho thấy việc sử dụng các công cụ này có thể cải thiện đáng kể độ chính xác của dự báo, giảm sai lệch xuống dưới 5%. Chính phủ cũng nên cân nhắc đơn giản hóa quy trình lập dự toán thông qua giảm số lượng cấp tham gia và ứng dụng công nghệ số.
Đồng thời, cần ưu tiên xây dựng kho dữ liệu quốc gia về thu ngân sách, tích hợp từ cấp trung ương đến địa phương sẽ giúp chuẩn hóa thông tin và nâng cao hiệu quả dự báo. Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và khả năng ứng phó nhanh với các biến động kinh tế. Hơn hết, cần phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác dự báo thu là yếu tố then chốt. Việt Nam nên tổ chức các khóa học hợp tác với chuyên gia quốc tế và xây dựng chương trình đào tạo dài hạn, bao gồm cả việc gửi cán bộ ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm thực tiễn.
Dù là giải pháp gì nhưng theo bà Phạm Thị Tuyết Lan, việc xây dựng dự toán NSNN cũng phải bao quát nguồn thu, bảo đảm tích cực, sát thực tế phát sinh; phải tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn theo quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế và quản lý NSNN.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hien-dai-hoa-cong-tac-du-bao-thu-ngan-sach-159128.html