Hiến dâng tuổi thanh xuân vì trẻ khuyết tật
Các thầy cô giáo Trường Chuyên biệt Tương lai thành phố Đà Nẵng là những người bình thường nhưng lại có một tình yêu rất đặc biệt. Với họ, được lắng nghe, vỗ về hay được sẻ chia, tâm sự cùng những đứa trẻ kém may mắn là hạnh phúc mỗi ngày. 25 năm ngôi trường nhân văn này ra đời là chừng ấy thời gian các thầy cô giáo gắn bó, dìu dắt những bước chân còn lắm chông chênh, gập ghềnh của bao lớp thế hệ học trò vào đời...
Luôn là “mái nhà chung”
Không giống như những ngôi trường khác, muốn hoàn thành nhiệm vụ tại Trường Chuyên biệt Tương lai, các thầy cô giáo phải nỗ lực gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần khả năng mình có. Ngoài dạy dỗ, các thầy cô còn đóng vai trò là những người cha, người mẹ, là những người truyền cảm hứng để các em vượt qua mặc cảm bản thân. Có những em đến với trường mục đích không phải để học, đơn giản chỉ tìm sự sẻ chia, đồng cảm như các em khuyết tật về thị giác, thính giác nhưng các thầy cô vẫn sẵn lòng hỗ trợ. Cô Lê Thị Tuyết là một trong những giáo viên như thế. Cô Tuyết kể, cô quê Hà Tĩnh. Năm 1989 cô tốt nghiệp và công tác tại quê nhà. Đến 1996 cô theo chồng vào Đà Nẵng lập nghiệp và cơ duyên đã đưa cô đến với Trường Chuyên biệt Tương lai. “Thật tình thì những ngày đầu về trường tôi không thể nào hình dung được những phần việc mình phải làm. Tôi nghĩ sẽ khó khăn, vất vả nhưng chưa nghĩ đến mức phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ, kể cả việc vệ sinh cá nhân cho các em. Thế nhưng, qua thời gian được gắn bó, gần gũi, tình cảm cô trò lớn lên từng ngày nên mọi chông gai, trở ngại cũng dần qua đi. Bây giờ, một ngày không được gặp, không được dạy dỗ các em là tôi thật sự không chịu nổi”, cô Tuyết bộc bạch.
Cũng như các thầy cô khác, cô Tuyết được phân công đứng lớp dạy các em đa khuyết tật từ Down, cho đến bại não, tự kỷ… “Việc dạy các em nhiều lúc như nước đổ lá môn nhưng quan trọng là phải kiên trì, tỉ mẫn. Nếu không chịu thương chịu khó, không có tình yêu đặc biệt với các em thì không thể nào làm được”, cô Tuyết cho hay. Cũng theo cô Tuyết, các thầy cô ở trường luôn đặt mình vào tâm thế của phụ huynh hay của chính các em để có thể thấu hiểu và dễ dàng sẻ chia. Với các em khuyết tật dù rằng dạy trước quên sau nhưng chưa bao giờ các thầy cô nản chí, bỏ cuộc. Đặc biệt, các thầy cô luôn không ngừng đổi mới, tự tìm tòi ra những phương pháp dạy hoàn toàn không có trong giáo án miễn sao đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh cô Tuyết, nhiều thầy cô khác cũng đã có hàng thập kỷ gắn bó với ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật này. Kể đến như cô Trương Thị Hồng Nga, Đỗ Thị Hữu Hạnh, Trương Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Hồng Thu, Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Lễ, Trần Thị Minh Yến… Nhiều thầy cô giáo cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý từ UBND hay Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng trao tặng. Với các thầy cô, Trường Chuyên biệt Tương lai không còn là nơi để cống hiến, làm việc mà thật sự là “mái nhà chung” để giáo viên và học sinh tìm thấy nhau, cùng dìu dắt nhau qua mọi bão giông cuộc đời. Nói như cô Nguyễn Thị Hồng Thu, 25 năm trường được thành lập là chừng ấy năm cô gắn bó nhưng chưa bao giờ cô hối hận mà luôn thầm biết ơn. Cô đến với trường theo mệnh lệnh trái tim, dành cả thanh xuân để dìu dắt trẻ khuyết tật, đến bây giờ sắp sửa về hưu, những kỷ niệm ngọt ngào, đẹp đẽ trong khoảng thời gian công tác chắc chắn sẽ theo cô đến suốt cuộc đời...
Cùng nhau hướng tới tương lai
Chúng tôi ghé thăm Trường Chuyên biệt Tương lai đúng dịp trường chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Cô Trương Thị Hồng Nga – Hiệu phó nhà trường cho hay, dù bận rộn trong công tác chuẩn bị nhưng các thầy cô ai nấy cũng vui tươi, rạng ngời mong chờ ngày đặc biệt. Ngày ấy các cô thầy không nhận được những món quà gì lớn lao, cao sang nhưng đó là dấu mốc để đánh dấu một chặng đường trường từ gian khó đi lên, từ mái nhà liêu xiêu, dột nát những ngày đầu thành lập đến cơ sở khang trang, tiện nghi như bây giờ.
Thầy Nguyễn Duy Quy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, 25 năm chứa đầy ắp kỷ niệm cùng những năm tháng không thể nào quên, là cả chặng đường vươn lên trong gian khó, trưởng thành để rồi vững tin hướng tới tương lai. Theo thầy Quy, ngày 1-12-1994, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã thành lập Trường Dạy trẻ khuyết tật Tương Lai nay là Trường Chuyên biệt Tương Lai thành phố Đà Nẵng. Với chức năng, nhiệm vụ là chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật; bước đầu nhà trường đã đáp ứng được lòng mong mỏi của những gia đình có con em bị tật nguyền. Từ đó, các em đã có quyền được vui chơi, được học tập như bao trẻ bình thường khác. Nhiều lớp học sinh của trường nối gót nhau gắn bó với trường qua bao đổi thay và đồng hành theo sự phát triển của ngôi trường đặc biệt này.
Ngày mới thành lập, trường chỉ là một cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật với quy mô nhỏ gồm 44 em, với nhiều các loại tật. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Hầu hết các thầy cô giáo đều lúng túng, bỡ ngỡ và chưa có kinh nghiệm trong việc dạy những đứa trẻ ngây ngô và bất hạnh. Ngoài lòng nhiệt tình và trách nhiệm, còn mọi thứ lạ lẫm và khó khăn. Nhờ có sự động viên của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và sự cảm thông sâu sắc của các bậc PHHS, nên nhà trường đã bắt tay vào công việc với lòng nhiệt huyết, tất cả vì hạnh phúc của trẻ thơ.
Bằng sự tận tâm, nhẫn nại và tấm lòng như những người cha, người mẹ, các thầy cô đã đưa trường ngày một phát triển. Hiện nay, trường có 2 cơ sở. Cơ sở 1 tại 22 Trần Bình Trọng dạy học sinh bậc Mầm non và THCS; cơ sở 2 tại 88A Huy Cận, dạy học sinh bậc Tiểu học. Năm học 2019-2020 toàn trường có 252 học sinh, được biên chế thành 24 lớp ở 3 bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS. Các em là những học sinh khuyết tật thính giác, khuyết tật trí tuệ và tự kỷ; đa số là con nhà nghèo và một số mồ côi cha mẹ.
Trong 25 năm phấn đấu, nhà trường đã đạt các danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, nhận được Bằng khen của UBND TP, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong 5 năm gần đây từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019, có 4 năm học trường được Chủ tịch UBND thành phố công nhận Tập thể Lao động xuất sắc được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khen tặng đơn vị Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với đó là nhiều Bằng khen của UBND thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tuổi 25 với mỗi con người là tuổi đẹp nhất và sung sức nhất nhưng tuổi 25 của nhà trường chưa phải là đỉnh cao. Mọi sự tốt đẹp nhất còn đang ở phía trước, đang chờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự phấn đấu của thầy trò nhà trường. Ngày kỷ niệm trường là dịp để các thầy cô cùng tề tựu, cùng sẻ chia về những kỷ niệm đẹp đã qua nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thầy cô giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau hướng về phía trước, tất cả vì một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ kém may mắn giữa cuộc đời này”, thầy Quy tâm sự.
Thành Danh
Luôn nỗ lực hơn khả năng mình có, nhiều thầy cô giáo Trường Chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý.
Các thầy cô giáo Trường Chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng luôn là những người cha, người mẹ đồng hành cùng các em kém may mắn qua mọi chông gai, trở ngại của cuộc đời.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_216815_hien-dang-tuoi-thanh-xuan-vi-tre-khuyet-tat.aspx