Hiện hữu những điều huyền diệu
Mỗi dịp lễ, tết, thấy xã đem tiền, gạo đến mấy hộ nghèo trong làng, mẹ tôi lại tấm tắc: 'Nhà nước mình thật nhân đạo'. Lời khen của mẹ làm tôi ấn tượng. Vì mẹ vốn là con một địa chủ 'xịn', có nhiều 'đày tớ' trong nhà. Đồng trên xóm dưới, nhiều khu, một thời đều gắn tên sở hữu là ông bà hai bên nội, ngoại.
Thành phố Thanh Hóa ngày càng hiện đại. Ảnh: Hiếu Nam
Làng xưa có nhiều người tên Nuôi - cái đói năm 1945 làm họ trôi dạt và được người làng nhận làm con nuôi. Bố tôi kể, ngày ấy, đêm đêm trên cái chòi canh nơi cổng làng chốc chốc lại ngân lên hồi trống, báo có người chết đói. Nhà bà nội tôi, tuy cổng đóng kín, nhưng hễ người đói đến xin đều được phân phát khi thì nắm cơm, khi bát cháo hoặc bắp ngô, củ khoai. Cải cách ruộng đất, ông bà hai bên đều bị đấu tố và tịch thu ruộng đất. Các cậu, các dì ly tán khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng mẹ tôi không vì thế mà không vui trước cuộc sống tiến bộ hôm nay.
Bởi đây là điều huyền diệu, mà hàng mấy chục năm qua, Thanh Hóa thực hiện mong ước của Bác Hồ “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Vật lộn với thiên tai, lạc hậu, với đạn bom giặc Mỹ, rồi suốt thời kỳ bao cấp gian khó, làng Hiển Vinh, xã Quang Lộc (Hậu Lộc) quê tôi, bây giờ đã có đường nhựa chạy qua, nối liền Quốc lộ 10 và Quốc lộ 1A. Làng chỉ còn vài ba hộ nghèo, do đau yếu. Nhà ở, hầu hết đều kiên cố, cao tầng, mái bằng. Đường lớn, ngõ nhỏ đều nhựa hóa, bê tông hóa, có rãnh thoát nước và xe ô tô con vào được đến mọi nhà. Đứng trên núi Ngẳn, đầu làng, nhìn sang bên kia sông Lèn, là làng quê huyện Hà Trung, huyện Nga Sơn. Bên đó, bây chừ làng nào cũng sáng bừng ánh điện, cũng thênh thang đường xuôi ngược, cũng nhà cao cửa rộng và tiếng máy móc ngân lên những âm sắc rộn ràng trong các nhà máy, công xưởng.
Ngó gần, rồi lại ngó xa, khắp xứ Thanh mình, dải đất “yết hầu” án ngữ phía Nam Bắc bộ, rộng 11.120 km2, trải rộng trên 27 huyện, thị xã và thành phố, gồm cả miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Điện được kéo lên tận vùng cao Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, rồi thì Thường Xuân, Như Xuân. Năm ngoái, thêm 157 hộ dân ở 3 bản cuối cùng: Tén Tằn, Piềng Mòn và Chiềng Cồng của xã Tén Tằn, nơi giáp nước bạn Lào, có điện. Tất cả các xã, phường, thị trấn và gần như 100% hộ dân trong tỉnh đã có điện dùng. Cung đường Hồ Chí Minh, rìa Tây Tổ quốc, vắt dọc qua những dãy núi, cánh rừng Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân. Vì thế từ các huyện phía Tây này đi Thủ đô Hà Nội, đi phía Nam, nhanh và tiện lợi nhiều. Đường Quốc lộ 47, 45, đường 217 được nâng cấp như làm gần thêm ranh giới các vùng miền trong tỉnh. Quốc lộ 10, chạy men ven biển cũng đã hoàn thành trên nhiều chặng, đưa TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn ra Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng gần lại. Các đại lộ Nam sông Mã, đường Nghi Sơn đi Sân bay Thọ Xuân, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, đường Hồi Xuân - Tén Tằn như mở rộng hơn cơ hội làm giàu. Ngoạn mục nhất chính là những cây cầu bắc ngang sông Mã. Từ phía Bắc, cầu Đò Lèn, cầu Tào Xuyên to lớn. Khu vực Hàm Rồng, ngoài cây cầu Hàm Rồng huyền thoại, thêm 2 cầu Hoàng Long và Nguyệt Viên tô thêm huyền diệu cảnh quan sông Mã, núi Rồng. Cảng Hàng không Thọ Xuân, đón chuyến bay dân sự đầu tiên năm 2013, tốc độ phát triển nhanh vào loại nhất nước, đến nay đã có nhiều tuyến bay nội địa và vừa được quy hoạch thành Cảng Hàng không quốc tế. Cảng nước sâu Nghi Sơn, có trên chục bến, có thể đón đưa tàu trọng tải lên tới 70.000 tấn và có cả bến xếp dỡ container. Cảng Hới, Lễ Môn, Hòa Lộc được nâng cấp và xây dựng cùng với hàng chục cảng sông, làm nên sức bật mạnh mẽ của giao thông đường thủy. Trường, phòng học cho con em được nâng cấp cao tầng, kiên cố đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Ngay nơi vùng cao hẻo lánh Mường Lát, Quan Sơn, các điểm trường nhỏ hay lớp học bán trú cho trẻ học mầm non, tiểu học hầu hết khang trang, sạch đẹp, điểm xuyết nét hiện đại vào bức tranh hùng vĩ của bản làng. Nếu xưa kia, những năm 60 của thế kỷ trước, cả cụm vài ba huyện mới có 1 trường cấp 3, thì nay, huyện ít cũng vài trường, huyện, thị xã, thành phố nhiều thì dăm bảy ngôi trường THPT (cấp 3). 5 năm qua, học sinh xứ Thanh đã mang về 16 huy chương trong các kỳ thi quốc tế. Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo nghề đã cung cấp nhân lực cho các ngành nghề trong tỉnh với con số chục vạn người mỗi năm. Hệ thống y tế bám trụ tới mỗi làng bản. Ngoài trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa cấp huyện, mỗi xã, phường, thị trấn, đều có trạm y tế. Trên địa bàn tỉnh, ngoài Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Phụ sản, các cơ sở chuyên về phòng dịch và các bệnh xã hội, đã có thêm Bệnh viện Nhi và hàng chục bệnh viện, phòng khám tư nhân, liên doanh quốc tế và với cấp Trung ương.
Các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, suối cá thần Cẩm Lương, các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Xuân Liên, Vườn Quốc gia Bến En... và biết bao đền thờ, miếu mạo trải rộng khắp trên đất Thanh địa linh nhân kiệt được nâng cấp và cải tạo. Lợi thế 102 km bờ biển, du lịch nghỉ mát tắm biển có thêm Hải Tiến (Hoằng Hóa), Tiên Trang (Quảng Xương), Hải Hòa (Nghi Sơn). Những chiều hè, bãi biển Sầm Sơn nghìn nghịt những người là người. Nhìn trang phục và nghe giọng nói, tôi biết lượng du khách áp đảo không còn là những thành phần khá giả trong và ngoài nước, mà là dân lao động từ miền núi và các huyện đổ về. Không khỏi tự hào trước các quần thể nghỉ dưỡng sang trọng, các hệ thống thiết bị đô thị được nâng cấp. Điều thay đổi ấn tượng của TP Sầm Sơn chính là tạo dựng màu xanh sạch đẹp của phố biển và nét đẹp văn hóa kinh doanh, góp phần lớn vào thành tựu du lịch cả tỉnh. Ngược lên TP Thanh Hóa, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh, bầy chim hạc xếp vòng ở vòng xuyến “Hồng hạc hướng thanh thiên” đưa tôi vào nội đô. Lớn lên, học tập và công tác ở nơi này mấy chục năm, nhưng bây giờ, tôi hay lạc đường. Một thành phố vạm vỡ sức vóc, tươi đẹp sắc màu, với những trục đường dài rộng và những khu đô thị mới khai trương, những chung cư cao cấp, những khu vui chơi, mua sắm hiện đại hiện lên nhanh một cách lạ lẫm. Án ngữ cửa ngõ phía Bắc, thị xã Bỉm Sơn, một “vua” xi măng, vừa sôi động với hoạt động công xưởng, vừa thơ mộng với trập trùng đồi núi bốn mùa hoa trái. Ai đã từng qua vùng Quán Cháo - Đồng Giao rừng thiêng, nước độc, những núi, đồi đất đá vôi cằn cỗi, thuở trước, chắc sẽ nghĩ có phép màu. Bất chợt, trong tôi, một cảm khái dâng đầy, theo lối nói của Tú Xương: “Đồi kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm trang trại, chỗ trồng hoa tươi”(*).
Ngược lên vùng Lam Kinh lịch sử, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng hấp dẫn bởi những đặc sản mía đường, sữa, các loại dưa, hoa lan... cộng với bức tranh phố xá ẩn hiện giữa những hàng đại thụ. Có sân bay, lại nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47, với những cơ sở kinh tế du lịch và công, nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng chính là miền đất hứa, một đô thị sinh thái duyên dáng, đáng sống gọi mời.
Từ trên cao ngó về vùng “Tứ Hải” (Tĩnh Hải, Hải Yến, Hải Thượng, Hải Hà) cùng khổ nhất Tĩnh Gia, xưa kia, giờ đây, Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sừng sững những dọc ngang bồn chứa, đường ống, những trụ sắt. Vận hành đại công trình ấy là những chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong những căn phòng lạnh với hệ thống máy tính, bảng điều khiển điện tử. Tôi băn khoăn, không biết cái nơi mà căn nhà gỗ mục, có tấm lưới vắt đầu hè của danh nhân thể thao, cố xạ thủ Trần Oanh – vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam, từng sống, ở làng chài Hải Yến, là chỗ nào đây? Mộ ông vốn nằm chơ vơ nơi bãi hoang ven biển, được di về nghĩa trang Nồn Choàn, được ốp đá, dựng bia tưởng niệm năm 1991, sắp tới sẽ lại di cư lần nữa để mở rộng cơ ngơi cho đô thị kinh tế mới – thị xã Nghi Sơn? Đất gò đồi ven biển, đá sỏi lẫn cát bụi của huyện ven biển Tĩnh Gia “nhất Xương, nhì Gia...” , nhanh chóng hóa thân thành một “tổ đại bàng” khổng lồ, với hàng chục nhà máy tỷ đô: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, xi măng Nghi Sơn và xi măng Công Thanh, Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nghi Sơn 2, Nhà máy Gang thép Nghi Sơn, dầu thực vật Nortalic,... Và cùng là phố xá sầm uất, chỉn chu, tiện nghi tại các khu tái định cư Mai Lâm, Trúc Lâm, Xuân Lâm, Nguyên Bình, Hải Bình, khu cư xá công nhân... làm nên diện mạo khác biệt của xứ chài nghèo kiệt - bộ mặt thị xã trẻ Nghi Sơn - gồm 31 phường, xã hôm nay.
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh (gần 12,5%/năm, trong 5 năm nay), năm 2020 tỉnh Thanh ước đạt giá trị tổng sản phẩm xã hội (GRDP) 133.816 tỷ đồng, cao nhất vùng Bắc Trung bộ và vươn lên tốp 8 cả nước. Các Khu Công nghiệp Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Lễ Môn, Lam Sơn - Sao Vàng và hàng chục cụm công nghiệp khác đã tăng năng lực sản xuất các sản phẩm thế mạnh như xi măng, khai khoáng, phân bón, may mặc, giầy dép, bia, thuốc lá... đồng thời mở thêm nhiều ngành sản xuất mới áp dụng công nghệ tối ưu: hóa dầu, dầu ăn, sắt thép - với hơn 400 doanh nghiệp, tạo việc cho gần 97.000 lao động với thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng, góp phần nâng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và xây dựng cả tỉnh - chiếm 49,3% cơ cấu kinh tế. Dịch vụ, thương mại chuyển mình theo hướng tập trung cho sản phẩm lợi thế, đáp ứng thị trường thời công nghệ 4.0. Nghề nông, ứng dụng công nghệ cao, không chỉ sản xuất lúa, khoai lang, lạc, lợn, bò mà còn làm hàng xuất khẩu với nào là ớt, dưa leo, dứa, bưởi và trồng cỏ, nuôi dê, bò sữa, năm 2019, tổng giá trị sản xuất đạt gần 28.199 tỷ đồng, tăng 2,27%. Lâm nghiệp vừa tăng nguyên liệu lâm sản làm hàng xuất khẩu, vừa mở hướng phục vụ du lịch. Ngành thủy sản, người đánh bắt, được nâng kỹ thuật, trang bị hiện đại và người nuôi trồng, chế biến thì chịu khó du nhập kỹ thuật tiên tiến, nên mặt hàng cá, tôm, cua, ghẹ, mực, ngao... của quê biển Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn luôn gia tăng sản lượng và chất lượng, được thị trường trong và ngoài nước tín nhiệm. Từ đây, thênh thang cho no đủ, mạnh giàu. Xứ Thanh, người đông thứ ba cả nước, với trên 3,64 triệu, nên dẫu bình quân GRDP chưa cao (gần 2.670 USD/năm) nhưng số hộ nghèo của vùng đất vốn hay được gọi là quê nghèo, đã giảm nhanh, chỉ còn 3,27% (năm 2019). Đã có 16 xã và 127 thôn, bản vươn lên khỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đó, lại thêm một huyền diệu của xứ Thanh!
Bút ký của Vân Điệp
(*) Thơ Tú Xương: “Sông kia rày đã nên đồng/ chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/hien-huu-nhung-dieu-huyen-dieu/122224.htm