Hiến kế giúp Hà Nội có vốn phát triển đường sắt đô thị
Chiều 28/5, tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến vào giải pháp phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội.
Không gian ngầm phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ) nhất trí với nội dung quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.
Đại biểu Nghĩa cho rằng, những quy định này đã kế thừa một số nội dung của Luật Thủ đô năm 2012 và đã có sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vấn đề bất cập, trong đó quy định về việc tổ chức, thực hiện quy hoạch khu sông Hồng, sông Đuống được phân cấp cho Hà Nội chủ động thực hiện.
Ông Nghĩa đánh giá quy định như trong dự thảo đã bảo đảm được tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết được nhu cầu của người dân về không gian văn hóa cộng đồng, không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm và đô thị hai bên sông phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022.
Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng không gian ngầm, đại biểu Đào Chí Nghĩa nhìn nhận, dự thảo Luật đã tiếp thu các nội dung góp ý của rất nhiều đại biểu.
Hiện nay, không gian ngầm phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả và đây chính là nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội.
"Để Hà Nội có thể thực hiện nhanh nội dung này, đề nghị các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai (2024) trong giai đoạn hiện nay cần tích hợp với các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm", ông Nghĩa đề xuất.
Về việc cải tạo và chỉnh trang đô thị, đại biểu Đào Chí Nghĩa nhất trí với dự thảo Luật, đây là quy định mới về công tác chỉnh trang đô thị, khác với các quy định hiện hành về nhà ở, xây dựng nhằm tháo gỡ các vướng mắc về chỉnh trang đô thị ở Hà Nội.
Song ông Nghĩa cũng đề nghị bổ sung vào khoản 9, khoản 10 Điều 20 về việc giao cho UBND và HĐND Hà Nội quy định chi tiết về điều kiện cụ thể.
Về việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, đại biểu Nghĩa nhất trí với dự thảo Luật lần này. Đây là vấn đề mới và sẽ tạo ra đột phá để phát huy nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị.
Theo đại biểu đoàn TP Cần Thơ, để có nguồn vốn đầu tư cho đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng cần thu thêm một số khoản như: tiền thu từ diện tích sàn tăng thêm đối với dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD. Tăng tiền thu từ khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD và phí cải thiện hạ tầng.
"Việc này một số nước đã thực hiện. Hiện nay trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định vùng phụ cận và dự án vùng phụ cận. Đây chính là khu vực TOD được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nên dự thảo Luật Thủ đô lần này quy định rõ hơn lợi ích của Nhà nước khi đầu tư dự án giao thông đem lại lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Những nội dung này không mâu thuẫn với quy định pháp luật hiện hành", ông Nghĩa nói và đề nghị quy định rõ hơn trong dự thảo đối với khoản thu này để tránh chồng thuế, phí.
Không chỉ phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường
Về giải thích "Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí", đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, gây ô nhiễm môi trường không phải chỉ có phương tiện giao thông.
Do đó, ông Huân đề nghị sửa thành "Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường".
Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch tại Điều 18 có nêu: Trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ông Huân đề nghị cân nhắc việc "không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có" để không xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện.
Ông Huân cũng bày tỏ băn khoăn về Khoản 5, Điều 23 quy định: HĐND TP Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Đại biểu Huân đề nghị rà soát kỹ lưỡng về nội dung này để tránh xung đột với các quy định hiện hành. Đồng thời, rà soát quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong dự thảo Luật.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường (tại điều 28, dự thảo Luật), báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô cho hay có ý kiến đề nghị không quy định nội dung "thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường" vì khó thực hiện trên thực tế.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bỏ nội dung này và chỉnh lý lại quy định theo hướng HĐND TP quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Đồng thời quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch để thành phố có thể chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp với khả năng nguồn lực và yêu cầu của tình hình thực tế.ư
Điều 31 của Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khỏe cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Khu vực TOD là khu vực bao gồm nhà ga, đề-pô đường sắt đô thị, nhà ga, điểm đón, trả khách của các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và vùng phụ cận được xác định theo quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết có liên quan để xây dựng tuyến giao thông, đường sắt đô thị kết hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển đô thị.